Hội Nông Dân Xã Hải Phúc Hỗ Trợ Nông Dân Nuôi Trồng Thủy Sản

Xã Hải Phúc (Hải Hậu, Nam Định) có trên 60ha diện tích nuôi trồng thủy sản, trong đó chủ yếu là nuôi tôm thẻ chân trắng và một số mô hình nuôi cá truyền thống, cá vược. Bám sát chủ trương của Đảng ủy, UBND xã về phát triển nuôi trồng thủy sản trở thành ngành kinh tế “mũi nhọn”, những năm qua Hội Nông dân (HND) xã đã tích cực tuyên truyền, hỗ trợ cho hội viên phát triển nuôi thủy sản theo hướng bền vững.
Từ năm 2003 gia đình anh Phan Văn Khấn ở xóm 3 đã triển khai xây dựng mô hình nuôi cá truyền thống, cá vược kết hợp chăn nuôi vịt siêu trứng.
Được sự ủng hộ của UBND và HND xã, anh đã nhận đấu thầu 3ha diện tích trồng lúa kém hiệu quả ngay gần cửa sông Hà Lạn sang nuôi trồng thủy sản. Để có vốn đầu tư vào trang trại, anh được HND xã tín chấp với Ngân hàng NN và PTNT huyện vay 200 triệu đồng với lãi suất ưu đãi.
Để có kinh nghiệm, kỹ thuật trong chăn nuôi, anh dành thời gian đến các xã trong huyện Giao Thuỷ, Xuân Trường rồi sang Thái Bình, học tập kinh nghiệm nuôi tôm. Dù đã chủ động trang bị kiến thức nuôi tôm nhưng do nguồn nước quá mặn, thời tiết không ủng hộ nên ở vụ nuôi đầu tiên anh thất bại.
Không chịu lùi bước, anh quyết chí làm lại từ đầu. Nhờ sự giúp đỡ của chính quyền, các cấp, các ngành, anh được giãn nợ ngân hàng để tập trung khôi phục lại ao đầm. Năm 2004-2006, anh đổi hướng sang nuôi cua rèm. Với liên tiếp 2 vụ cua thắng lợi, lãi ròng 400 triệu đồng, anh đã trả được nợ ngân hàng và tiếp tục đầu tư nuôi thả vụ mới và tập trung cải tạo ao đầm.
Đến nay, trang trại chăn nuôi tổng hợp của anh Khấn có diện tích gần 4ha, tổng vốn đầu tư khoảng 3 tỷ đồng. Anh đào 15 ao thả cá có diện tích gần 1ha, tập trung vào cá truyền thống dễ nuôi, cho hiệu quả cao như: cá trắm, cá trôi, rô phi, chim trắng, cá bống bớp...
Nhờ đó, đến nay, trang trại của gia đình anh ngày càng phát triển, trừ chi phí, mỗi năm thu nhập 200-300 triệu đồng. Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo công nghệ sản xuất sạch của gia đình ông Vũ Hoàng Giáp ở xóm 3, xã Hải Phúc cũng cho hiệu quả kinh tế cao.
Được HND xã giới thiệu và tổ chức đi tham quan về mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo công nghệ sản xuất sạch, ông đầu tư theo hướng này trên diện tích hơn 1,2ha. Qua 2 vụ cho thấy, con tôm sạch bệnh, sinh trưởng tốt; hơn nữa khi sử dụng chế phẩm nano bạc, tôm hạn chế được bệnh phân trắng, đốm đỏ, đốm trắng…
Ngoài ra, chế phẩm này còn xử lý được một số loại nấm và vi khuẩn trong đất. Vụ tôm đầu năm 2014, đầm tôm của gia đình ông đã thu được 4 tấn, trừ chi phí thu lãi hơn 300 triệu đồng.
Đồng chí Bùi Minh Khước, Chủ tịch HND xã cho biết: Để tạo điều kiện cho nông dân phát triển kinh tế thủy sản, HND xã đã tham mưu với cấp ủy, chính quyền tạo điều kiện về kinh phí, nguồn nước, điều kiện canh tác phục vụ cho nuôi trồng thuỷ sản, UBND xã đã thành lập ban chỉ đạo nuôi trồng thuỷ sản, chia số hộ nuôi trồng thủy sản làm 3 nhóm theo các khu vực để phát hiện, phòng ngừa dịch bệnh và ngăn chặn nạn đánh bắt trộm thuỷ sản. Xã đã đầu tư cải tạo hệ thống thuỷ lợi phục vụ cho nuôi trồng thuỷ sản và sản xuất muối.
HND xã vận động các hộ nuôi thủy sản chủ động nạo vét, tu sửa ao đầm. Bên cạnh đó, để hỗ trợ nông dân nuôi thủy sản bền vững, HND xã đã đứng ra tín chấp với Ngân hàng NN và PTNT, Ngân hàng CSXH huyện cho 790 hộ vay trên 33 tỷ đồng phát triển sản xuất, nuôi trồng thủy sản; phối hợp với các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi… chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ nông dân áp dụng các biện pháp chăn nuôi, nuôi trồng hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập cho hội viên nông dân, đảm bảo tiêu chí thu nhập trong xây dựng NTM.
Đến nay, toàn xã có 31 hộ nuôi thủy sản với diện tích gần 60ha, chủ yếu nuôi các con nuôi: tôm thẻ chân trắng và các loại cá truyền thống, cá nước lợ… trung bình giá trị sản xuất trên 1 diện tích canh tác khoảng 300-400 triệu đồng/ha/năm.
Với việc đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ phát triển kinh tế cho các hội viên, HND xã Hải Phúc đã góp phần nâng cao đời sống cho các hộ nông dân trong xã. Nhờ vậy, số hộ khá và giàu ngày càng tăng, đời sống hội viên ngày càng được nâng cao. Nông dân xã Hải Phúc đang làm giàu trên chính đồng đất quê hương.
Có thể bạn quan tâm

Dù còn gần 1 tháng nữa mùa vụ trồng dưa hấu tết mới bắt đầu. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhu cầu về hạt giống đã lên đỉnh điểm, nhất là các loại hạt giống dưa hấu trồng để chưng tết.

Một câu chuyện thực tế đang xảy ra và cũng rất đáng phải suy nghĩ, khi trên cùng một vùng đất, một thời điểm và cùng một loại cây trồng, song lại có một số ít nông dân “sống khỏe, sống tốt” giữa bối cảnh cả vùng đang điêu đứng bởi vấn nạn được mùa mất giá.

Ngày 31/10 vừa qua, Trung tâm Nghiên cứu giống gà Sơn Tinh (Tập đoàn Dabaco Việt Nam) ở xã Lạc Vệ, huyện Tiên Du, Bắc Ninh đã chính thức khởi công dự án xử lý chất thải chăn nuôi gia cầm do Tập đoàn Hoài Nam - Hoài Bắc (TP.HCM) thiết kế, thi công.

Trong những năm trở lại đây, nhờ tích cực chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, xã Tả Lủng (Mèo Vạc) đã có những bước tiến đáng kể trong phát triển KT - XH. Nhiều hộ dân đã biết đưa các loài vật nuôi mới, có giá trị vào chăn nuôi để nâng cao hiệu quả kinh tế; đặc biệt là mô hình chăn nuôi tập trung theo nhóm hộ.

Việc Bộ Công thương ban hành Thông tư số 29/2014-BCT quy định, hướng dẫn thực hiện Nghị định số 202/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quản lí phân bón cùng một loạt quy định về cấp phép, thanh tra, xử lí, XNK, những tưởng giúp thị trường phân bón đi vào quy củ, song thực tế lại rối như canh hẹ.