Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Hình Thành Trung Tâm Hậu Cần Nghề Cá Cần Quy Hoạch Lại Quỹ Đất

Hình Thành Trung Tâm Hậu Cần Nghề Cá Cần Quy Hoạch Lại Quỹ Đất
Ngày đăng: 14/08/2014

Xây dựng trung tâm hậu cần nghề cá của tỉnh là rất cấp thiết bởi sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình đánh bắt của ngư dân, góp phần tăng hiệu quả sản xuất, tuy nhiên hiện nay kế hoạch này vẫn còn “vướng” do thiếu quỹ đất.

Khó khăn hậu cần

Mùa biển động đang đến gần nên tàu cá của ngư dân Quảng Nam liên tục cập bờ bán hải sản rồi tranh thủ thời gian tiếp nhiên liệu ra khơi đánh bắt. Dọc theo các cầu cảng tư nhân đóng trên địa bàn xã Tam Quang (Núi Thành), không khí bán mua tấp nập.

Ông Trần Bẹn (thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang), chủ 2 chiếc tàu QNa-91594 và QNa-91819 hành nghề lưới vây, chia sẻ: “Ngư dân chúng tôi bám biển quanh năm nhưng hiệu quả sản xuất không cao. Ở vụ sản xuất chính này, chi phí quá lớn mà đầu nậu lại ép giá sản phẩm nên hiệu quả chuyến biển không cao”.

Hiện tại, trên địa bàn xã Tam Quang có 6 cầu cảng do các tư nhân đầu tư xây dựng để thực hiện dịch vụ hậu cần nghề cá. Chủ các cầu cảng bán đá cây và các nhu yếu phẩm phục vụ quá trình sản xuất trên biển của ngư dân, đồng thời thu mua hải sản để bán lại cho các thương lái. Các dịch vụ hậu cần này ít nhiều đã đáp ứng nhu cầu của ngư dân, tuy nhiên tình trạng ép giá cũng thường xuyên xảy ra.

Nhiều chủ tàu cá cho biết, để có thể sản xuất trên biển, chủ tàu phải mua các nhu yếu phẩm từ các chủ cầu cảng. Do không đủ tiền mặt để thanh toán ngay các khoản mua cần thiết nên khi sản xuất trở về họ bị bắt buộc phải bán lại hải sản cho các chủ cầu cảng.

Việc ngư dân bị ép giá hải sản có nguyên nhân từ đó. Hiện tại, xã Tam Quang sở hữu hơn 350 tàu cá với tổng công suất hơn 27.200CV, tham gia sản xuất tại các ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Do địa phương chưa đầu tư được cảng cá nên quá trình sản xuất của ngư dân gặp rất nhiều khó khăn.

Vào thời điểm này, trên địa bàn xã Tam Quang đã hình thành một số cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu cá. Tuy nhiên, các cơ sở này chưa chủ động được mặt bằng và phải thuê đất của một công ty nên chưa đầu tư hạ tầng hiện đại, đồng bộ. Các triền đà của nhiều cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu cá được bố trí thiếu hợp lý.

Vào mùa nắng ráo thì nước quá cạn nên phải trầy trật lắm mới kéo được tàu lên triền đà để đưa vào sửa chữa, còn mùa mưa bão thì sóng biển tạt vào, ngư dân không dám đưa phương tiện đến vì sợ tàu hư hỏng. Ông Nguyễn Tin - Chủ tịch UBND xã Tam Quang nói: “Rất mong Sở NN&PTNT kiến nghị, tham mưu UBND tỉnh hoặc Bộ NN&PTNT quy hoạch, xây dựng nên trung tâm hậu cần nghề cá tại địa phương, giúp ngư dân ổn định hơn với nghề khai thác hải sản”.

Ông Nguyễn Minh Khả - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho biết thêm: “Xây dựng nên trung tâm hậu cần nghề cá tại xã Tam Quang cũng là hình thành trung tâm hậu cần nghề cá chung cho cả huyện Núi Thành và cả tỉnh. Đây là địa điểm thuận lợi nhất, là đầu mối sản xuất, giúp nghề cá của tỉnh phát triển”.

Sẽ đầu tư

Một nội dung quan trọng trong kế hoạch tái cơ cấu nghề khai thác hải sản Quảng Nam đến năm 2020 là hình thành trung tâm hậu cần nghề cá của tỉnh. Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT kiêm Chủ tịch Hội Nghề cá Quảng Nam cho biết: “Chủ trương đầu tư xây dựng thì đã có rồi.

