Hội Nông Dân Xã Quảng Hợp Phát Triển Mô Hình Chăn Nuôi Dê

Những năm gần đây, nhiều hội viên Hội Nông dân xã Quảng Hợp (Quảng Trạch - Quảng Bình) đã chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, từ chăn nuôi gia súc, gia cầm kém hiệu quả sang nuôi dê thả rừng. Hiện toàn xã có 20 hộ chăn nuôi dê với tổng đàn gần 500 con.
Quảng Hợp có diện tích đất rừng khá lớn. Đây là điều kiện thuận lợi để người dân phát triển mô hình chăn nuôi dê thả rừng, tận dụng được nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương. Nhận thấy hiệu quả từ mô hình chăn nuôi dê núi của một số hội viên điển hình, Hội Nông dân xã đã tích cực vận động hội viên chuyển đổi cơ cấu chăn nuôi, từ những mô hình chăn nuôi kém hiệu quả sang nuôi dê thả rừng.
Đến nay, nông dân xã Quảng Hợp đã không còn xa lạ gì với mô hình kinh tế này. Từ vài ba hộ buổi ban đầu, đến nay, toàn xã đã có trên 20 gia đình hội viên phát triển loại hình chăn nuôi dê núi. Tiêu biểu có gia đình hội viên Võ Văn Trữ, Nguyễn Văn Bảo... có đàn dê gần 100 con, mang đến thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Để có nguồn vốn cho hội viên phát triển trang trại, mua con giống, Hội Nông dân xã đã hỗ trợ hội viên tiếp cận các nguốn vốn vay có lãi suất thấp. Đồng thời, Hội thường xuyên tổ chức nhiều buổi trao đổi, đưa hội viên đến từng trang trại để học tập kinh nghiệm, hỗ trợ nhau trong phát triển mô hình nuôi dê thả rừng.
Đầu năm 2010, gia đình ông Nguyễn Công Minh (thôn Thanh Xuân) đã chuyển từ mô hình chăn nuôi gà vịt kém hiệu quả sang nuôi dê núi. Đến nay, đàn dê núi của ông đã có 32 con, trong đó có gần 10 con dê nuôi lấy giống. Với giá bán trên thị trường hiện nay là 150 ngàn/kg dê thịt và 200 ngàn/kg dê giống, mỗi năm, gia đình ông thu về từ 50 - 60 triệu đồng.
Nhưng theo ông Minh, nghề chăn nuôi dê khá vất vả. Để nuôi dê nhốt chuồng đạt hiệu quả kinh tế, ngoài kinh nghiệm ra, việc áp dụng kỹ thuật vào chăn nuôi rất quan trọng. Người nuôi dê phải biết áp dụng kỹ thuật từ khâu làm chuồng trại cho đến việc theo dõi, quản lý đàn dê. Vì là loại động vật không ưa độ ẩm cao, lại rất dễ phát bệnh nên chuồng trại cho dê cần phải đảm bảo thông thoáng, tránh nắng nóng và ẩm ướt, đặc biệt phải được quét dọn sạch sẽ hằng ngày.
Khi làm chuồng, tùy theo đặc điểm từng vùng, từng nhà cụ thể mà xác định vị trí và hướng chuồng thích hợp để tận dụng yếu tố thuận lợi và hạn chế tối đa các yếu tố bất lợi của thời tiết đối với dê. Trước chuồng nuôi cần có khoảng sân rộng để theo dõi, quản lý đàn dê, cũng như khi bắt dê để kiểm tra, phối giống, cho ăn và phòng trị bệnh. Nhưng quan trọng hơn cả là tránh cho dê giao phối đồng chủng để bảo đảm năng suất, chất lượng con giống.
Theo ông Phan Hồng Nhiên, Phó chủ tịch UBND xã Quảng Hợp, mô hình nuôi dê nhốt chuồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, nguồn vốn đầu tư ít, lại tận dụng được công lao động nên rất phù hợp với bà con nông dân, nhất là những hộ nghèo ở nông thôn. Đặc biệt là đối với một địa phương có diện tích đất rừng khá lớn như Quảng Hợp.
Cũng theo ông phó chủ tịch xã, thời gian tới, UBND xã tập trung chỉ đạo Hội Nông dân tổ chức tập huấn kỹ thuật, chủ động trong công tác tiêm phòng dịch nhằm nhân rộng mô hình trên địa bàn, hướng đến xây dựng vùng nguyên liệu cung cấp con giống, qua đó góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương.
Có thể bạn quan tâm

Tại huyện Chư Prông, nơi phát triển cây cao su mạnh nhất tỉnh Gia Lai với 34.000ha, đã có trên 30 hộ dân đốn hạ hàng trăm hec ta vườn cao su đang ở độ tuổi cho mủ. Hiện tượng chặt bỏ cây cao su bắt đầu diễn ra từ năm 2013, nhưng rầm rộ nhất là đầu năm 2014, khi giá cao su xuống đến đáy.

6 tháng đầu năm 2014, Hội Liên hiệp Phụ nữ (HLHPN) huyện Lang Chánh đã thành lập được 20 nhóm tiết kiệm, quyên góp gần 258 triệu đồng, xét cho 241 lượt hội viên vay vốn sản xuất, nâng tổng số lên 117 nhóm tiết kiệm trong toàn huyện với tổng số tiền thu được là 1 tỷ 136 triệu đồng cho 3.411 lượt hội viên vay đầu tư phát triển kinh tế.

Nghị định số 36/NĐ-CP về nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 29/4/2014 đã có nhiều cuộc họp để lấy ý kiến các ngành liên quan.

Những ngày qua, do lo sợ ong mật bu bám vào lúa đang thời kỳ trổ bông sẽ làm giảm năng suất, một số người dân ở Quảng Ngãi đã kéo đến trại nuôi ong đập phá. Tuy nhiên, các nhà khoa học, nhà quản lý đều khẳng định nuôi ong mật không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn giúp cây trồng tăng năng suất.

Cùng khó khăn chung với các huyện khác trong tỉnh và cả nước, tình hình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện Tủa Chùa năm 2014 gặp nhiều khó khăn: Chính phủ tiếp tục thực hiện chính sách tài chính, tiền tệ thắt chặt, dẫn đến thiếu vốn trong đầu tư xây dựng cơ sở sở hạ tầng; tình trạng di dịch cư tự do, tranh chấp đất đai; tệ nạn xã hội có chiều hướng gia tăng; dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp...