Hỗ Trợ Phát Triển Giống Cây Trồng, Vật Nuôi

Với mong muốn nông dân sẽ mạnh dạn hơn trong việc đầu tư mở rộng sản xuất, góp phần với ngành nông nghiệp phát triển bền vững. Mới đây, UBND tỉnh thống nhất việc hỗ trợ giá giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản trên địa bàn tỉnh qua từng năm, kết thúc vào cuối năm 2015...
Tham vấn ý dân
Trong những năm qua, UBND tỉnh đã ban hành các quyết định riêng biệt về việc hỗ trợ giá giống một số loại cây trồng, vật nuôi chủ yếu trong sản xuất nông lâm nghiệp tại tỉnh. Việc thực hiện các chính sách hỗ trợ do tỉnh quy định trong các năm qua đã đạt được một số kết quả nhất định.
Tuy nhiên, để khảo sát tình hình thực hiện các chính sách hỗ trợ trong thời gian qua, đồng thời thu thập ý kiến để ban hành chính sách giai đoạn mới, vừa qua, các đoàn công tác HĐND tỉnh do Ban Kinh tế và Ngân sách, Ban Văn hóa - Xã hội đã tổ chức 6 buổi tham vấn ý kiến nhân dân tại 6 xã - thị trấn là Hàm Chính, Phú Long (huyện Hàm Thuận Bắc), Đức Hạnh, Võ Xu (huyện Đức Linh), Liên Hương, Phú Lạc (huyện Tuy Phong) với 253 cử tri là cán bộ xã, thôn, đại diện các hợp tác xã nông nghiệp và các hộ dân tham gia.
Qua thu thập thông tin từ việc phát biểu ý kiến trực tiếp và phát phiếu lấy ý kiến, có nhiều ý kiến (trong số những người được nhận chính sách hỗ trợ) cho rằng chính sách hỗ trợ giá giống cây trồng trong các năm qua có hiệu quả, làm thay đổi dần ý thức, tập quán canh tác của nhân dân, năng suất lúa tăng lên đáng kể. Ngoài ra, trước đây hỗ trợ 4 loại cây trồng là nho, điều, cây lúa và bông vải.
Nhưng từ năm 2010 chỉ hỗ trợ 2 loại giống là lúa nguyên chủng và bông vải do cây điều đã mất lợi thế cạnh tranh, cây nho bị ảnh hưởng của mưa trái mùa gây thiệt hại. Tuy nhiên, quá trình thực hiện hỗ trợ còn gặp nhiều khó khăn, cụ thể là việc tuyên truyền, phổ biến trong nhân dân về chính sách hỗ trợ của tỉnh chưa rộng. Giá giống tại các trung tâm giống được chỉ định cao so với thị trường, do đó người dân chưa tiếp cận nhiều với chính sách hỗ trợ bò đực giống, hiệu quả thấp...
Hy vọng từ chính sách
Để khuyến khích sử dụng giống mới, giống tiến bộ kỹ thuật, góp phần khai thác tốt thế mạnh ngành trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản của địa phương gắn xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, khuyến khích các tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ mới trong sản xuất nhằm không ngừng nâng cao chất lượng giống. Mới đây, UBND tỉnh đã ban hành văn bản về hỗ trợ giá giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản trên địa bàn tỉnh, thực hiện theo từng năm, kết thúc vào cuối năm 2015.
Theo đó, giống lúa nguyên chủng được hỗ trợ 40% giá giống lúa cấp nguyên chủng đối với 3 vụ chính trong năm cho hợp tác xã nông nghiệp, câu lạc bộ khuyến nông, tổ hợp tác, cá nhân, hộ gia đình sản xuất giống lúa xác nhận để phục vụ sản xuất trong tỉnh. Giống bông vải, hỗ trợ 40% giá giống cây bông vải đối với 2 vụ chính trong năm là vụ mùa và đông xuân cho các hộ gia đình, cá nhân có diện tích sản xuất bông vải. Hỗ trợ tinh bò là 55.000 đồng/bò cái thụ tinh đạt cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu cải tạo đàn bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo.
Dự kiến tổng kinh phí thực hiện là hơn 4,7 tỷ đồng. Điều kiện để được nhà nước hỗ trợ là các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang thực hiện sản xuất, canh tác, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản trong vùng quy hoạch hoặc vùng chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt, thông qua. Ngoài ra, quy trình sản xuất áp dụng trên từng loại cây trồng, vật nuôi, nuôi trồng thủy sản phải phù hợp hướng dẫn, quy định của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn...
Hy vọng việc hỗ trợ giá giống sẽ tạo cho người sản xuất có cơ hội tiếp cận giống chất lượng cao, mạnh dạn sử dụng và đầu tư mở rộng sản xuất. Nhờ đó, sẽ đạt được kết quả sản xuất hiệu quả hơn, nâng cao thu nhập và ổn định cuộc sống cho người sản xuất nông nghiệp.
Có thể bạn quan tâm

Các cơ quan quản lý lẫn người nuôi cá tra vùng ĐBSCL, trong đó có Hậu Giang đang hết sức kỳ vọng vào sự đổi thay mạnh mẽ từ Nghị định 36 của Chính phủ về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra. Thế nhưng, quá trình triển khai thực hiện bước đầu gặp không ít khó khăn, trở ngại, nhất là định hướng người dân áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

Sau đề án tái cơ cấu của Bộ NN-PTNT, một số tỉnh, thành khu vực ĐBSCL cũng xây dựng đề án riêng. Theo các chuyên gia, cần phải có vai trò của đầu mối để tăng cường mối liên kết vùng, chứ không thể để tự mỗi địa phương làm theo ý riêng của mình.

Được thành lập năm 1998, Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp và điện năng Vân Hùng (xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao) có nhiệm vụ chính phục vụ sản xuất nông nghiệp, đến năm 2002 chuyển sang quản lý điện, công trình nước sạch và các khâu dịch vụ. Hiện nay HTX có 1.270 xã viên, trong đó có 39 người trực tiếp làm 7 dịch vụ: Thuỷ lợi, bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật tư nông nghiệp, điện, vệ sinh môi trường, nước sinh hoạt.

Ngày 24.11, Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp Quảng Nam phối hợp với Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Bắc Trà My mở lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ quản lý, xây dựng đề án khuyến công cho hơn 60 học viên là cán bộ chuyên trách công tác khuyến công và cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn của huyện.

Đi lên từ hai bàn tay trắng, ông Cao Văn Tâm quyết chí phải làm giàu bằng chính nghề nông truyền thống của ông cha. Hằng ngày, ông tìm đọc sách báo, xem truyền hình để học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả được truyền thông giới thiệu. Sau một thời gian tìm tòi, ông mạnh dạn vay vốn ngân hàng, mượn thêm tiền tích góp xây dựng chuồng trại nuôi gà, kết hợp với chăn nuôi gia súc và trồng rừng.