Hội Chợ Nông Nghiệp Vùng Đông Bắc Hút Khách

Sau 5 ngày diễn ra, ngày 29/9, Hội chợ Nông nghiệp và thương mại vùng Đông Bắc năm 2014 do Bộ NN-PTNT và UBND tỉnh Lạng Sơn phối hợp tổ chức đã kết thúc thành công tốt đẹp.
Là sự kiện XTTM quan trọng của Bộ NN-PTNT trong năm 2014, Hội chợ nhằm tăng cường hoạt động quảng bá thương hiệu, sản phẩm nông lâm thủy sản của các tỉnh vùng Đông Bắc, trình diễn nhằm phổ biến những tiến bộ KHKT mới trong SX nông nghiệp.
Hội chợ cũng là cơ hội kêu gọi, thu hút đầu tư trong lĩnh vực SX nông nghiệp, góp phần nâng cao mức sống cho lao động nông thôn.
Sau 4 ngày diễn ra, hội chợ đã thu hút 254 gian hàng của 150 đơn vị tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm. Hội chợ đã quy tụ được các đơn vị, DN, cơ sở SX, dịch vụ phục vụ nông nghiệp nông thôn, DN thương mại hàng tiêu dùng đến từ các tỉnh, thành phố trong và ngoài vùng Đông Bắc như: Hà Nội, Bắc Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Quảng Bình... và các đơn vị của tỉnh Lạng Sơn.
Đặc biệt, hội chợ còn có sự tham gia của 27 DN đến từ khu tự trị Dân tộc Choang, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) trưng bày, giới thiệu nhiều mặt hàng máy móc, thiết bị phục vụ SX nông nghiệp, thiết bị, vật tư chế biến, bảo quản nông sản. Các DN, địa phương đã đem đến hội chợ nhiều mặt hàng mang tính đặc trưng, vốn là thế mạnh của địa phương, đơn vị mình.
Nhiều gian hàng được đầu tư dàn dựng thiết kế công phu, trưng bày đẹp, mặt hàng phong phú, độc đáo đã thu hút sự quan tâm của khách hàng đến tham quan, mua sắm. Tiêu biểu như gian hàng các tỉnh Lạng Sơn, Hà Nội, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hải Phòng, Hải Dương, gian hàng của Sở KHCN, các huyện, thành phố thuộc tỉnh Lạng Sơn.
Theo BTC, hội chợ đã thu hút được hơn 20.000 lượt khách tham quan, trong đó có trên 20 đoàn đại biểu là chủ DN, trang trại, HTX và đại diện nông dân tiêu biểu của các huyện, thành phố thuộc tỉnh Lạng Sơn, đại biểu các tỉnh trong vùng cùng đông đảo nhân dân địa phương đến tham quan, học tập trao đổi kinh nghiệm và mua bán hàng hóa, sản phẩm.
Theo thống kê sơ bộ, doanh số giao dịch tại hội chợ đến hết ngày 28/9/2014 đã lên tới gần 10 tỷ đồng, có khá nhiều DN, đơn vị đã tìm được đối tác làm ăn.
Trong khuôn khổ hội chợ, nhiều sự kiện quan trọng đã được tổ chức, tiêu biểu là là lễ ký kết biên bản hợp tác giữa Sở NN-PTNT TP Hà Nội với Sở NN-PTNT các tỉnh vùng Đông Bắc trong lĩnh vực xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Cụ thể, có 9 tỉnh, thành trong vùng đã tham gia ký kết văn bản hợp tác quan trọng này.
Cũng trong khuôn khổ hội chợ, BTC phối hợp Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ công nghệ với chủ đề: “Giải pháp phát triển chăn nuôi gia cầm an toàn tại các tỉnh miền núi phía Bắc”. Diễn đàn thu hút được hơn 300 đại biểu gồm các nhà quản lý nông nghiệp, DN, HTX và bà con nông dân tham dự.
Chương trình Nhịp cầu nhà nông với chủ đề "Phát triển bền vững sản phẩm nông nghiệp chủ lực vùng Đông Bắc” cũng được tổ chức thành công đem lại hiệu quả thiết thực, với khoảng 300 đại biểu đến từ 11 huyện, thị của tỉnh Lạng Sơn tham dự.
BTC Hội chợ xin chân thành cảm ơn các đơn vị tham gia, đặc biệt là UBND tỉnh Lạng Sơn đã tạo điều kiện phối hợp tổ chức thành công sự kiện này. Đồng thời, tiếp tục mong muốn nhận được sự quan tâm tham gia của các đơn vị, DN trong các kỳ hội chợ triển lãm tiếp theo.
Có thể bạn quan tâm

Sáng 26/4, Sở NN-PTNT phối hợp với UBND huyện Sơn Hòa và Sông Hinh thả gần 60kg cá giống (tương đương khoảng 12.500 con) vào hồ thủy điện Sông Ba Hạ nhằm tái tạo các loại cá giống nước ngọt tại địa phương, với các loại cá trê, lóc, chép, trắm cỏ, rô đồng…

Cây bí đỏ đã bén rễ đất Xuân Đông (huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai) được hơn 10 năm. Nhiều hộ dân đã có thu nhập khá từ loại cây này, nhưng có lẽ đây là năm đầu tiên người trồng bí bị mất giá lẫn thất mùa.

Về xã Tân Ước (huyện Thanh Oai, Hà Nội) hỏi thăm tình hình chăn nuôi sẽ được người dân ở đây chỉ ngay đến ông Long "chung cư lợn". Ông có cái tên như vậy bởi ông là người đầu tiên ở khu vực (mà cũng là người đầu tiên trên địa bàn thành phố) mạnh dạn thay đổi phương thức chăn nuôi, đưa lợn lên nuôi ở tầng cao nhằm tiết kiệm diện tích, giảm chi phí trong chăn nuôi.

Cùng với việc quy hoạch phát triển diện tích nuôi tôm công nghiệp tập trung đạt diện tích 10.000 ha đến năm 2015, tỉnh Cà Mau chú trọng mở rộng quy mô nuôi tôm theo quy trình VietGAP tại các huyện: Cái Nước, Đầm Dơi, Phú Tân, Năm Căn, Ngọc Hiển. Phát triển nuôi tôm công nghiệp theo quy trình VietGAP, nhằm mục tiêu năng cao nâng suất, chất lượng mặt hàng thủy sản, cung cấp nguồn nguyên liệu sạch phục vụ cho các nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu trên địa bàn tỉnh.

Những năm gần đây, nghề nuôi cá mú ở đầm Cù Mông (TX Sông Cầu) phát triển mạnh đã giúp nhiều hộ dân thoát nghèo, có hộ thu nhập khá. Tuy nhiên, do người nuôi không tuân thủ lịch thời vụ, thả nuôi với mật độ quá dày, không thường xuyên vệ sinh lồng, bè nuôi… đã khiến cho tình trạng ô nhiễm môi trường nước vùng nuôi ngày càng trầm trọng và xảy ra dịch bệnh.