Hình Thành Trung Tâm Hậu Cần Nghề Cá Cần Quy Hoạch Lại Quỹ Đất

Xây dựng trung tâm hậu cần nghề cá của tỉnh là rất cấp thiết bởi sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình đánh bắt của ngư dân, góp phần tăng hiệu quả sản xuất, tuy nhiên hiện nay kế hoạch này vẫn còn “vướng” do thiếu quỹ đất.
Khó khăn hậu cần
Mùa biển động đang đến gần nên tàu cá của ngư dân Quảng Nam liên tục cập bờ bán hải sản rồi tranh thủ thời gian tiếp nhiên liệu ra khơi đánh bắt. Dọc theo các cầu cảng tư nhân đóng trên địa bàn xã Tam Quang (Núi Thành), không khí bán mua tấp nập.
Ông Trần Bẹn (thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang), chủ 2 chiếc tàu QNa-91594 và QNa-91819 hành nghề lưới vây, chia sẻ: “Ngư dân chúng tôi bám biển quanh năm nhưng hiệu quả sản xuất không cao. Ở vụ sản xuất chính này, chi phí quá lớn mà đầu nậu lại ép giá sản phẩm nên hiệu quả chuyến biển không cao”.
Hiện tại, trên địa bàn xã Tam Quang có 6 cầu cảng do các tư nhân đầu tư xây dựng để thực hiện dịch vụ hậu cần nghề cá. Chủ các cầu cảng bán đá cây và các nhu yếu phẩm phục vụ quá trình sản xuất trên biển của ngư dân, đồng thời thu mua hải sản để bán lại cho các thương lái. Các dịch vụ hậu cần này ít nhiều đã đáp ứng nhu cầu của ngư dân, tuy nhiên tình trạng ép giá cũng thường xuyên xảy ra.
Nhiều chủ tàu cá cho biết, để có thể sản xuất trên biển, chủ tàu phải mua các nhu yếu phẩm từ các chủ cầu cảng. Do không đủ tiền mặt để thanh toán ngay các khoản mua cần thiết nên khi sản xuất trở về họ bị bắt buộc phải bán lại hải sản cho các chủ cầu cảng.
Việc ngư dân bị ép giá hải sản có nguyên nhân từ đó. Hiện tại, xã Tam Quang sở hữu hơn 350 tàu cá với tổng công suất hơn 27.200CV, tham gia sản xuất tại các ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Do địa phương chưa đầu tư được cảng cá nên quá trình sản xuất của ngư dân gặp rất nhiều khó khăn.
Vào thời điểm này, trên địa bàn xã Tam Quang đã hình thành một số cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu cá. Tuy nhiên, các cơ sở này chưa chủ động được mặt bằng và phải thuê đất của một công ty nên chưa đầu tư hạ tầng hiện đại, đồng bộ. Các triền đà của nhiều cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu cá được bố trí thiếu hợp lý.
Vào mùa nắng ráo thì nước quá cạn nên phải trầy trật lắm mới kéo được tàu lên triền đà để đưa vào sửa chữa, còn mùa mưa bão thì sóng biển tạt vào, ngư dân không dám đưa phương tiện đến vì sợ tàu hư hỏng. Ông Nguyễn Tin - Chủ tịch UBND xã Tam Quang nói: “Rất mong Sở NN&PTNT kiến nghị, tham mưu UBND tỉnh hoặc Bộ NN&PTNT quy hoạch, xây dựng nên trung tâm hậu cần nghề cá tại địa phương, giúp ngư dân ổn định hơn với nghề khai thác hải sản”.
Ông Nguyễn Minh Khả - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho biết thêm: “Xây dựng nên trung tâm hậu cần nghề cá tại xã Tam Quang cũng là hình thành trung tâm hậu cần nghề cá chung cho cả huyện Núi Thành và cả tỉnh. Đây là địa điểm thuận lợi nhất, là đầu mối sản xuất, giúp nghề cá của tỉnh phát triển”.
Sẽ đầu tư
Một nội dung quan trọng trong kế hoạch tái cơ cấu nghề khai thác hải sản Quảng Nam đến năm 2020 là hình thành trung tâm hậu cần nghề cá của tỉnh. Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT kiêm Chủ tịch Hội Nghề cá Quảng Nam cho biết: “Chủ trương đầu tư xây dựng thì đã có rồi.
Quy luật vận động nội tại của nghề cá Quảng Nam đã quy định như vậy. Việc hình thành trung tâm hậu cần nghề cá sẽ giúp ngư dân chủ động trong việc đầu tư cho mỗi chuyến ra khơi, bảo quản và bán hải sản thu hoạch được. Trung tâm hậu cần nghề cá của tỉnh hình thành sẽ góp phần nâng cao giá trị sản xuất của ngư dân, phát triển bền vững nghề khai thác hải sản.
Ông Ngô Tấn cũng cho biết, địa điểm đầu tư xây dựng hợp lý nhất là xã Tam Quang vì nơi đây có nghề cá phát triển, đồng thời từ đây việc mở rộng kết nối với các huyện, thành trong toàn tỉnh và với các tỉnh, thành khác cũng dễ dàng, thuận tiện.
Theo ông Nguyễn Văn Giỏi - Chi cục trưởng Chi cục Khai thác & bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Nam, trung tâm hậu cần nghề cá Quảng Nam sẽ được đầu tư khép kín, bao gồm toàn bộ các dịch vụ thuộc lĩnh vực hậu cần nghề cá.
Cụ thể là thu mua, bảo quản, chế biến và xuất khẩu hải sản. Cùng với đó là đóng mới, sửa chữa, cung cấp nhiên liệu, lương thực cho tàu cá... Dự án sẽ bao gồm nhiều hạng mục như nhà máy đông lạnh và chế biến hải sản, nhà máy sản xuất đá lạnh, các cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu cá và một số cửa hàng cung cấp nhiên liệu, thực phẩm, nước ngọt…
Tuy nhiên, cái khó nhất để thực hiện dự án này là phải quy hoạch lại quỹ đất do hầu như toàn bộ diện tích của xã Tam Quang đều nằm trong phạm vi quản lý của Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai. “Từ nay đến năm 2020 là một quãng thời gian tương đối dài. Bởi vậy, việc đầu tư xây dựng trung tâm hậu cần nghề cá của tỉnh cần phải được tính toán kỹ và có lộ trình hợp lý” - ông Giỏi nói.
Có thể bạn quan tâm

