Hỗ Trợ Ngư Dân Đánh Bắt, Nuôi Trồng Hiệu Quả

Để thực hiện có hiệu quả phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, Hội Nông ngư dân (NND) xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn (Bình Định) đã tích cực vận động hội viên đẩy mạnh phát triển kinh tế, phát huy thế mạnh của địa phương để nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Hội NND xã Nhơn Hải đã tín chấp cho hội viên thuộc diện hộ nghèo, khó khăn vay vốn đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế gia đình từ nhiều nguồn; đến nay, đã có 207 hộ hội viên được vay trên 3,1 tỉ đồng. Hàng năm, Hội đã phối hợp cùng chính quyền địa phương, Phòng kinh tế TP Quy Nhơn, Chi cục Nuôi trồng, Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh… tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, tạo nên nhiều mô hình sản xuất kinh doanh có hiệu quả giúp hội viên phát triển kinh tế gia đình, tăng thu nhập.
Với thế mạnh về khai thác và nuôi trồng thủy sản như: Đánh bắt và nuôi tôm hùm lồng, nuôi tôm hùm thương phẩm, ốc hương, cá bốp, Hội NND xã đã chú trọng vận động ngư dân đầu tư phát triển sản xuất phù hợp với tiềm năng địa phương. Từ năm 2013 đến nay, sản lượng đánh bắt và khai thác của xã đạt 1.500 tấn cá các loại, trên 117 ngàn con tôm hùm giống, đạt giá trị trên 84,7 tỉ đồng.
Hiện bà con ngư dân đang nuôi trên 108 ngàn con tôm hùm giống, giá trị trên 28 tỉ đồng. Đặc biệt, các hộ ngư dân nuôi tôm hùm thương phẩm đã xuất bán gần 18 tấn tôm, đạt giá trị trên 26,7 tỉ đồng. Ngư dân còn phát triển nghề nuôi ốc hương thương phẩm, thu hoạch 4 tấn ốc hương, giá trị 640 triệu đồng và đang tiếp tục đầu tư thả nuôi vụ mới; xuất bán 8,7 tấn cá bốp, trị giá 800 triệu đồng…
Hội NND xã Nhơn Hải còn khuyến khích hội viên đầu tư, mở rộng kinh doanh sản xuất; đầu tư vốn đánh bắt, nuôi trồng hải sản; tuyên truyền, vận động thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; xây dựng nông thôn mới, thôn, khu dân cư văn hóa; xây dựng các mô hình bảo vệ môi trường biển; vận động hội viên nông dân xử lý vùng nuôi hải sản hợp vệ sinh; thường xuyên thu gom, xử lý rác khu dân cư… góp phần thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới của xã.
Ông Nguyễn Văn Nghĩa, Chủ tịch Hội NND xã Nhơn Hải, cho biết: Thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục vận động ngư dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào đánh bắt, nuôi trồng hải sản, nhân rộng các mô hình mới như nuôi ghẹ xanh trên biển, nuôi cá bốp… Đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, góp phần thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Có thể bạn quan tâm

Là địa phương có truyền thống về trồng cây vụ đông, những năm gần đây, nông dân xã Vũ Lạc (thành phố Thái Bình) đã trồng thử nghiệm khoai tây theo phương pháp làm đất tối thiểu không những cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao mà còn khắc phục được tình trạng đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường, đồng thời góp phần cải tạo đất và mở ra phương thức gieo trồng mới đối với cây khoai tây vụ đông.

Vụ thu hoạch mía ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chỉ mới bắt đầu nhưng nông dân rất lo lắng vì giá quá thấp. Chưa khi nào nghề trồng mía lại long đong vì thua lỗ, nợ nần như mấy năm gần đây.

Hợp tác xã được thành lập trên cơ sở Câu lạc bộ ca cao Hưng Lộc với sự tham gia của 9 thành viên ban đầu, có vốn điều lệ 500 triệu đồng và hoạt động theo 6 nhóm ngành nghề: ươm và mua bán cây ca cao giống; sơ chế các loại trái cây sau thu hoạch; thu mua, buôn bán nông sản, sản xuất phân hữu cơ….

Được trồng trên độ cao hơn 1.000 m so với mực nước biển, bốn mùa mây phủ, khí hậu mát mẻ quanh năm, chè phát triển hoàn toàn tự nhiên, chắt lọc những tinh túy của trời đất tạo nên một loại chè thơm ngon tinh khiết đến lạ thường.

Cây Hồng hoa là loại dược liệu quý, có giá trị sử dụng và giá trị kinh tế cao, được Trung tâm Ứng dụng khoa học và công nghệ thực hiện Đề tài đánh giá khả năng sinh trưởng, phát triển của loại cây này, bước đầu cho kết quả tích cực, là tín hiệu vui cho người nông dân và ngành nông nghiệp Dak Lak trong việc đa dạng hóa cơ cấu cây trồng.