Hồi sinh nghề trồng dâu, nuôi tằm

Dù diện tích trồng dâu nuôi tằm không lớn nhưng nhiều gia đình tại 3 huyện phía Nam là Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên đang “ăn nên làm ra” từ nghề này. Hiện tại, cùng với sự ổn định của giá kén ở mức cao thì nhiều diện tích đất trồng dâu đang được khôi phục và mở rộng. Tại huyện Đạ Tẻh, hiện tổng diện tích dâu của toàn huyện có khoảng 500ha. Trong năm 2015, UBND huyện Đạ Tẻh quy hoạch trồng mới gần 140ha dâu. Đến nay, diện tích này đã được triển khai đạt 100% so với kế hoạch. Do đó, theo dự kiến, từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng dâu thêm hơn 60ha nữa.
Theo ông Hoàng Hồng Giang, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đạ Tẻh, diện tích trồng dâu nuôi tằm trên địa bàn huyện tăng dần theo từng năm. Với giá kén như hiện tại thì bình quân thu nhập trên 1ha trồng dâu đạt từ 150 - 200 triệu đồng/năm. Trong năm nay, bằng nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân của Trung ương, của tỉnh và của huyện, nhiều dự án trồng dâu, nuôi tằm mới đang được triển khai trên địa bàn huyện.
Trong năm 2015, Quỹ hỗ trợ nông dân Trung ương đã hỗ trợ 600 triệu đồng cho 25 hộ thuộc Tổ hợp tác trồng dâu nuôi tằm tổ dân phố 7 (thị trấn Đạ Tẻh) để cải tạo giống dâu, xây dựng nhà nuôi tằm. Sự hỗ trợ này đã có tác động lớn đến việc khôi phục nghề trồng dâu nuôi tằm và giúp các hộ nông dân có điều kiện phát triển kinh tế gia đình. Đến nay, toàn bộ 26 ha dâu của Tổ hợp tác đã được chuyển đổi sang trồng giống dâu lai Tam Bội. Gia đình ông Trần Ngọc Bân (tổ dân phố 7, thị trấn Đạ Tẻh, thành viên Tổ hợp tác) chia sẻ: “Được sự hỗ trợ, gia đình tôi đã chuyển đổi hơn 6 sào mía sang trồng dâu lai năng suất, chất lượng cao và đầu tư xây nhà tằm. Với 6 sào dâu lai hiện tại, mỗi tháng, gia đình nuôi từ 1,5 đến 2 hộp tằm. Tuy giá kén hiện tại xuống chỉ còn 75.000 đồng/kg (so với 120.000 đồng/kg những tháng trước) nhưng vẫn đem lại nguồn thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/tháng cho gia đình”.
Ngoài nguồn Quỹ hỗ trợ của Trung ương, Quỹ hỗ trợ nông dân của tỉnh Lâm Đồng cũng đã giải ngân nguồn vốn 300 triệu đồng cho 20 hộ trồng dâu nuôi tằm tại xã Hà Đông (huyện Đạ Tẻh). Với nguồn vốn này, nông dân đã đầu tư nhà nuôi tằm và né gỗ để nâng cao chất lượng kén, nâng cao thu nhập. Còn riêng đối với Quỹ hỗ trợ nông dân huyện Đạ Tẻh, trong năm nay cũng hỗ trợ 100 triệu đồng cho 8 hộ dân tại xã Mỹ Đức phát triển diện tích dâu mới.
Nuôi tằm dưới nền nhà, nuôi bằng né gỗ và trồng dâu lai là những cách làm mới giúp giảm công lao động, tăng chất lượng kén mà nhiều hộ nông dân tại các huyện phía Nam Lâm Đồng đã áp dụng. Đến hiện tại, toàn huyện Đạ Huoai có khoảng 290ha dâu (tăng khoảng 200ha so với năm 2009). Qua khảo sát tại nhiều hộ trồng dâu nuôi tằm, bình quân 1ha dâu sử dụng để nuôi tằm, người nông dân thu được lợi nhuận khoảng 70 - 120 triệu đồng/năm.
Ông Cấn Kim Khôi, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đạ Huoai, cho biết: “Trong thời gian tới, huyện sẽ tập trung chuyển đổi diện tích dâu giống địa phương bằng các giống dâu lai năng suất cao. Đồng thời, huyện cũng chú trọng phát triển nghề nuôi tằm tại các xã phía Nam của huyện, như: Đạ Oai, Đạ Tồn, Madaguôi và thị trấn Madaguôi. Huyện sẽ thành lập thêm các tổ hợp tác dâu tằm, nhằm cung ứng vật tư “đầu vào”, con giống, tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm kén thông qua hợp đồng. Trong thời gian tới, huyện sẽ quy hoạch phát triển trồng dâu lai kết hợp chăn nuôi tằm theo hình thức chuyên canh, với diện tích hơn 120ha, nhằm phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm”.
Khác với huyện Đạ Huoai và Đạ Tẻh, so với năm 2013, diện tích trồng dâu tại huyện Cát Tiên lại giảm 35ha, chỉ còn 45ha. Theo ông Trần Nam Dân, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cát Tiên, nguyên nhân diện tích dâu giảm là do bà con trồng manh mún, nhỏ lẻ nên gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm kén.
Tuy nhiên, thực hiện chủ trương của UBND tỉnh, bắt đầu từ năm 2016, huyện Cát Tiên sẽ tập trung phát triển cây dâu dọc theo sông Đồng Nai (từ xã Phước Cát II về xã Quảng Ngãi). Định hướng của huyện là tuyên truyền, vận động người dân trồng dâu theo quy hoạch để phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm theo hướng bền vững.
Có thể bạn quan tâm