Đã hơn 10 năm nay, tại khu vườn của anh Phạm Văn Hà (40 tuổi) ở thôn Trà Kiệu Tây, xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, hàng trăm con gà rừng màu lông rực rỡ chạy loanh quanh dưới tán rừng trồng kiếm ăn, tối đến lại vào chuồng. Nghề nuôi gà rừng được anh Hà bắt đầu từ 7 quả trứng nhặt trong rừng đem về gây giống.

Nếu như thời điểm tháng 8/2014, nhiều tàu cá trên địa bàn thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) gặp khó khăn do giá xăng dầu tăng cao, trong khi giá các mặt hàng khai thác lại xuống thấp, thì vào thời điểm này ngư dân rất phấn khởi bởi sản lượng khai thác tăng và giá xăng dầu giảm sâu.

Ngày 5/2, tại Đồng Tháp, Hiệp hội cá tra Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức Hội thảo “Tái cấu trúc ngành cá tra gắn với tái cơ cấu nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)”. Hội thảo có sự tham gia của các đại biểu đến từ các cơ quan trung ương và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL.

Những ngày này, bà con các hộ làm mắm truyền thống ở Nam Ô, quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) đang tất bật hoàn tất những công đoạn cuối cùng như chắt lọc, đóng chai, dán nhãn... để kịp đưa sản phẩm ra thị trường phục vụ Tết. Không khí rộn ràng tràn ngập khắp làng nghề nước mắm đã nức tiếng từ thuở nào.

Năm qua, sự cạnh tranh khốc liệt để giành lấy thị trường của các doanh nghiệp (DN) chế biến xuất khẩu cá tra ngày càng tăng, các rào cản kỹ thuật đối với thương mại của các nước nhập khẩu ngày càng nhiều, các yêu cầu, điều kiện ngày càng khắc khe... nhưng DN xuất khẩu cá tra trong tỉnh Đồng Tháp đã năng động trong việc tìm kiếm thị trường mới.