Quy luật vận động nội tại của nghề cá Quảng Nam đã quy định như vậy. Việc hình thành trung tâm hậu cần nghề cá sẽ giúp ngư dân chủ động trong việc đầu tư cho mỗi chuyến ra khơi, bảo quản và bán hải sản thu hoạch được. Trung tâm hậu cần nghề cá của tỉnh hình thành sẽ góp phần nâng cao giá trị sản xuất của ngư dân, phát triển bền vững nghề khai thác hải sản.

Ông Ngô Tấn cũng cho biết, địa điểm đầu tư xây dựng hợp lý nhất là xã Tam Quang vì nơi đây có nghề cá phát triển, đồng thời từ đây việc mở rộng kết nối với các huyện, thành trong toàn tỉnh và với các tỉnh, thành khác cũng dễ dàng, thuận tiện.

Theo ông Nguyễn Văn Giỏi - Chi cục trưởng Chi cục Khai thác & bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Nam, trung tâm hậu cần nghề cá Quảng Nam sẽ được đầu tư khép kín, bao gồm toàn bộ các dịch vụ thuộc lĩnh vực hậu cần nghề cá.

Cụ thể là thu mua, bảo quản, chế biến và xuất khẩu hải sản. Cùng với đó là đóng mới, sửa chữa, cung cấp nhiên liệu, lương thực cho tàu cá... Dự án sẽ bao gồm nhiều hạng mục như nhà máy đông lạnh và chế biến hải sản, nhà máy sản xuất đá lạnh, các cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu cá và một số cửa hàng cung cấp nhiên liệu, thực phẩm, nước ngọt…

Tuy nhiên, cái khó nhất để thực hiện dự án này là phải quy hoạch lại quỹ đất do hầu như toàn bộ diện tích của xã Tam Quang đều nằm trong phạm vi quản lý của Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai. “Từ nay đến năm 2020 là một quãng thời gian tương đối dài. Bởi vậy, việc đầu tư xây dựng trung tâm hậu cần nghề cá của tỉnh cần phải được tính toán kỹ và có lộ trình hợp lý” - ông Giỏi nói.


Có thể bạn quan tâm

Người Hrê Đưa Khoa Học Kỹ Thuật Vào Ruộng Mía Người Hrê Đưa Khoa Học Kỹ Thuật Vào Ruộng Mía

Nhờ ứng dụng cơ giới vào khâu làm đất và biết sử dụng phân bón hợp lý, hàng trăm hộ dân người Hrê trồng mía ở huyện miền núi Ba Tơ đã nâng năng suất cây mía lên gấp 2 lần, hạn chế được tình trạng đất bị xói lở, bạc màu.

14/06/2012
Giàu Lên Từ Rắn Hổ Giàu Lên Từ Rắn Hổ

Gắn chóa đèn pin lên trán, một tay cầm cây móc, một tay thò vào hộc lôi con rắn hổ to đùng còn đang phùng mang phù phù ra, anh La Minh Vũ cười xòa: “Con này cho thu nhập khoảng 7 triệu đồng đấy”. Thấy tôi tròn xoe mắt kinh ngạc, anh chiết tính: con này cỡ hai ký rưỡi, mỗi ký giá một triệu đồng; mỗi năm nó đẻ hai lứa, mỗi lứa trung bình 15 trứng, giá mỗi trứng 300.000 đồng.

02/10/2012
Cá Chua Rớt Giá Mạnh Cá Chua Rớt Giá Mạnh

Năm nay, toàn xã Cát Khánh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định nuôi cá chua trên diện tích 25 ha mặt nước, sản lượng khoảng 120 tấn. Hiện đã đến vụ thu hoạch, nhưng giá bán cá chua thấp hơn 50% so với năm trước, người nuôi cá thua lỗ nặng.

15/06/2012
Cua Biển, Tôm Sú Cùng Giảm Giá Cua Biển, Tôm Sú Cùng Giảm Giá

Giá cua biển tại tỉnh Trà Vinh bất ngờ giảm từ mức trên 230.000 đồng/kg xuống chỉ còn khoảng 130.000 đồng/kg trong vòng một tuần qua.

15/06/2012
Nuôi Cá Trên Ruộng Mùa Lũ Nuôi Cá Trên Ruộng Mùa Lũ

Khi lúa thu đông đang rực vàng trên những cánh đồng vùng ĐBSCL, những người dân ở các huyện ngoại thành TP.Cần Thơ bắt đầu thả cá giống trên đồng ruộng để đón nước lũ về.

08/10/2012