Hỗ Trợ Ngư Dân Khai Thác Thủy Sản Theo Mô Hình Tổ Hợp Tác

Khai thác thủy sản theo mô hình tổ hợp tác ở Bến Tre đã được hình thành sơ khai từ trước những năm 2000, nhưng là tự phát từ các thành viên trong gia đình hay bạn bè thân thuộc khai thác cùng nghề, cùng ngư trường.
Sự hợp tác ban đầu chỉ đơn giản là quá trình thông tin cho nhau khi có nguồn cá, diễn biến thời tiết trên biển và quá trình hỗ trợ tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn khi có sự cố phát sinh.
Mặc dù mang tính chất tự phát nhưng việc khai thác thủy sản theo mô hình tổ hợp tác đã góp phần cải thiện hiệu quả khai thác, khắc phục được nhiều rủi ro trên biển. Để giúp các tổ hợp tác phát huy hiệu quả, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác tuyên truyền và hỗ trợ địa phương triển khai vận động ngư dân thành lập tổ hợp tác. Đến nay, toàn tỉnh đã vận động thành lập được 101 tổ hợp tác với 388 chủ tàu, 804 tàu và giải quyết việc làm cho gần 6.000 thuyền viên.
Nhìn chung, các tổ hợp tác đã thành lập đều cải thiện được hiệu quả hoạt động khai thác tuy chưa cụ thể, thể hiện qua các nội dung như phân công luân phiên khai thác thăm dò tìm kiếm ngư trường (chỉ cần 1 tàu đánh thăm dò, các tàu còn lại neo nghỉ, tiết kiệm được nhiên liệu); luân phiên tải cá vào bờ sớm hơn, đảm bảo chất lượng giá bán cao hơn, các tàu còn lại tiếp tục bám biển, vừa tiết kiệm được nhiên liệu vào bờ vừa tăng thời gian khai thác...
Mặc dù hoạt động của các tổ hợp tác khai thác ở Bến Tre chưa đạt được kết quả như mong muốn nhưng bước đầu đã hình thành được tổ chức về hoạt động khai thác ở cơ sở, tạo được sự gắn kết giữa cơ quan quản lý và người dân, đồng thời qua các tổ hợp tác giúp ban ngành liên quan thực hiện công tác truyền đạt thông tin quản lý đến ngư dân được dễ dàng, thuận tiện và hiệu quả hơn.
Trong thời gian qua, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ trong hoạt động khai thác thủy sản đều khó thực hiện đối với ngư dân Bến Tre: Chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa theo Quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ đã được triển khai trên địa bàn tỉnh nhưng đến nay chỉ có 2 chủ tàu đăng ký do không có nghề khai thác phù hợp.
Chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản theo Quyết định 63 của Thủ tướng Chính phủ đến nay các ngành liên quan vẫn chưa triển khai được. Chính sách hỗ trợ theo Nghị định 88 của Chính phủ vẫn chưa kích thích được ngư dân trên địa bàn tỉnh tham gia vào các tổ hợp tác.
Nhằm hỗ trợ cho ngư dân trong tỉnh những nhu cầu thiết thực để bám biển, nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của các tổ hợp tác và góp phần bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền trên các vùng biển, Sở NN&PTNT đã xây dựng phương án hỗ trợ cho ngư dân khai thác thủy sản theo mô hình tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2014 - 2016 với tổng kinh phí hỗ trợ là 1,9 tỷ đồng và được UBND tỉnh phê duyệt phương án tại quyết định số 1960.
Theo đó, đối tượng, phạm vi áp dụng và nội dung hỗ trợ cụ thể như sau: Đối tượng hỗ trợ là tổ chức, cá nhân và hộ gia đình có tàu khai thác thủy sản có tổng công suất máy chính từ 90 mã lực trở lên. Riêng đối với nghề câu mực, tổng công suất máy chính từ 50 mã lực trở lên và hoạt động theo mô hình tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh.
Các tổ chức, cá nhân và hộ gia đình đã được hưởng chính sách hỗ trợ khác tương tự phương án hỗ trợ này thì không thuộc đối tượng được hưởng hỗ trợ. Nội dung hỗ trợ là kinh phí mua bảo hiểm tai nạn cho thuyền viên làm việc trên tàu khai thác thủy sản.
Điều kiện được hỗ trợ là tàu khai thác thủy sản hoạt động theo mô hình tổ hợp tác có giấy phép khai thác thủy sản và giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật còn hiệu lực, hoàn thành thủ tục mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên. Mức hỗ trợ: 50% kinh phí mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên cho mỗi thuyền viên hàng năm. Thời gian thực hiện hỗ trợ, từ năm 2014 - 2016. Hỗ trợ kinh phí trang bị phao áo cho thuyền viên làm việc trên tàu khai thác thủy sản.
Điều kiện được hỗ trợ: Tàu khai thác thủy sản hoạt động theo mô hình tổ hợp tác có giấy phép khai thác thủy sản và giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật còn hiệu lực, hoàn thành thủ tục mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên. Hoàn thành thủ tục trang bị áo phao cho thuyền viên đảm bảo đúng theo qui định của Bộ NN&PTNT. Mức hỗ trợ: 50% kinh phí mua áo phao trang bị cho thuyền viên trên tàu.
Thời gian thực hiện hỗ trợ: từ năm 2014 - 2016, nhưng chỉ hỗ trợ một lần cho một tàu. Hỗ trợ kinh phí trang bị máy vô tuyến điện cho tổ hợp tác khai thác thủy sản hoạt động nghề câu mực. Điều kiện được hỗ trợ: Tổ hợp tác được tổ chức hoạt động đúng theo hợp đồng hợp tác được chứng thực. Mức hỗ trợ: 50% kinh phí mua 1 bộ máy vô tuyến điện HF – 100W/tổ.
Thời gian thực hiện hỗ trợ: từ năm 2014 - 2016, nhưng chỉ hỗ trợ một lần cho một tổ hợp tác. Hỗ trợ phụ cấp cho cán bộ phụ trách công tác tổ hợp tác ở các xã trọng điểm. Điều kiện được hỗ trợ: Là cán bộ do UBND xã, phường quyết định phân công phụ trách công tác tổ hợp tác, chịu trách nhiệm quản lý và hỗ trợ các tổ hợp tác hoạt động.
Mức hỗ trợ: Các xã, phường có từ 5 đến 20 tổ hợp tác sẽ hỗ trợ phụ cấp cho một cán bộ phụ trách công tác tổ hợp tác. Các xã, phường có từ 21 tổ hợp tác trở lên sẽ hỗ trợ phụ cấp cho hai cán bộ phụ trách công tác tổ hợp tác. Mức hỗ trợ: (hệ số phụ cấp 1,37 x lương tối thiểu)/người/tháng. Thời gian thực hiện hỗ trợ: từ năm 2014 - 2016.
Có thể bạn quan tâm

