Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Hiệu quả vườn chuyên canh ở xã Long Khánh

Hiệu quả vườn chuyên canh ở xã Long Khánh
Ngày đăng: 29/10/2015

Đến thời điểm này, xã Long Khánh, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang đã trồng được 1.323 ha vườn cây ăn trái, trong đó, sầu riêng chiếm 820 ha, bưởi da xanh 68 ha, mít thái siêu sớm 435 ha, sản lượng bình quân đạt 18.000 tấn/năm.

Những năm qua, xã vận động nhân dân đóng góp hàng trăm triệu đồng xây dựng đê bao hoàn chỉnh, khuyến khích nông dân mạnh dạn cải tạo đất và trồng mới cây ăn trái.

Đối với diện tích trồng mới tận dụng đất trống trồng lúa và hoa màu theo phương thức lấy ngắn nuôi dài, điển hình như ấp Mỹ Vĩnh, Hòa Nhơn, Phú Hiệp và Hòa Nghĩa.

Hiện toàn xã có nhiều diện tích sầu riêng trên 10 năm tuổi, cây phát triển tốt cho năng suất ổn định.

Ông Nguyễn Văn Bỉnh ở ấp Mỹ Vĩnh cho biết: Trước đây, gia đình canh tác 6 công ruộng, sản xuất 3 vụ lúa/năm, hiệu quả kinh tế thấp.

Năm 2002, sau khi có ô bao khép kín và được tập huấn khuyến nông, ông lên liếp trồng 120 gốc sầu riêng hạt lép giống Ri 6 và Monthong, dưới ruộng trồng hoa màu, khi cây cho trái chiến, ông đào mương để tiện chăm sóc.

Tuy nhiên, nếu để cho cây ra hoa mùa thuận, hàng dội chợ bán giá không cao, nên ông đã chủ động xử lý cây ra hoa trái vụ, khắc phục tình trạng "được mùa, thất giá".

Hàng năm, khoảng tháng 3 âm lịch, ông xiết nước cạn trong mương, dùng màng nylon phủ kín gốc, phun thuốc kích thích giúp cây ra hoa, thời điểm từ tháng 9 đến tháng 1 âm lịch, sầu riêng bán bình quân 40.000 đồng/kg, thu lợi nhuận trên 200 triệu đồng/năm, ông xây được nhà ở kiên cố, nuôi các con ăn học đến nơi đến chốn.

Anh Nguyễn Văn Tưởng ở ấp Phú Hòa chuyển 4 công đất trồng lúa sang trồng bưởi da xanh, anh chủ động xử lý mùa nghịch, khoảng tháng Chạp thu hoạch để bán trong dịp Tết Nguyên đán, trừ chi phí, anh thu lãi vài chục triệu đồng/năm.

Ngoài ra, xã kết hợp với ngành nông nghiệp chú trọng chuyển giao khoa học - kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ăn trái, các mô hình sản xuất đạt hiệu quả, giúp nông dân nâng cao mức sống gia đình từ hiệu quả vườn cây ăn trái; đồng thời vận động nhân dân đóng góp kinh phí làm thủy lợi nội đồng, đắp đê bao đề phòng triều cường dâng cao, bảo vệ vườn cây ăn trái, giúp nhà vườn an tâm sản xuất.

Qua đó, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 2,87%, hộ khá, giàu chiếm trên 90%.

Đến nay, xã đạt 9/19 tiêu chí xã nông thôn mới, phấn đấu đến cuối năm 2015 đạt 11/19 tiêu chí.

Thực hiện tốt cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, giữ vững các tiêu chí xã văn hóa nông thôn mới, tạo tiền đề để xã Long Khánh hoàn thành các tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới vào năm 2018.


Có thể bạn quan tâm

Hướng Đi Mới Cho Chăn Nuôi Dê, Cừu Hướng Đi Mới Cho Chăn Nuôi Dê, Cừu

Từ sau cơn biến động rớt giá trong những năm 2005, 2006 làm các trang trại và người chăn nuôi lao đao, thì hiện nay dê, cừu đã dần lấy lại vị thế với tổng đàn ngày càng tăng.

30/07/2013
Sâu Đục Trái Gây Hư Hại Mít Trồng Sâu Đục Trái Gây Hư Hại Mít Trồng

Vừa qua, tại thôn Tầm Ngân 2, xã Lâm Sơn (Ninh Sơn - Ninh Thuận) có khoảng 3 sào mít, trong đó có 15% cây mít đang mùa thu hoạch bị sâu đục trái gây hư hại.

31/05/2013
Nhân Rộng Mô Hình Sản Xuất Hiệu Quả Trong Vụ Hè-Thu Nhân Rộng Mô Hình Sản Xuất Hiệu Quả Trong Vụ Hè-Thu

Trong sản xuất vụ hè-thu năm nay, với tổng diện tích gieo trồng toàn tỉnh trên 23.000 ha, nhờ thời tiết diễn biến có chiều hướng tương đối thuận lợi, Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã triển khai thực hiện các mô hình, dự án sản xuất mới và chuyển tiếp từ năm trước.

30/07/2013
Hiệu Quả Dự Án Cây Rau Vụ Đông Ở Sơn Dương Hiệu Quả Dự Án Cây Rau Vụ Đông Ở Sơn Dương

Theo phòng NN và PTNT huyện Sơn Dương, từ nguồn kinh phí của Nhà nước, năm 2011, huyện triển khai thực hiện Dự án phát triển cây rau vụ đông tại 7 xã với tổng diện tích trên 76,5 ha, gồm: Xã Trung Yên, Minh Thanh, Tân Trào, Vĩnh Lợi, Sơn Nam, Chi Thiết và thị trấn Sơn Dương.

27/07/2013
Nông Dân Tâm Sự Trồng Lúa Vụ 3 Nông Dân Tâm Sự Trồng Lúa Vụ 3

Ngày 30/5 sắp sạ lúa trong đất 3 vụ, khi được tôi hỏi có thích làm 3 vụ hay không thì anh Ba Lố một nông dân làm ruộng cạnh tôi trả lời rằng: "Ở không chẳng biết làm gì, người ta làm mình phải làm theo, chẳng lẽ bỏ ruộng không làm, chứ giá lúa thấp như vầy, giá vật tư lại cao như vậy, thì hổng có ham làm 3 vụ một chút nào cả, giá lúa vầy hoài chắc gia đình tôi phải lên Bình Dương kiếm sống, chớ làm ruộng sống không nổi".

01/06/2013