Hỗ Trợ Đồng Bào Khmer Thoát Nghèo

Trong nhiều năm qua, các chính sách chăm lo cho hộ nghèo, đặc biệt là đồng bào dân tộc Khmer nghèo luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ quan tâm.
Công tác dân tộc và thực hiện các chính sách cho đồng bào dân tộc được các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể xã Lương Tâm thường xuyên quan tâm chỉ đạo và triển khai thực hiện. Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer ở xã Lương Tâm giảm dần qua từng năm. Toàn xã hiện có 224 hộ nghèo, trong đó có 20 hộ đồng bào dân tộc Khmer, chiếm tỷ lệ 0,59%.
Đạt được kết quả trên là nhờ sự hỗ trợ nhiều mặt của địa phương và sự nỗ lực rất lớn của hộ Khmer nghèo. Ngoài các chính sách hỗ trợ về nhà tình thương, cho vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội, địa phương còn tạo điều kiện để hộ Khmer nghèo thụ hưởng các chính sách hỗ trợ đặc biệt, như: giải quyết đất ở, đất sản xuất, dạy nghề và giải quyết việc làm, chuyển đổi ngành nghề, hỗ trợ nước sạch sinh hoạt, tiền điện, kiến thức khoa học kỹ thuật trong sản xuất trồng trọt, chăn nuôi…
Toàn xã đã có 10 hộ Khmer nghèo được thụ hưởng chính sách đất ở, đất sản xuất và 100% hộ Khmer nghèo được hỗ trợ nước sạch sử dụng.
Bên cạnh đó, chỉ tính riêng từ năm 2010-2012, có hơn 40 hộ đồng bào Khmer nghèo được hỗ trợ vốn không hoàn lại để xây dựng mô hình giảm nghèo. Sau thời gian thực hiện, đa số các hộ Khmer nghèo đã xây dựng được mô hình kinh tế hiệu quả và vươn lên thoát nghèo.
Ông Trần Thanh Triều, Phó Chủ tịch UBND xã Lương Tâm, cho biết: “Thời gian qua, xã Lương Tâm được đầu tư từ nhiều chương trình, chính sách dành cho vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Hầu hết các chính sách đều gắn với công tác xóa đói giảm nghèo, nên tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn đã giảm đáng kể. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng thiết yếu tại các khu vực vùng sâu được đầu tư đồng bộ phục vụ tốt yêu cầu sản xuất, sinh hoạt cho đồng bào dân tộc địa bàn”.
Vươn lên thoát nghèo một phần nhờ sự hỗ trợ của địa phương, ông Danh Đẹt, ở ấp 5, xã Lương Tâm, cho biết: “Gia đình tôi không có đất lại đông con, sống chủ yếu bằng nghề làm thuê, làm mướn. Trước đây nhà nghèo lắm, từ năm 2009 địa phương có cho vay vốn, tôi quyết định đầu tư nuôi heo. Sau nhiều năm tích cóp, hiện tại tôi mướn được 4 công đất để trồng lúa.
Có nguồn thu nhập ổn định từ trồng trọt, chăn nuôi nên gia đình tôi giờ đã thoát nghèo”. Được biết, hiện tại gia đình ông Danh Đẹt có nguồn thu nhập mỗi năm từ 20-25 triệu đồng chỉ tính riêng từ việc chăn nuôi heo. Từ bước đà phát triển ban đầu, gia đình ông Danh Đẹt còn đầu tư xây dựng thêm mô hình nuôi vịt để kiếm thêm nguồn thu.
Lứa vịt đầu tiên, gia đình ông thu về lợi nhuận gần 2 triệu đồng. Dự tính của ông thời gian tới sẽ tiếp tục mở rộng mô hình nuôi vịt để kiếm lời đầu tư thức ăn cho chăn nuôi heo.
Cũng là một hộ Khmer nghèo nỗ lực vươn lên từ hai bàn tay trắng, hộ ông Danh Dê, ở ấp 5, xã Lương Tâm được nhiều người dân nơi đây khâm phục bởi tinh thần tiết kiệm, vượt khó.
Từng là hộ nghèo được hỗ trợ nhà tình thương, nhưng sau nhiều năm chịu khó đầu tư sản xuất, đến nay ông Danh Dê đã xây dựng lại ngôi nhà mới, khá khang trang với trị giá gần 300 triệu đồng. Ông Danh Dê nói: “Trước đây, nhà tôi không có đất sản xuất lại có 6 đứa con nên nghèo lắm. Vợ chồng tôi cứ chạy lo từng bữa cơm, mà bữa đói, bữa no.
Nhờ địa phương tạo điều kiện vay vốn, tôi đầu tư trồng rau muống, cải xanh, xà lách, rau thơm… trên đất xung quanh nhà. Mới đầu, trồng cũng có lời, nhưng ít. Năm 2009, tôi được hỗ trợ mùng lưới, hạt giống, máy bơm nước để xây dựng mô hình trồng rau sạch, nên giá thành khá cao. Thu nhập bình quân trồng rau của gia đình tôi đạt từ 40-50 triệu đồng/năm.
Nhờ vậy, kinh tế gia đình cũng khấm khá hơn”. Hiện tại, ngoài trồng rau, gia đình ông còn chăn nuôi heo để kiếm thêm thu nhập. Điều đáng mừng nhất của gia đình ông hiện nay là 4 trong 6 người con đã có việc làm ổn định tại một công ty giày da ở tỉnh Bình Dương.
Từ những thành quả đạt được trong công tác giảm nghèo ở xã Lương Tâm, có thể thấy rằng, cùng với sự vận động của địa phương, đồng bào Khmer nghèo đã biết cách làm ăn, góp phần đưa đời sống của họ ngày một khởi sắc.
Có thể bạn quan tâm

rong khi Việt Nam chịu thâm hụt thương mại nặng nề với Trung Quốc ở nhiều ngành hàng thì trong thương mại gỗ, Việt Nam lại đạt mức thặng dư bình quân hàng năm khoảng 600 triệu đô la Mỹ. Tuy nhiên, thương mại ngành hàng này giữa hai nước lại thể hiện tính thiếu bền vững, nhiều rủi ro và cần phải có những giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Trạm Khuyến nông huyện Tây Sơn vừa tổng kết mô hình khảo nghiệm giống lúa lai Nhị Ưu 838 kháng bạc lá trên chân ruộng chuyển đổi sản xuất 2 vụ lúa/năm.

Thời gian qua, do nguồn vốn có hạn nên Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) Chi nhánh Hậu Giang chưa thể cho hộ nghèo, hộ cận nghèo vay theo định mức quy định.

Nhằm góp phần triển khai thực hiện có hiệu quả đề án chuyển đổi cây trồng, vật nuôi (Đề án 1.000) trên địa bàn huyện, thời gian qua, các cấp hội nông dân huyện Phụng Hiệp đã tích cực tuyên truyền.

Tân Phú Đông một huyện cù lao còn nhiều khó khăn của tỉnh Tiền Giang, dựa vào điều kiện thổ nhưỡng của vùng cũng như sự định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hiệu quả.