Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Hiệu Quả Từ Trồng Tỏi, Hành

Hiệu Quả Từ Trồng Tỏi, Hành
Ngày đăng: 04/11/2014

Những năm gần đây, tỏi trở thành cây trồng chủ lực của nông dân thôn Xuân Đông và Xuân Tây (Vạn Hưng, Vạn Ninh, Khánh Hòa). Nông dân khu vực này đang mạnh dạn đầu tư trồng thí điểm cây hành, bước đầu mang lại hiệu quả...

San đồi trồng tỏi

Rời Quảng Ngãi vào Ninh Phước, Ninh Hòa sống từ những năm 1990, gia đình anh Bùi Dân cũng là những cư dân đầu tiên mang tỏi Lý Sơn vào trồng. Cây tỏi đã mang lại hiệu quả kinh tế cao và cho anh một số vốn để phát triển. Khi người dân tại khu vực này trồng nhiều tỏi, anh đã đi khảo sát địa hình tại khu vực thôn Xuân Đông (Vạn Hưng, Vạn Ninh) và quyết định chuyển về đây lập nghiệp vào năm 2006.

“Lúc mới về khu vực thôn Xuân Đông, tôi mua hơn 3ha đất đồi. Với ý định trồng tỏi, tôi thuê máy múc san ủi, cải tạo thành những diện tích vuông vắn; phía dưới tận dụng lớp đất bazan, phía trên phủ một lớp đất cát dày từ 2 - 3cm để tạo độ tơi xốp và giữ độ ẩm.

Cách làm này nhằm giữ lại độ màu cho đất, tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích. Đồng thời, để cây tỏi cho năng suất cao và giảm công lao động, tôi đã đầu tư hệ thống tưới nước tự động, vừa tiết kiệm được thời gian, nguồn nước mà cùng lúc tưới được diện tích lớn so với cách tưới thông thường. Gia đình tôi bỏ ra chi phí đầu tư gần 1 tỷ đồng”.

Với cách làm khoa học, lại chọn được giống tỏi tốt từ đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), ngay năm đầu tiên, anh Dân đã trúng lớn, trừ chi phí lãi hơn 200 triệu đồng. Thấy địa hình, thổ nhưỡng cũng như khí hậu thuận lợi, tỏi cho năng suất cao, gia đình anh Dân mở rộng diện tích lên hơn 1,5ha.

“Hiện tại, với 1,5ha trồng tỏi, chi phí cho một vụ khoảng 130 triệu đồng, trung bình thu được 15 tấn. Giá tỏi khô khá ổn định, trung bình từ 60 đến 70.000 đồng/kg. Tính ra, với sản lượng ấy, mỗi vụ tỏi gia đình tôi lãi từ 300 đến 500 triệu đồng” - anh Dân nói.

Từ hiệu quả của việc trồng tỏi trên đồi của anh Dân, những năm gần đây, người dân thôn Xuân Đông và Xuân Tây đã học tập kinh nghiệm của anh về áp dụng tại gia đình mình. Anh Trần Trung Tiến, thôn Xuân Đông cho biết, gia đình anh có 12 sào đất để trồng bắp nhưng không hiệu quả.

Sau khi tham quan nhiều nơi, anh Tiến đã chọn tỏi là cây trồng chính. Và lập tức cây tỏi đã mang lại thu nhập ổn định cho gia đình anh. Bình quân mỗi vụ, gia đình anh lãi hơn 200 triệu đồng. Từ chỗ thuộc diện hộ nghèo, đến nay, gia đình anh Tiến đã có của ăn của để. Năm 2013, anh trở thành hội viên nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh.

Theo thống kê chưa chính thức, hiện trên địa bàn xã Vạn Hưng có hơn 100 hộ trồng tỏi với diện tích khoảng 42ha, tập trung chủ yếu ở 2 thôn Xuân Đông và Xuân Tây.

Thí điểm trồng hành

Tỏi thường được trồng vào tháng 9 âm lịch, đến hết tháng Giêng năm sau là thu hoạch. Vì vậy, thời gian đất bỏ không rất dài. Lúc đầu, người dân nơi đây đã trồng thêm đậu phụng và dưa hấu để tăng thu nhập nhưng hiệu quả kinh tế không cao. 2 năm trở lại đây, những gia đình trồng tỏi đã mạnh dạn đầu tư, thí điểm trồng hành trái vụ. Và bước đầu đã có những hiệu quả nhất định.

Tháng 4-2013, anh Dân xuống giống, đầu tư trồng thí điểm 10 sào hành với chi phí hơn 50 triệu đồng. Hành phát triển khá tốt, sau hơn 2 tháng thì thu hoạch. Năng suất đạt khá, vào khoảng 10 tấn/ha. Tuy nhiên, do thị trường hành không ổn định, giá xuống thấp chỉ khoảng 15.000 đến 20.000 đồng/kg. Vì vậy sau khi trừ chi phí, gia đình anh chỉ lãi hơn 35 triệu đồng. “Đầu tư trồng hành cao hơn trồng tỏi.

Hơn nữa, trồng hành đòi hỏi kỹ thuật cao và thời tiết phải thuận lợi; đặc biệt, thị trường đầu ra phải ổn định. Nếu không hội đủ các yếu tố ấy thì chắc chắn sẽ thất bại. Tuy nhiên nếu chