Hồ tiêu được mùa, được giá

Chúng tôi đến thăm vườn tiêu của ông Nguyễn Thúc Xiêm, thôn Hà Thượng, xã Gio Châu (huyện Gio Linh, Quảng Trị) giữa những ngày thu hoạch rộ. Quanh những gốc tiêu đang được nhân công tập trung thu hoạch, câu chuyện rôm rả nhất mà nhiều người quan tâm chính là hồ tiêu vừa được mùa và được giá.
Ông Xiêm cho biết: “Sau hơn 20 năm trồng tiêu thì năm nay năng suất cây hồ tiêu đạt cao nhất. Với 400 gốc tiêu trong vườn nhà sẽ cho sản lượng trên 3 tạ tiêu hạt, nhiều gấp đôi so với những năm trước”.
Cùng chung niềm vui về hồ tiêu được mùa, những ngày này, gia đình bà Trần Thị Kính, thôn Nam Tân, xã Gio Sơn (Gio Linh) cũng đang tập trung thu hoạch hồ tiêu, tranh thủ thời tiết nắng ráo đem phơi để nhập cho thương lái. Trao đổi với chúng tôi, bà Kính cho biết: “So với những năm trước, hồ tiêu năm nay được mùa rất lớn, buồng tiêu chắc, hạt to và bóng mẩy. Với trên 300 gốc hồ tiêu trong vườn nhà dự kiến cho thu hoạch khoảng gần 5 tạ tiêu, với giá hiện tại trên thị trường, thu nhập khoảng trên 100 triệu đồng”.
Tính đến nay, huyện Gio Linh có khoảng 470 ha cây hồ tiêu, tập trung chủ yếu ở các xã như Gio Châu, Gio An, Hải Thái, Linh Thượng..., trong đó có gần 370 ha đang cho thu hoạch. Trước tình hình tiêu được mùa như năm nay, theo ước tính của nhiều hộ dân, 1 ha hồ tiêu sẽ cho năng suất khoảng 12 tạ tiêu khô, nhiều gần gấp 2 lần so với năm ngoái. Trên thị trường hiện nay, 1 kg tiêu khô có giá từ 180-200 ngàn đồng, tăng 30 ngàn đồng so với cùng kỳ năm trước thì 1 ha trồng tiêu người nông dân có thể thu nhập khoảng 200 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với các loại cây trồng khác.
Trong lúc nhiều nông sản khác đang lao đao vì rơi vào cảnh “được mùa, mất giá” thì những năm gần đây, cây hồ tiêu đang đem lại thu nhập khá cho nhiều hộ nông dân. Tính đến thời điểm này, diện tích hồ tiêu toàn tỉnh đạt trên 2.273 ha, trong đó có trên 1.786 ha hồ tiêu cho sản phẩm. Năng suất hồ tiêu ước đạt 12 tạ/ha, tăng 3,2 tạ/ha so với năm trước, sản lượng ước đạt 2.144 tấn, cao hơn năm trước 580 tấn. Giá hạt tiêu đang ở mức cao (180-200 ngàn đồng/kg) đang tạo động lực cho nhiều hộ trồng tiêu chú trọng thâm canh và phòng trừ sâu bệnh, đảm bảo năng suất cho các vườn tiêu.
Có thể thấy rằng, cây hồ tiêu đang bước vào thời kỳ “hoàng kim” về cả năng suất và sản lượng, giá cả. Người trồng tiêu trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn ứng dụng KHKT vào sản xuất theo hướng an toàn, bền vững, chú trọng canh tác quy hoạch, phù hợp với từng chân đất để mang lại năng suất cao và phát triển hồ tiêu bền vững.
Nhiều địa phương đã chú trọng khuyến khích người dân mở rộng diện tích để tăng thu nhập đồng thời tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật về phòng trừ dịch bệnh để cây hồ tiêu đạt năng suất và sản lượng cao nhất. Để cây hồ tiêu tiếp tục phát triển bền vững, các cấp, ngành liên quan cần tiếp tục có sự chỉ dẫn, quy hoạch cụ thể đối với diện tích trồng tiêu, tránh tình trạng người dân tự ý chặt bỏ các cây trồng khác để mở rộng diện tích trồng tiêu một cách ồ ạt. Đồng thời triển khai thực hiện việc liên kết “4 nhà” để phát triển bền vững cây tiêu cả đầu vào lẫn đầu ra và chất lượng sản phẩm.
Có thể bạn quan tâm

Ở miền Nam, cây đậu phộng (lạc) trồng nhiều ở các tỉnh Tây Ninh, Long An, Trà Vinh, An Giang…. Sản phẩm đậu phộng ngoài quả (củ), còn tận dụng thân lá ủ làm phân hữu cơ, hoặc làm thức ăn cho gia súc.

Việc ký kết đưa mặt hàng này về tiêu thụ tại Hà Nội đã khiến hàng nghìn hộ chăn nuôi ở Yên Thế (Bắc Giang) hy vọng đổi đời. Tuy nhiên, đến nay không ít hộ nuôi đã phải cầm cố sổ đỏ, nợ ngân hàng chồng chất, vì thua lỗ.

Gần đây, việc bùng phát nuôi tôm thẻ chân trắng ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung, An Giang nói riêng đã khiến cho chính quyền và các nhà chuyên môn vô cùng lo lắng, bởi đi liền với hiệu quả kinh tế thì có không ít rủi ro với đối tượng nuôi mới này.

Một lần nữa ngành chăn nuôi rơi vào cảnh lao đao. Cách đây hai năm, ngành chăn nuôi cũng rơi vào khó khăn. Năm 2012, để cứu ngành này, nhiều ý kiến đề xuất gói cứu trợ 9.000 tỷ đồng. Giờ đây, một đề xuất tương tự đang lặp lại.

Nhiều người cho rằng để ao “trắng” như vậy khá là phí, khi mà ngay sau vụ tôm có thể nuôi kế vài loại cá khác. Thế nhưng theo ông Việt khẳng định, là người nuôi tôm có kinh nghiệm thì không nên tiếc rẻ như vậy, ngược lại nên chuẩn bị tốt các điều kiện để tập trung cho vụ nuôi mới.