Hòa Vang (Đà Nẵng) Trồng Cỏ Nuôi Bò Thành Phong Trào

Với hiệu quả kinh tế thiết thực, trồng cỏ nuôi bò không còn là mô hình mà đã thành phong trào rộng khắp tại các xã miền núi huyện Hòa Vang. Phong trào này đã là cơ hội làm giàu cho nhiều nông hộ.
Người tiên phong mở ra hướng phát triển kinh tế này là ông Lê Minh ở thôn Đông Lâm, xã Hòa Phú. Cách đây dăm năm, nhờ thu nhập cao từ thả cá nước ngọt quy mô thâm canh, ông đầu tư mua hơn chục con bò về nuôi. Hồi đó, thức ăn cho bò chỉ là cây cỏ tự nhiên tại các gò đồi.
Sau ba năm, ông nhận thấy bò chậm phát triển, nguyên nhân do thiếu thức ăn. Không chần chừ, ông triển khai ngay việc trồng cỏ lấy thức ăn cho bò. Ban đầu chỉ vài ba sào, cứ thế mở rộng dần. Nay ông đã có tổng đàn bò gần 100 con và hơn 2 ha cỏ giống VA06.
Nói về hiệu quả của trồng cỏ nuôi bò, lão nông từng đạt danh hiệu Nông dân sản xuất giỏi cấp thành phố này cho biết: Đơn giản là bò khi cho ăn no, đủ chất dinh dưỡng, tăng trọng nhanh, sinh sản đều. Để bò tăng trọng, không cách nào tốt hơn là trồng cỏ chủ động nguồn thức ăn. Hằng ngày, bò vẫn được chăn thả bình thường. Chiều tối, cắt cỏ loại giàu chất dinh dưỡng cho ăn thêm.
Từ hiệu quả kinh tế thiết thực này, đầu năm 2014, Trung tâm Khuyến ngư nông lâm thành phố phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện Hòa Vang triển khai chương trình trồng cỏ nuôi bò. 10 hộ ở xã Hòa Phú được tập huấn kỹ thuật về trồng cỏ, chăn nuôi, được hỗ trợ giống cỏ VA06. Xã Hòa Phú thành lập Tổ hợp tác nuôi bò gồm 36 thành viên, tổng đàn 147 con.
Ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ tịch UBND xã Hòa Phú cho biết: Trong các hoạt động sản xuất nông nghiệp của xã hiện nay, nuôi bò từ nguồn cỏ trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất. Hiện tại, hơn 10 hộ có đàn bò từ 15 con trở lên, nhiều hộ có từ 5 đến 7 con. Tổng đàn bò của xã tăng từ 1.200 con cuối năm ngoái lên 1.800 con hiện nay. Diện tích trồng cỏ cũng đã mở rộng lên 7 ha.
Xã Hòa Phú thời điểm này, nhiều người tận dụng tối đa đất đai hiện có để trồng cỏ VA06. Ông Nguyễn Bình, ở thôn Hội Phước, chỉ có 2 con bò nhưng trồng 2 sào cỏ. Ông cho biết: Hộ nuôi nhiều có người chăn thả, hộ nuôi ít trồng cỏ cho ăn là tiện nhất. Ở thôn Nam Yên, xã Hòa Bắc đến đâu cũng dễ nhận thấy phong trào trồng cỏ nuôi bò của bà con nông dân. Nhà bà Đặng Thị Trung có mấy vạt cỏ, nuôi 6 con trâu và 9 con bò.
Tính ra, không hoạt động kinh tế nào ở vùng này cao bằng nuôi trâu bò. Con bê chỉ 1 năm có giá trên dưới 20 triệu đồng. Nuôi trâu bò đàn, năm có 6-7 con đẻ là có nguồn thu không nhỏ.
Trồng cỏ nuôi bò đã và đang là hoạt động kinh tế khả thi ở một số xã của huyện Hòa Vang. Từ hiệu quả thiết thực này, Phòng NN&PTNT và các cơ quan liên quan cần triển khai dự án nuôi bò thịt, bò sinh sản và mở rộng ra địa bàn các xã khác. Có như vậy mới tăng tổng đàn bò của địa phương, tạo cơ hội phát triển kinh tế cho nông hộ. Đây cũng là một trong những giải pháp xây dựng nông thôn mới hiệu quả tại nông thôn Hòa Vang hiện nay. Bởi ở Đà Nẵng, để đáp ứng nhu cầu giết mổ hằng ngày, hơn 90% bò thịt phải mua từ các địa phương khác về.
Có thể bạn quan tâm

Quan trắc môi trường để có những thông tin cần thiết, cảnh báo về độ mặn, dịch bệnh, thời tiết, là rất quan trọng đối với người nuôi tôm. Diễn biến thời tiết, khí hậu, dịch bệnh luôn phức tạp, khó lường, người nuôi tôm không chỉ muốn nắm vững thông tin này để chủ động đề phòng, mà còn rất cần thông tin về giải pháp.

Đối với xoài Đài Loan xanh, do thị trường Trung Quốc “ăn hàng” mạnh trở lại nên giá tăng nhanh (từ 30 - 40.000 đồng/kg), lúc cao điểm giá tăng đến 55 ngàn đồng/kg (loại thường), 75 ngàn đồng (loại đặc biệt). Hiện tại, giá xoài Đài Loan ở mức 30 ngàn đồng/kg (loại thường) và 40 ngàn đồng/kg (loại đặc biệt).

Trò chuyện với anh nông dân 42 tuổi đời, có hơn 20 năm gắn bó với nghề trồng nho, chúng tôi được biết, anh là nhóm trưởng gồm 10 thành viên liên kết trồng trên 1,1 ha nho an toàn thôn An Thạnh 1. Nhóm thành lập từ vụ hè-thu 2014, DASU huyện Ninh Phước hỗ trợ phân bón, thuốc sinh học phòng trừ bệnh hại, hướng dẫn kỹ thuật canh tác cây nho theo quy trình an toàn.

Nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật theo hướng công nghệ cao để tăng năng suất và hướng đến mục tiêu giảm giá thành sản xuất từ 15 - 20% so với cách sản xuất thông thường. Hỗ trợ đầu tư, cải tiến cơ giới hóa và các công nghệ sau thu hoạch trong sản xuất bắp lai.

Trước đó, đầu tháng 1/2015, trong quá trình lấy mẫu kiểm dịch cho hàng nông sản nhập khẩu, Cục Kiểm dịch thực vật vùng I (Cục Bảo vệ thực vật) đã phát hiện 8 lô hàng với 35 container (gần 700 tấn) lạc nhân nhập khẩu từ Ấn Độ qua cảng Hải Phòng có chứa mọt lạc serratus.