Hồi Sinh Bưởi Năm Roi

Sau một thời gian dài bị “thất sủng”, đặc sản bưởi Năm Roi Mỹ Hòa (thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) vừa được tái công nhận đạt tiêu chuẩn Global GAP.
Việc được tái công nhận Global GAP lần này từng bước làm hồi sinh lại mặt hàng nông sản bưởi Năm Roi Mỹ Hòa một thời nhất xứ miền Tây.
Hồi sinh giống bưởi ngon
Từ lâu, thương hiệu bưởi Năm Roi Mỹ Hòa vốn dĩ đã nổi tiếng khắp xứ miền Tây không chỉ vì ngon mà đặc trưng của giống bưởi Năm Roi chính gốc Mỹ Hòa so với các loại bưởi Năm Roi ở những vùng khác là hoàn toàn không hạt, hai đầu múi bưởi không bị khô, độ đường rất cao, trái có vỏ rất đẹp…
Ông Nguyễn Văn Phương – Phó Chủ nhiệm HTX Bưởi Năm Roi Mỹ Hòa phấn khởi cho biết: “Việc được tái công nhận thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu (GlobaGAP) lần này đây là một tín hiệu vui không chỉ dành riêng cho các xã viên của HTX mà còn khiến nhiều bà con nhà vườn trồng bưởi Vĩnh Long vui lây. Quyết định chứng nhận lần này có giá trị trong vòng 1 năm, bắt đầu từ ngày 18.2.2014 – 18.2.2015”.
Ông Phương thông tin thêm: “Trước đó HTX đã được công nhận đạt tiêu chuẩn Global GAP (giai đoạn 2009 – 2010) nhưng sau đó không có kinh phí nên không được tiếp tục tái công nhận. Hiện tại HTX có thêm 24 xã viên sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP trên diện tích gần 27ha. Tổng kinh phí để được tái công nhận lần này gần 100 triệu đồng do Sở NNPTNT tỉnh Vĩnh Long hỗ trợ”.
Ông Nguyễn Văn Nghĩa - nguyên Chủ nhiệm HTX chia sẻ: “Sau khi được tái công nhận trở lại, nhà vườn trồng bưởi ai nấy cũng đều phấn khởi, đây thật sự là một tín hiệu hết sức lạc quan. Hiện thương hiệu bưởi Năm Roi Mỹ Hòa đang từng bước khôi phục lại với sự nổi tiếng vốn có thuở xưa của mình”.
Tín hiệu lạc quan
Được biết, hiện tại thị xã Bình Minh, diện tích bưởi Năm Roi khoảng 3.000ha, trong đó chỉ riêng xã Mỹ Hòa đã lên đến 1.300ha. Theo các nhà vườn cho biết, hiện vào mùa nghịch nên giá bưởi đang ở mức rất cao, có lúc lên đến hơn 40.000 đồng/kg. Hiện giá bưởi loại 1 dao động từ 28.000 – 32.000 đồng/kg (tùy vào từng thời điểm).
Hàng năm, Bình Minh sản xuất được khoảng 30.000 tấn bưởi Năm Roi, việc HTX Bưởi Năm Roi Mỹ Hòa hồi sinh và hoạt động trở lại đã giúp cho địa phương tiêu thụ 3-4 tấn bưởi/ngày ra thị trường. Hiện các thành viên trong HTX thống nhất phương án chủ động tìm đến vườn để đặt hàng thu mua sản phẩm bưởi Năm Roi, đặc biệt là hợp đồng thu mua sản phẩm của những nông dân sản xuất bưởi theo tiêu chuẩn Global GAP để đảm bảo nguồn cung ổn định.
“Các nhà vườn đều hết sức lạc quan, hiện HTX đang tập trung cung ứng sản phẩm vào các chuỗi cửa hàng siêu thị trong nước. Bình quân sản lượng bưởi chất lượng được HTX tuyển chọn để cung ứng nguồn nguyên liệu cho các công ty để xuất khẩu sang các nước Canada, châu Âu mỗi tháng dao động từ 20 – 30 tấn” – ông Phương nói.
Được biết, sau khi có giấy chứng nhận Global GAP, các xã viên HTX sẽ sản xuất theo đơn đặt hàng của các đối tác xuất khẩu. Hiện các thành viên HTX đã thống nhất phương án thu mua bưởi giá cao hơn thị trường, đồng thời chủ động ký kết với xã viên từ khâu sản xuất đến bao tiêu sản phẩm nhằm ổn định nguồn hàng.
Trao đổi với phóng viên NTNN, thạc sĩ Nguyễn Văn Liêm – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Vĩnh Long nhấn mạnh: “Việc bưởi Năm Roi Mỹ Hòa được tái công nhận Global GAP lần này sẽ là điều kiện thuận tiện để giúp cho mặt hàng nông sản này dễ dàng xuất khẩu, đặc biệt là tăng khả năng cạnh tranh ở thị trường các nước khó tính. Từ đó, sẽ nâng cao chuỗi giá trị kinh tế, từng bước mang lại hiệu quả cao cho nhà vườn”.
Hiện tại thị xã Bình Minh, diện tích bưởi Năm Roi khoảng 3.000ha, trong đó chỉ riêng xã Mỹ Hòa đã lên đến 1.300ha. Theo các nhà vườn cho biết, hiện vào mùa nghịch nên giá bưởi đang ở mức rất cao, có lúc lên đến hơn 40.000 đồng/kg.
Có thể bạn quan tâm

