Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Hiệu Quả Từ Trồng Tỏi, Hành

Hiệu Quả Từ Trồng Tỏi, Hành
Ngày đăng: 04/11/2014

Những năm gần đây, tỏi trở thành cây trồng chủ lực của nông dân thôn Xuân Đông và Xuân Tây (Vạn Hưng, Vạn Ninh, Khánh Hòa). Nông dân khu vực này đang mạnh dạn đầu tư trồng thí điểm cây hành, bước đầu mang lại hiệu quả...

San đồi trồng tỏi

Rời Quảng Ngãi vào Ninh Phước, Ninh Hòa sống từ những năm 1990, gia đình anh Bùi Dân cũng là những cư dân đầu tiên mang tỏi Lý Sơn vào trồng. Cây tỏi đã mang lại hiệu quả kinh tế cao và cho anh một số vốn để phát triển. Khi người dân tại khu vực này trồng nhiều tỏi, anh đã đi khảo sát địa hình tại khu vực thôn Xuân Đông (Vạn Hưng, Vạn Ninh) và quyết định chuyển về đây lập nghiệp vào năm 2006.

“Lúc mới về khu vực thôn Xuân Đông, tôi mua hơn 3ha đất đồi. Với ý định trồng tỏi, tôi thuê máy múc san ủi, cải tạo thành những diện tích vuông vắn; phía dưới tận dụng lớp đất bazan, phía trên phủ một lớp đất cát dày từ 2 - 3cm để tạo độ tơi xốp và giữ độ ẩm.

Cách làm này nhằm giữ lại độ màu cho đất, tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích. Đồng thời, để cây tỏi cho năng suất cao và giảm công lao động, tôi đã đầu tư hệ thống tưới nước tự động, vừa tiết kiệm được thời gian, nguồn nước mà cùng lúc tưới được diện tích lớn so với cách tưới thông thường. Gia đình tôi bỏ ra chi phí đầu tư gần 1 tỷ đồng”.

Với cách làm khoa học, lại chọn được giống tỏi tốt từ đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), ngay năm đầu tiên, anh Dân đã trúng lớn, trừ chi phí lãi hơn 200 triệu đồng. Thấy địa hình, thổ nhưỡng cũng như khí hậu thuận lợi, tỏi cho năng suất cao, gia đình anh Dân mở rộng diện tích lên hơn 1,5ha.

“Hiện tại, với 1,5ha trồng tỏi, chi phí cho một vụ khoảng 130 triệu đồng, trung bình thu được 15 tấn. Giá tỏi khô khá ổn định, trung bình từ 60 đến 70.000 đồng/kg. Tính ra, với sản lượng ấy, mỗi vụ tỏi gia đình tôi lãi từ 300 đến 500 triệu đồng” - anh Dân nói.

Từ hiệu quả của việc trồng tỏi trên đồi của anh Dân, những năm gần đây, người dân thôn Xuân Đông và Xuân Tây đã học tập kinh nghiệm của anh về áp dụng tại gia đình mình. Anh Trần Trung Tiến, thôn Xuân Đông cho biết, gia đình anh có 12 sào đất để trồng bắp nhưng không hiệu quả.

Sau khi tham quan nhiều nơi, anh Tiến đã chọn tỏi là cây trồng chính. Và lập tức cây tỏi đã mang lại thu nhập ổn định cho gia đình anh. Bình quân mỗi vụ, gia đình anh lãi hơn 200 triệu đồng. Từ chỗ thuộc diện hộ nghèo, đến nay, gia đình anh Tiến đã có của ăn của để. Năm 2013, anh trở thành hội viên nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh.

Theo thống kê chưa chính thức, hiện trên địa bàn xã Vạn Hưng có hơn 100 hộ trồng tỏi với diện tích khoảng 42ha, tập trung chủ yếu ở 2 thôn Xuân Đông và Xuân Tây.

Thí điểm trồng hành

Tỏi thường được trồng vào tháng 9 âm lịch, đến hết tháng Giêng năm sau là thu hoạch. Vì vậy, thời gian đất bỏ không rất dài. Lúc đầu, người dân nơi đây đã trồng thêm đậu phụng và dưa hấu để tăng thu nhập nhưng hiệu quả kinh tế không cao. 2 năm trở lại đây, những gia đình trồng tỏi đã mạnh dạn đầu tư, thí điểm trồng hành trái vụ. Và bước đầu đã có những hiệu quả nhất định.

