Hòa Bình Đón Nhận Chỉ Dẫn Địa Lý Cao Phong Cho Sản Phẩm Cam Cao Phong

Ngày 16/11, UBND tỉnh Hòa Bình tổ chức lễ đón nhận Chỉ dẫn địa lý “Cao Phong” cho sản phẩm cam Cao Phong. Chỉ dẫn địa lý “Cao Phong” bước đầu bảo hộ cho bốn giống cam là CS1, xã Đoài lùn, xã Đoài cao và cam Canh, vốn là những giống cam được di thực ở các địa phương khác về huyện Cao Phong từ những năm 1960. Đây cũng là chỉ dẫn địa lý đầu tiên được cấp cho tỉnh Hòa Bình.
Theo đó, những hộ nằm trong vùng sử dụng chỉ dẫn địa lý tại thị trấn Cao Phong và các xã Tây Phong, Bắc Phong, Dũng Phong và Thu Phong sẽ có sản phẩm cam mang tên gọi chung.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân chúc mừng tỉnh Hòa Bình và huyện Cao Phong có nông sản đầu tiên được cấp chỉ dẫn địa lý, coi đó là bước đột phá chiến lược về phát triển tài sản trí tuệ của tỉnh. Đây cũng là sản phẩm thứ 43 trong cả nước được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chỉ dẫn và bảo hộ địa lý.
Bộ trưởng Nguyễn Quân đề nghị chính quyền tỉnh và nhân dân huyện Cao Phong cần nâng cao ý thức tự bảo vệ uy tín chất lượng cho sản phẩm cam, sớm thành lập hiệp hội trồng cam để tự kiểm soát chất lượng sản phẩm tại chỗ, chống hàng giả, hàng nhái để giữ vững thương hiệu sản phẩm.
Theo thống kê, hiện nay tổng diện tích trồng cam trên địa bàn tỉnh Hòa Bình vào khoảng 1.200 ha với sản lượng năm 2014 ước đạt 17.000 tấn. Nhờ kết quả của nhiều năm xây dựng, bảo tồn, lựa chọn và phục tráng nguồn gien quý của cây cam mà hệ số nhân giống của cây cam nhanh hơn, chất lượng tốt hơn, đem lại năng suất, giá trị kinh tế ngày càng cao.
Qua đánh giá bình quân một ha cam, quýt cho thu nhập khoảng 600 triệu đồng, trừ chi phí người nông dân còn lãi 400 triệu đồng/vụ. Đến nay, huyện Cao Phong có 50 hộ trồng cam có thu nhập từ 1 tỷ đến 10 tỷ đồng/năm.
Kế hoạch đến năm 2017, huyện Cao Phong duy trì diện tích cam vào khoảng 1.500 ha, sản lượng hàng năm đạt hơn 20.000 tấn, thu nhập bình quân đạt hơn 500 triệu đồng/ha.
Để làm được điều đó huyện Cao Phong sẽ thực hiện tốt công tác quy hoạch vùng cam, có cơ cấu giống hợp lý; thực hiện chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, đặc biệt là ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất; tuyên truyền, quảng bá sản phẩm cam, quýt Cao Phong đến với người dân cả nước; vươn tới thị trường ngoài nước.
Nguồn bài viết: http://www.kinhtenongthon.com.vn/Hoa-Binh-don-nhan-Chi-dan-dia-ly-Cao-Phong-cho-san-pham-cam-Cao-Phong-108-48012.html
Có thể bạn quan tâm
Ngày 20-5, Chi cục Quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Sở NN&PTNT TP Hồ Chí Minh) đã có kết quả khảo sát nhanh về nguyên nhân gây nên tình trạng cá chết hàng loạt trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (tại khu vực quận Tân Bình) vào ngày 18 và 19-5 vừa qua.

Nhiều hộ nuôi tôm ở các vùng ven biển ĐBSCL đang điêu đứng khi giá tôm sú và tôm thẻ chân trắng đồng loạt kéo nhau rớt giá. Chẳng những thất vọng về giá, người nuôi tôm còn chịu cảnh dịch bệnh tràn lan khiến tôm chết la liệt. Vụ tôm nuôi 2015 đang đứng trước nguy cơ đổ nợ…

Hiện nay, nông dân trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đang bước vào thu hoạch sớm vụ lúa Hè thu 2015. Xóa tan sự mệt nhọc là nụ cười tươi của bà con khi lúa vừa trúng mùa, vừa bán được giá cao và thị trường đầu ra trong thời gian tới hứa hẹn nhiều thuận lợi.

Tỉnh Quảng Trị chuyển đổi hơn 2.500 ha đất trồng lúa vụ hè thu sang trồng màu để tránh hạn. Nông dân tỉnh Quảng Trị đang bước vào sản xuất vụ hè thu 2015 nhưng nhiều công trình thủy lợi trên địa bàn đã cạn nước, không đủ cung cấp tưới.
Hiện có hơn 85% khoai lang của Vĩnh Long được xuất khẩu. Ngoài xuất khẩu khoai lang tươi sang Trung Quốc, các sản phẩm khoai lang chế biến cũng chào hàng tại Malaysia, Hồng kông, Thái Lan, Singapore…