Hỗ Trợ Ngư Dân Khai Thác Thủy Sản Theo Mô Hình Tổ Hợp Tác

Khai thác thủy sản theo mô hình tổ hợp tác ở Bến Tre đã được hình thành sơ khai từ trước những năm 2000, nhưng là tự phát từ các thành viên trong gia đình hay bạn bè thân thuộc khai thác cùng nghề, cùng ngư trường.
Sự hợp tác ban đầu chỉ đơn giản là quá trình thông tin cho nhau khi có nguồn cá, diễn biến thời tiết trên biển và quá trình hỗ trợ tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn khi có sự cố phát sinh.
Mặc dù mang tính chất tự phát nhưng việc khai thác thủy sản theo mô hình tổ hợp tác đã góp phần cải thiện hiệu quả khai thác, khắc phục được nhiều rủi ro trên biển. Để giúp các tổ hợp tác phát huy hiệu quả, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác tuyên truyền và hỗ trợ địa phương triển khai vận động ngư dân thành lập tổ hợp tác. Đến nay, toàn tỉnh đã vận động thành lập được 101 tổ hợp tác với 388 chủ tàu, 804 tàu và giải quyết việc làm cho gần 6.000 thuyền viên.
Nhìn chung, các tổ hợp tác đã thành lập đều cải thiện được hiệu quả hoạt động khai thác tuy chưa cụ thể, thể hiện qua các nội dung như phân công luân phiên khai thác thăm dò tìm kiếm ngư trường (chỉ cần 1 tàu đánh thăm dò, các tàu còn lại neo nghỉ, tiết kiệm được nhiên liệu); luân phiên tải cá vào bờ sớm hơn, đảm bảo chất lượng giá bán cao hơn, các tàu còn lại tiếp tục bám biển, vừa tiết kiệm được nhiên liệu vào bờ vừa tăng thời gian khai thác...
Mặc dù hoạt động của các tổ hợp tác khai thác ở Bến Tre chưa đạt được kết quả như mong muốn nhưng bước đầu đã hình thành được tổ chức về hoạt động khai thác ở cơ sở, tạo được sự gắn kết giữa cơ quan quản lý và người dân, đồng thời qua các tổ hợp tác giúp ban ngành liên quan thực hiện công tác truyền đạt thông tin quản lý đến ngư dân được dễ dàng, thuận tiện và hiệu quả hơn.
Trong thời gian qua, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ trong hoạt động khai thác thủy sản đều khó thực hiện đối với ngư dân Bến Tre: Chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa theo Quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ đã được triển khai trên địa bàn tỉnh nhưng đến nay chỉ có 2 chủ tàu đăng ký do không có nghề khai thác phù hợp.
Chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản theo Quyết định 63 của Thủ tướng Chính phủ đến nay các ngành liên quan vẫn chưa triển khai được. Chính sách hỗ trợ theo Nghị định 88 của Chính phủ vẫn chưa kích thích được ngư dân trên địa bàn tỉnh tham gia vào các tổ hợp tác.
Nhằm hỗ trợ cho ngư dân trong tỉnh những nhu cầu thiết thực để bám biển, nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của các tổ hợp tác và góp phần bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền trên các vùng biển, Sở NN&PTNT đã xây dựng phương án hỗ trợ cho ngư dân khai thác thủy sản theo mô hình tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2014 - 2016 với tổng kinh phí hỗ trợ là 1,9 tỷ đồng và được UBND tỉnh phê duyệt phương án tại quyết định số 1960.
Theo đó, đối tượng, phạm vi áp dụng và nội dung hỗ trợ cụ thể như sau: Đối tượng hỗ trợ là tổ chức, cá nhân và hộ gia đình có tàu khai thác thủy sản có tổng công suất máy chính từ 90 mã lực trở lên. Riêng đối với nghề câu mực, tổng công suất máy chính từ 50 mã lực trở lên và hoạt động theo mô hình tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh.
Các tổ chức, cá nhân và hộ gia đình đã được hưởng chính sách hỗ trợ khác tương tự phương án hỗ trợ này thì không thuộc đối tượng được hưởng hỗ trợ. Nội dung hỗ trợ là kinh phí mua bảo hiểm tai nạn cho thuyền viên làm việc trên tàu khai thác thủy sản.
Điều kiện được hỗ trợ là tàu khai thác thủy sản hoạt động theo mô hình tổ hợp tác có giấy phép khai thác thủy sản và giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật còn hiệu lực, hoàn thành thủ tục mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên. Mức hỗ trợ: 50% kinh phí mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên cho mỗi thuyền viên hàng năm. Thời gian thực hiện hỗ trợ, từ năm 2014 - 2016. Hỗ trợ kinh phí trang bị phao áo cho thuyền viên làm việc trên tàu khai thác thủy sản.
Điều kiện được hỗ trợ: Tàu khai thác thủy sản hoạt động theo mô hình tổ hợp tác có giấy phép khai thác thủy sản và giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật còn hiệu lực, hoàn thành thủ tục mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên. Hoàn thành thủ tục trang bị áo phao cho thuyền viên đảm bảo đúng theo qui định của Bộ NN&PTNT. Mức hỗ trợ: 50% kinh phí mua áo phao trang bị cho thuyền viên trên tàu.
Thời gian thực hiện hỗ trợ: từ năm 2014 - 2016, nhưng chỉ hỗ trợ một lần cho một tàu. Hỗ trợ kinh phí trang bị máy vô tuyến điện cho tổ hợp tác khai thác thủy sản hoạt động nghề câu mực. Điều kiện được hỗ trợ: Tổ hợp tác được tổ chức hoạt động đúng theo hợp đồng hợp tác được chứng thực. Mức hỗ trợ: 50% kinh phí mua 1 bộ máy vô tuyến điện HF – 100W/tổ.
Thời gian thực hiện hỗ trợ: từ năm 2014 - 2016, nhưng chỉ hỗ trợ một lần cho một tổ hợp tác. Hỗ trợ phụ cấp cho cán bộ phụ trách công tác tổ hợp tác ở các xã trọng điểm. Điều kiện được hỗ trợ: Là cán bộ do UBND xã, phường quyết định phân công phụ trách công tác tổ hợp tác, chịu trách nhiệm quản lý và hỗ trợ các tổ hợp tác hoạt động.
Mức hỗ trợ: Các xã, phường có từ 5 đến 20 tổ hợp tác sẽ hỗ trợ phụ cấp cho một cán bộ phụ trách công tác tổ hợp tác. Các xã, phường có từ 21 tổ hợp tác trở lên sẽ hỗ trợ phụ cấp cho hai cán bộ phụ trách công tác tổ hợp tác. Mức hỗ trợ: (hệ số phụ cấp 1,37 x lương tối thiểu)/người/tháng. Thời gian thực hiện hỗ trợ: từ năm 2014 - 2016.
Có thể bạn quan tâm