Tháng 4-2013, anh Dân xuống giống, đầu tư trồng thí điểm 10 sào hành với chi phí hơn 50 triệu đồng. Hành phát triển khá tốt, sau hơn 2 tháng thì thu hoạch. Năng suất đạt khá, vào khoảng 10 tấn/ha. Tuy nhiên, do thị trường hành không ổn định, giá xuống thấp chỉ khoảng 15.000 đến 20.000 đồng/kg. Vì vậy sau khi trừ chi phí, gia đình anh chỉ lãi hơn 35 triệu đồng. “Đầu tư trồng hành cao hơn trồng tỏi.

Hơn nữa, trồng hành đòi hỏi kỹ thuật cao và thời tiết phải thuận lợi; đặc biệt, thị trường đầu ra phải ổn định. Nếu không hội đủ các yếu tố ấy thì chắc chắn sẽ thất bại. Tuy nhiên nếu chỉ trồng tỏi, thời gian đất bỏ không dài, nên mình phải tìm cách để phát triển kinh tế” - anh Dân chia sẻ.

Cũng như anh Dân, năm nay gia đình anh Lê Văn Hiền thí điểm trồng 3 sào hành. Tuy nhiên, sau khi trừ chi phí thì chỉ lấy công làm lãi vì giá hành xuống thấp. “Tôi mong cơ quan chức năng hướng dẫn kỹ thuật trồng hành để bà con có thể tận dụng đất phát triển kinh tế. Thực tế thì ngoài giá thấp, do chưa có kinh nghiệm nên năng suất hành của gia đình tôi không cao. Tôi hy vọng thời gian tới, các cấp, ngành có biện pháp giúp người nông dân có đầu ra ổn định cho cây hành” - ông Hiền nói.

Năm nay, tại 2 thôn Xuân Đông và Xuân Tây có hơn 10 gia đình thí điểm trồng hành trên diện tích 3ha. Tuy hiệu quả kinh tế không được như mong đợi nhưng hầu hết các gia đình đều cho biết vụ tới sẽ tiếp tục đầu tư trồng hành.

Ông Phan Văn Yên - Chủ tịch Hội Nông dân xã Vạn Hưng: Việc trồng tỏi trên đất đồi đã mang lại hiệu quả cao, tăng thu nhập cho người nông dân. Tại khu vực này, tỏi thực sự trở thành cây trồng chủ lực. Thời gian tới, chúng tôi sẽ khuyến khích mở rộng diện tích trên địa bàn xã; đầu tư bài bản để nâng cao chất lượng tỏi. Đối với hành, vì là cây trồng mới đưa vào thí điểm, nên chúng tôi sẽ nghiên cứu, hỗ trợ nông dân để hành Vạn Ninh có chỗ đứng trên thị trường.


Có thể bạn quan tâm

An toàn từ biển đến bờ An toàn từ biển đến bờ

Bảo quản hải sản an toàn, không chỉ nâng cao giá trị sản phẩm mà còn góp phần nâng cao hiệu quả nghề đánh bắt xa bờ.

28/07/2015
Xuất khẩu cá tra giành lại thị trường EU Xuất khẩu cá tra giành lại thị trường EU

Sự liên tục sụt giảm kim ngạch xuất khẩu (XK) cá tra vào thị trường EU trong nửa năm qua đã gióng lên hồi chuông báo động cho các DN thủy sản về công tác thị trường cũng như năng lực cạnh tranh.

28/07/2015
Nuôi rắn ri voi trong bể xi-măng Nuôi rắn ri voi trong bể xi-măng

Những năm gần đây, phong trào nuôi rắn ri voi (ri tượng) phát triển mạnh ở Cà Mau và các tỉnh ÐBSCL. Giá rắn ri voi thương phẩm và rắn giống rất cao, nên nhiều bà con quan tâm và chọn nuôi loài động vật này để phát triển kinh tế. Nhiều kiểu nuôi rắn được áp dụng như: nuôi trong khạp, trong lưới, trong bể xi-măng, trong ao đất…

28/07/2015
Văn Lãng phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa Văn Lãng phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa

Những năm gần đây, tận dụng tiềm năng, lợi thế đất đai, nông dân xã Văn Lãng, huyện Yên Bình (Yên Bái) đã mạnh dạn đầu tư phát triển các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng sản xuất hàng hóa, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

28/07/2015
Hiệu quả từ mô hình chăn nuôi gà trên đệm lót sinh học ở Hưng Yên Hiệu quả từ mô hình chăn nuôi gà trên đệm lót sinh học ở Hưng Yên

Với những ưu điểm nổi bật như phòng tránh dịch bệnh, chất thải tự tiêu, tiết kiệm nhân công, giảm chi phí đầu vào, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp tạo nguồn phân bón hữu cơ an toàn phục vụ cho sản xuất trồng trọt… đệm lót sinh học (ĐLSH) đang được nhiều hộ chăn nuôi gà trên địa bàn tỉnh Hưng Yên sử dụng.

28/07/2015