Sau hơn 2 năm mới có dịp quay lại thôn Nà Nôm, xã Đường Âm, huyện Bắc Mê, một địa danh được nhiều người trong và ngoài huyện biết đến, nhờ việc những người dân nơi đây tiên phong đưa cây hồi - một loại cây lưỡng dụng vừa là cây rừng phủ xanh đất trống đồi núi trọc, vừa là cây dược liệu giúp người dân có thu nhập ổn định hàng năm từ hai loại sản phẩm Hoa thực tế là quả hồi và Tinh dầu vào trồng thành công tại vùng đất này.

Với mong muốn giành được mùa vàng bội thu, khi không khí xuân đang tràn ngập trên khắp đường làng, ngõ xóm và trong mỗi gia đình thì trên khắp các cánh đồng những ngày cuối năm Giáp Ngọ, nhiều bà con nông dân trong tỉnh vẫn nô nức “trảy hội” xuống đồng. Nơi thì khẩn trương thu hoạch nốt diện tích cây vụ đông, nơi thì tích cực san phẳng ruộng, chăm sóc mạ, nơi lại đang khẩn trương gieo cấy lúa xuân. Không khí lao động thật nhộn nhịp.

Thời gian qua, nhiều người nông dân (ND) ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã bỏ công nghiên cứu, sáng tạo ra nhiều loại nông sản “độc”, lạ để bán trong dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, những “nhà khoa học chân đất” này đã gặp không ít trở ngại về bản quyền.

Tại hội thảo, một số nhà khoa học đánh giá cao dự án phát triển cây mắc ca tại Tây Nguyên song cho rằng cần phải hết sức “bình tĩnh” khi phát triển loại cây này. Theo giáo sư Hoàng Hòe, người đầu tiên đề xuất trồng cây mắc ca, thế giới đã phát triển cây mắc ca trong 50 năm qua với 10 nước tham gia nhưng đến nay, diện tích chỉ đạt khoảng 80.000 ha.

Những ngày cuối năm, nông dân làng rau Trà Quế (xã Cẩm Hà, TP. Hội An, Quảng Nam) tất bật chăm bón rau màu chuẩn bị thu hoạch cung ứng cho thị trường vào dịp tết. Trung bình mỗi ngày làng rau này xuất bán 2 tấn rau các loại cho các chợ và siêu thị lớn tại miền Trung.