Hội Nông dân xã Đức Nhuận chung tay phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới

Trên cánh đồng mẫu lớn hơn 10 ha, bà con nông dân ở thôn 6, xã Đức Nhuận đang tất bật thu hoạch bắp, đậu phụng, ớt… Anh Ngô Hữu Thành (40 tuổi) ở thôn 6 vừa hái ớt vừa tranh thủ trò chuyện: “Năm nay, nhà tôi trồng được 4 sào ớt vừa trúng mùa lại được giá nên vui lắm! Trên 4 sào đất này, tôi luân phiên trồng cây hoa màu, hết bắp, đậu, ớt, lại đến khổ qua, bí đao…Giống, kỹ thuật đều được Hội nông dân xã giới thiệu, hướng dẫn cả”. Trung bình một năm, cánh đồng mẫu lớn chuyên trồng hoa màu này có doanh thu từ 150- 200 triệu đồng/ha. Đây được xem là một trong những cánh đồng có doanh thu cao nhất huyện Mộ Đức.
Đức Nhuận có 80% dân số sống bằng nghề nông với gần 3.000 hội viên nông dân. Vì thế, Hội Nông dân xã luôn xác định rõ vai trò và trách nhiệm của mình trong việc định hướng sản xuất cho hội viên, nâng cao mức thu nhập bình quân đầu người của xã. Đây cũng là cách học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của Hội Nông dân xã. Hội luôn xác định rõ, dù ở bất cứ vị trí, công việc nào cũng phải ra sức làm việc, đặc biệt ở giai đoạn hiện nay, nông dân phải hội nhập, sáng tạo, áp dụng các tiến bộ khoa học vào trồng trọt, chăn nuôi để tăng năng suất và sản lượng.
Để áp dụng những mô hình hay, những giống cây, con mới, những năm qua, Hội Nông dân xã luôn học hỏi, lắng nghe tâm tư của bà con. Khi có bất kỳ chủ trương hay mô hình cây, con giống mới, Hội đều tổ chức họp và triển khai đến từng chi hội, hội viên để mọi người cùng góp ý và thực hiện. Năm 2012, Hội bắt đầu xây dựng cánh đồng sản xuất lúa có năng suất cao, đến nay đã mở rộng 40 ha.
Bên cạnh đó, Hội còn xây dựng được 3 cánh đồng mẫu lớn với mỗi cánh đồng có diện tích trên 10 ha để sản xuất lúa chất lượng cao. Nhờ đó, vụ đông xuân vừa qua, năng suất lúa toàn xã đạt 72 tạ/ha (cao nhất huyện). Cùng với đó, là việc xây dựng nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, thân thiện với môi trường. Điển hình như mô hình cánh đồng rau an toàn trên 14ha với doanh thu 200 triệu đồng/ha/năm; mô hình sản xuất nấm theo HTX. Hiện nay đã có hơn 40 hộ chuyển từ nghề sản xuất gạch thủ công sang sản xuất nấm. Ngoài ra, Hội cũng đã phối hợp với trung tâm dạy nghề tỉnh mở 5 lớp học nghề cho 150 hội viên, như phòng trừ dịch bệnh gia súc, gia cầm, trồng và chế biến nấm, may công nghiệp…
Những năm qua, nhờ tích cực tuyên truyền, vận động và định hướng cho bà con nông dân đưa những giống cây, con mới vào trồng trọt, chăn nuôi, chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho phù hợp với thổ nhưỡng và nhu cầu thị trường cùng với đưa cơ giới hóa vào sản xuất đã góp phần nâng cao thu nhập bình quân đầu người của xã, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 593 hộ (năm 2011) xuống còn 165 hộ (năm 2014). Đồng thời, số hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp ngày càng nhiều, chiếm 28% số hộ, cao so với mặt bằng chung của huyện. Không chỉ sâu sát, chăm lo đến việc sản xuất kinh doanh của hội viên, Hội Nông dân xã còn đẩy mạnh việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, vận động nông dân đóng góp công sức, tiền của vào xây dựng cơ sở hạ tầng, góp phần thực hiện mục tiêu của địa phương là cán đích nông thôn mới trong năm 2015.
Trong 4 năm qua, Hội đã vận động nông dân hiến 7.000m2 đất với chiều dài 6,4km để mở rộng các tuyến đường thôn, xã; đóng góp tiền của, công sức xây dựng 17 tuyến đường trục xã với chiều dài gần 20km, 20 tuyến đường thôn với chiều dài gần 8km; góp hơn 4,5 tỷ đồng xây dựng các công trình công cộng và trên 300 triệu đồng thắp sáng đường quê với tổng chiều dài trên 40km…
Có thể bạn quan tâm

Ông Mậu vui vẻ cho hay: Cơ duyên đưa ông đến với nghề trồng thanh long ruột đỏ thật tình cờ. Cách đây 4 năm, số là một lần xem chương trình “Đấu trường 100, khi MC Thái Tuấn đưa câu hỏi “Thanh long ruột đỏ được trồng đầu tiên ở Việt Nam là ở địa phương nào?”.

Mủ cao su 2 năm trở lại đây liên tục giảm. Người trồng cao su lại đua nhau chặt bỏ vườn cây được mệnh danh là “vàng trắng” để chuyển sang những cây trồng khác, như mì, mía.

Trong thông báo gửi cho giám đốc điều hành Tập đoàn Cao su Quốc tế (IRCo) mới đây, Hiệp hội Cao su Việt Nam cho biết, hiện nay hội viên và người trồng cao su Việt Nam đang gặp khó khăn do giá cao su thiên nhiên giảm xuống thấp hơn giá thành và đời sống nông dân cao su, người kinh doanh cao su đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Được biết, cũng vì vụ khoai môn năm nay được mùa nên giá có phần giảm, làm niềm vui của người dân không được trọn vẹn. Tuy nhiên, với mức giá và năng suất này thì người trồng khoai vẫn có nguồn thu cao hơn năm trước khoảng 2 – 3 triệu đồng/công.

Từ đầu năm 2014 đến nay, các hộ ngư dân làm nghề chế biến hải sản của TP. Quy Nhơn (Bình Định) với các mặt hàng như nước mắm, mực khô, cá khô ... đều trong cảnh sản xuất cầm chừng, nguyên nhân là do thiếu nguyên liệu và giá đầu vào tăng.