Hòa Bình Đón Nhận Chỉ Dẫn Địa Lý Cao Phong Cho Sản Phẩm Cam Cao Phong

Ngày 16/11, UBND tỉnh Hòa Bình tổ chức lễ đón nhận Chỉ dẫn địa lý “Cao Phong” cho sản phẩm cam Cao Phong. Chỉ dẫn địa lý “Cao Phong” bước đầu bảo hộ cho bốn giống cam là CS1, xã Đoài lùn, xã Đoài cao và cam Canh, vốn là những giống cam được di thực ở các địa phương khác về huyện Cao Phong từ những năm 1960. Đây cũng là chỉ dẫn địa lý đầu tiên được cấp cho tỉnh Hòa Bình.
Theo đó, những hộ nằm trong vùng sử dụng chỉ dẫn địa lý tại thị trấn Cao Phong và các xã Tây Phong, Bắc Phong, Dũng Phong và Thu Phong sẽ có sản phẩm cam mang tên gọi chung.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân chúc mừng tỉnh Hòa Bình và huyện Cao Phong có nông sản đầu tiên được cấp chỉ dẫn địa lý, coi đó là bước đột phá chiến lược về phát triển tài sản trí tuệ của tỉnh. Đây cũng là sản phẩm thứ 43 trong cả nước được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chỉ dẫn và bảo hộ địa lý.
Bộ trưởng Nguyễn Quân đề nghị chính quyền tỉnh và nhân dân huyện Cao Phong cần nâng cao ý thức tự bảo vệ uy tín chất lượng cho sản phẩm cam, sớm thành lập hiệp hội trồng cam để tự kiểm soát chất lượng sản phẩm tại chỗ, chống hàng giả, hàng nhái để giữ vững thương hiệu sản phẩm.
Theo thống kê, hiện nay tổng diện tích trồng cam trên địa bàn tỉnh Hòa Bình vào khoảng 1.200 ha với sản lượng năm 2014 ước đạt 17.000 tấn. Nhờ kết quả của nhiều năm xây dựng, bảo tồn, lựa chọn và phục tráng nguồn gien quý của cây cam mà hệ số nhân giống của cây cam nhanh hơn, chất lượng tốt hơn, đem lại năng suất, giá trị kinh tế ngày càng cao.
Qua đánh giá bình quân một ha cam, quýt cho thu nhập khoảng 600 triệu đồng, trừ chi phí người nông dân còn lãi 400 triệu đồng/vụ. Đến nay, huyện Cao Phong có 50 hộ trồng cam có thu nhập từ 1 tỷ đến 10 tỷ đồng/năm.
Kế hoạch đến năm 2017, huyện Cao Phong duy trì diện tích cam vào khoảng 1.500 ha, sản lượng hàng năm đạt hơn 20.000 tấn, thu nhập bình quân đạt hơn 500 triệu đồng/ha.
Để làm được điều đó huyện Cao Phong sẽ thực hiện tốt công tác quy hoạch vùng cam, có cơ cấu giống hợp lý; thực hiện chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, đặc biệt là ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất; tuyên truyền, quảng bá sản phẩm cam, quýt Cao Phong đến với người dân cả nước; vươn tới thị trường ngoài nước.
Nguồn bài viết: http://www.kinhtenongthon.com.vn/Hoa-Binh-don-nhan-Chi-dan-dia-ly-Cao-Phong-cho-san-pham-cam-Cao-Phong-108-48012.html
Có thể bạn quan tâm

Theo ông Huỳnh Quang Hưng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, nghề nước mắm truyền thống Phú Quốc sau hơn một năm rơi vào tình cảnh lao đao khiến nhiều nhà thùng “treo thùng” thì nay đã hoạt động sản xuất ổn định trở lại và tiếp tục phát triển.

Những năm gần đây, một số nông dân ở huyện Thoại Sơn (An Giang) đã triển khai thành công mô hình nuôi chim bồ câu theo hướng công nghiệp. Trong đó có nông dân Lê Minh Vân ngụ ấp Hòa Thới – Định Thành.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, đến nay, trà lúa này trên địa bàn tỉnh đã thu hoạch được 45.382ha, chiếm 77% diện tích xuống giống, năng suất ước đạt 6,16 tấn/ha (tăng 5,4% so với cùng kỳ), còn lại 13.555ha lúa ở giai đoạn chắc xanh- chín.

Ông Tâm phấn khởi cho biết giống bưởi đường lá cam Bạch Đằng đã được hệ thống siêu thị Co.opMart thu mua. Hiện Co.opMart Bình Dương đã mua trực tiếp bưởi của gia đình ông với số lượng khoảng 50kg/ tuần, giá 30.000 đồng/kg.

Những ngày đầu tháng 7 này, trên các tuyến đường nông thôn thuộc các ấp Phước Thạnh, Phước Lập, Phước Lộc (xã Phước Vinh, huyện Châu Thành - Tây Ninh), nhiều hộ gia đình đang tất bật tranh thủ thu hoạch khoai mì.