Theo Sở NNPTNT Thanh Hóa, sau nhiều năm tích cực nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, đến nay toàn tỉnh có gần 530ha sản xuất hạt giống lúa lai F1. Năm 2011, năng suất bình quân đạt 15 - 21 tạ/ha, lượng hạt giống sản xuất ra hàng năm đáp ứng trên 30% nhu cầu, giảm lượng hạt giống phải nhập khẩu.

Vụ đông xuân 2011-2012, Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư tỉnh hỗ trợ kinh phí xây dựng một mô hình thâm canh lúa lai tại xã miền núi Vĩnh An (huyện Tây Sơn), nơi có 100% dân số là người dân tộc Ba Na. Mô hình triển khai trên diện tích 2ha với giống lúa TH3-3.

Mặc dù sở hữu đến 2 hécta điều trồng hơn 10 năm, nhưng cuộc sống gia đình ông Nguyễn Đức Tiến ở ấp 3, xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai vẫn chật vật vì thu nhập thấp, chưa đầy 30 triệu đồng/năm.

Cá tra loại 1 (thịt trắng, cỡ 0,7 – 0,8 con/kg) ở Đồng Tháp lên tới 27.500 đồng/kg, cao hơn tuần trước 500 – 1.000 đồng. Mức giá gần chạm kỷ lục ở tỉnh có diện tích và sản lượng nuôi lớn nhất khu vực ĐBSCL đã tác động tích cực tới thị trường các tỉnh khác. Giá cá cùng loại tại Tiền Giang là 25.500 đồng/kg, ở An Giang 26.000 đồng, ở Cần Thơ giá 24.500 đồng/kg. Cá tra loại 2 (thịt vàng, cỡ 0,9 – 1,1 kg/con) ở Đồng Tháp hiện là 26.000 đồng, cao hơn tuần trước 1.500 đồng/kg, tại Tiền Giang đạt 23.500 đồng/kg, tăng 1.000 đồng.

Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN Vĩnh Phúc đã tiến hành trồng thử nghiệm thành công loài hoa Thiên điểu với tỷ lệ cây sống đạt 100%.