Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Hoang mang vì bệnh lạ trên cây nghệ vàng Chí Tân

Hoang mang vì bệnh lạ trên cây nghệ vàng Chí Tân
Ngày đăng: 01/11/2015

Hiện nay, xã Chí Tân có khoảng 290 mẫu trồng nghệ, tăng trên 30 mẫu so với năm 2014.

Thời điểm này nông dân Chí Tân bắt đầu vào vụ thu hoạch nghệ củ non và khoảng hơn 1 tháng nữa sẽ bước vào vụ thu hoạch nghệ củ già.

Cách đây 4 – 5 tháng, thương lái bắt đầu thu mua nghệ củ với giá khoảng 27.000 – 30.000 đồng/kg, tăng gấp 5 – 6 lần so với năm ngoái.

Đây là giá thu mua nghệ củ cao nhất từ trước đến nay nên người trồng nghệ ở Chí Tân rất vui mừng, phấn khởi.

Tuy nhiên bắt đầu từ tháng 8 âm lịch, một số diện tích nghệ của nông dân trong xã bị mắc loại bệnh chưa rõ tên.

Những cây nghệ đang phát triển bình thường bỗng nhiên có biểu hiện cháy lá, thối rễ, thối củ non không rõ nguyên nhân.

Bệnh “lạ” này đã xuất hiện trên cây nghệ Chí Tân khoảng 2, 3 năm trở lại đây nhưng diện tích bị bệnh ít nên không ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng nghệ.

Năm nay, bệnh “lạ” này lây lan rất nhanh.

Ban đầu chỉ vài hộ trong xã có một vài bụi nghệ bị bệnh nay đã lan rộng ra khoảng 50 – 60% tổng diện tích nghệ của cả xã.

Hầu như hộ trồng nghệ nào cũng có nghệ bị bệnh.

Bệnh “lạ” làm cây nghệ vàng Chí Tân năm nay giảm nghiêm trọng cả về năng suất và chất lượng.

Những diện tích nghệ bị bệnh năng suất cao nhất chỉ còn khoảng 50% so với trước đây hoặc mất trắng.

Nghệ vốn là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, ít khi bị sâu, bệnh hại, nay thấy cây nghệ bỗng nhiên chết dần, chết mòn hàng loạt không rõ nguyên nhân, người trồng nghệ Chí Tân vô cùng lo lắng, hoang mang.

Diện tích nghệ vàng bị bệnh lạ ngày càng một tăng khiến người dân vô cùng lo lắng

Để cứu cây nghệ, người dân đã làm nhiều cách, từ rắc vôi bột vào những cây bị bệnh, rồi mang cây nghệ bị bệnh đến những cửa hàng bán thuốc bảo vệ thực vật trong và ngoài xã để tìm mua thuốc trị bệnh.

Tuy nhiên, đã phun nhiều loại thuốc nhiều lần nhưng bệnh “lạ” này vẫn tiếp tục lây lan trên cây nghệ.

Về xã Chí Tân thời điểm này, vấn đề "thời sự" nhất được người dân quan tâm là hiện tượng "bệnh lạ" xuất hiện trên cây nghệ.

Từ xa nhìn xuống ruộng nghệ, xen giữa màu xanh là những khoảng lớn nghệ bị cháy lá, lụi tàn.

Chị Nguyễn Thị Ty, người trồng nghệ ở thôn Nghi Xuyên buồn bã nói: “Vụ này gia đình tôi trồng 1,7 mẫu nghệ vàng.

Gần đến kỳ thu hoạch, cách đây hơn 1 tháng bỗng nhiên một số bụi bị cháy lá, thối củ, bệnh lây lan nhanh chóng nên đến nay gia đình tôi đã có trên 4 sào nghệ mắc bệnh.

Tôi mang cây nghệ bị bệnh đến cửa hàng bán thuốc bảo bệ thực vật thì được người bán nói là nghệ bị bệnh vàng lá, xoăn lá rồi bán cho 4 loại thuốc về hòa ra rồi phun cho cây nghệ.

Mỗi lần phun một sào nghệ mất khoảng 120.000 đồng, chưa kể tiền công, đến nay gia đình tôi đã phun tổng cộng 7 lần thuốc này cho nghệ hết hơn 3 triệu đồng mà bệnh “lạ” vẫn không chấm dứt.

Tiếc tiền, tiếc công, tôi thu hoạch sớm những cây nghệ này thì khi nhổ lên củ nghệ bị thối hết.

Vụ này coi như gia đình tôi mất trắng hơn 4 sào nghệ”.

Cùng tình cảnh với chị Ty là gia đình ông Trần Văn Chợ, ở thôn Nghi Xuyên.