Nhằm giúp nhà vườn trồng thanh long đối phó với bệnh đốm trắng đang hoành hành trên thanh long, Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam kết hợp với Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang tổ chức triển khai 7 nghiệm thức phòng trừ tổng hợp bệnh đốm trắng trên 210 trụ thanh long ở huyện Chợ Gạo, đã mang lại những thành công trong việc khống chế dịch bệnh đốm trắng trên thanh long.

Hiện xoài cát Hòa Lộc áp dụng kỹ thuật bao trái cân xô giá đến 40.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng so với đợt xoài bán dịp Noel. Với giá này, 1 công xoài chăm sóc tốt cho thu nhập 35 - 40 triệu đồng. Huyện Châu Thành A (Hậu Giang) có khoảng 1.000ha xoài cát Hòa Lộc, trong đó có khoảng 200ha áp dụng kỹ thuật bao trái, tập trung nhiều ở thị trấn Bảy Ngàn, xã Tân Hòa.

Chỉ còn hơn chục ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Ngọ nên thời điểm này, tại các vùng trồng cam Canh, bưởi Diễn, phật thủ… ở ngoại thành Hà Nội, người nông dân lại tất bật thu hoạch vụ Tết.

Anh Võ Thành Tấn, 28 tuổi, thôn Suối Đá, xã Phước Tiến, huyện Bác Ái (Ninh Thuận) trồng dưa hấu đạt hiệu quả kinh tế cao. Đầu tháng 10, gia đình anh Tấn đầu tư 140 triệu đồng trồng 1,4 ha dưa hấu. Nhờ thời tiết năm nay thuận lợi, anh chăm sóc kỹ nên ruộng dưa rất xanh tốt và sai quả.

Huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang) có 500 ha mãng cầu xiêm tập trung tập trung tại các xã Tân Thới, Tân Phú, Phú Thạnh,….để chuẩn bị cho mâm ngũ quả ngày Tết được như ý muốn, bán được giá cao nhiều bà con trồng mãng cầu xiêm đã xử lý để cây cho trái đúng vào dịp Tết Nguyên đán.