Dù chỉ chăn nuôi heo ở quy mô nhỏ lẻ, nhưng nhiều hộ nông dân tại xã Quảng Trị (huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng) đã biết liên kết với nhau để cùng mua cám với số lượng lớn. Sự liên kết này đã giúp họ mua được cám với giá rẻ của đại lý, nên chi phí chăn nuôi giảm và lợi nhuận tăng đáng kể.

Mùa khô hạn, chuồng trại nuôi dê phải khô ráo, sạch sẽ, thông thoáng, tránh được nóng và ẩm ướt. Sàn chuồng phải cách mặt đất từ 50 – 80cm. Chuồng nuôi cần đảm bảo diện tích: Dê đực giống: 1,5 - 2m2, dê thịt 0,6m2. Cần tăng cường vệ sinh chuồng trại, vệ sinh sạch sẽ máng ăn, máng uống hàng ngày, định kỳ phun thuốc sát trùng 2 tuần/lần.

Vịt trời vốn bị coi là loài không có tác dụng. Nhưng vài năm trở lại đây, một số hộ nông dân miền xuôi đã thuần chủng, nuôi loài vật này, thu nhập cao. Cách làm này đã được ông Cầm Văn Luân, bản Chiến, xã Chiềng San (Mường La, Sơn La) học tập, áp dụng xây dựng mô hình nuôi vịt trời hiệu quả.

Năm 2012, Công ty TNHH Trung Đồng (TP.Biên Hòa) nhập lô bò Úc nguyên con đầu tiên về Việt Nam. Tiếp theo đó, không thiếu các tập đoàn, doanh nghiệp (DN) trong ngành thực phẩm và không trong ngành thực phẩm tham gia nhập và phân phối bò Úc, như: Vissan, Hoàng Anh Gia Lai... “Cơn sốt” nhập bò Úc hiện vẫn lan nhanh.

Hiện nay, trong khi nhiều thanh niên nông thôn lên thành phố tìm kiếm việc làm, không mấy người mặn mà với công việc nhà nông thì anh Mai Tất Thát (thôn Bảo Châu, xã Đông La, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) lại quyết tâm theo đuổi, đưa giống thỏ trắng New Zealand về nuôi thử nghiệm. Bằng niềm đam mê, sự sáng tạo, anh đã vượt qua mọi gian khó, nỗ lực vươn lên thoát nghèo, làm giàu ngay trên đất quê hương.