Mặc dù có kinh nghiệm trồng nghệ nhiều năm, chưa bao giờ nghệ của gia đình ông bị sâu, bệnh nhưng không hiểu sao đến nay vẫn có 2,5 sào nghệ bị mắc bệnh “lạ”.

Ông Chợ cho biết: “Chưa bao giờ cây nghệ của người dân trong xã bị tình cảnh này, có người thì bảo tại đất, người thì đoán tại đạm, lân giả… không biết làm sao bây giờ.

Quá lo lắng nên nghe người dân trong xã mách tôi cũng phun tổng cộng 9 lần các loại thuốc bảo vệ thực vật cho cây nghệ hết hơn 7 triệu đồng nhưng vẫn không cứu được nghệ.

Những năm trước, năng suất nghệ của gia đình tôi luôn đạt 1 – 1,2 tấn củ/sào, nhưng năm nay ước tính chỉ đạt 700 – 800kg củ/sào.

Nếu từ nay đến khi thu hoạch vẫn không ngăn chặn được bệnh “lạ” này trên cây nghệ thì năng suất còn giảm nữa.

Hiện chúng tôi đang rất lo lắng nên mong muốn các cơ quan chức năng sớm về tìm hiểu, có biện pháp giúp nông dân phòng và trị bệnh “lạ” này cho cây nghệ”.

Với giá bán nghệ cao kỷ lục từ trước đến nay, lẽ ra người trồng nghệ đã rất vui mừng, phấn khởi thì nay lại đang lo lắng vì nghệ chết dần, chết mòn không rõ nguyên nhân.

Bà Nguyễn Thị Vui, Chủ tịch UBND xã Chí Tân cho biết:

“Trước tình hình bệnh “lạ” xuất hiện, lây lan nhanh chóng trên cây nghệ của nông dân trong xã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất, chất lượng nghệ, chúng tôi đã báo cáo lên cơ quan chuyên môn của huyện, tuy nhiên đến nay vẫn chưa xác định được bệnh.

Hiện chỉ còn hơn 1 tháng nữa sẽ đến thời điểm chính vụ thu hoạch nghệ củ, chúng tôi mong các cơ quan chức năng, các nhà khoa học sớm về tìm hiểu bệnh “lạ” trên cây nghệ để giúp nông dân phòng trừ”.


Có thể bạn quan tâm

Vỡ trận những siêu dự án nuôi tôm lớn nhất Việt Nam Vỡ trận những siêu dự án nuôi tôm lớn nhất Việt Nam

Hàng loạt dự án nuôi tôm có quy mô lớn nhất nước tại tỉnh Hà Tĩnh chính thức phá sản vì “tỉnh không có đủ nguồn nhân lực”.

22/04/2015
Chuyện dài về thanh long Chuyện dài về thanh long

Trong những năm qua, thanh long Bình Thuận được xem là loại cây trồng lợi thế của tỉnh. Với giá bán cao, thanh long giúp nhiều hộ nông dân từ nghèo trở nên khá, từ khá trở nên giàu có. Và loại cây họ xương rồng này còn giải quyết lượng lao động nông nhàn tương đối lớn.

22/04/2015
Sơ-ri Gò Công khẳng định vị thế Sơ-ri Gò Công khẳng định vị thế

Sơ-ri là cây trồng truyền thống, thích hợp thổ nhưỡng nhiễm mặn nặng của vùng đất Gò Công (Tiền Giang). Trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, sơ-ri Gò Công giờ đây đã khẳng định được vị thế của mình.

22/04/2015
Trồng màu trái vụ thu nhập khá Trồng màu trái vụ thu nhập khá

Trồng hoa màu trái vụ thường gặp rất nhiều khó khăn do phụ thuộc vào thời tiết, tuy nhiên với vốn kinh nghiệm canh tác, lại biết nắm bắt được diễn biến của thời tiết, áp dụng các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu mà nhiều nông dân ở thôn Kim Long, xã Hải Quế, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) đã có thu nhập khá từ các mô hình trồng hoa màu trái vụ.

22/04/2015
Tìm đường tiêu thụ cho hành tím Sóc Trăng Tìm đường tiêu thụ cho hành tím Sóc Trăng

Để giúp một lượng lớn hàng tím của người dân Nam bộ đang dồn ứ trong kho, ngành đường sắt quyết định miễn phí cước tàu hỏa từ Nam ra Bắc cho nông dân. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp cấp bách, mang tính tạm thời vì muốn tiêu thụ hàng chục nghìn tấn sản phẩm này cần phải có những phương án bao tiêu dài hơi và căn cơ hơn.

22/04/2015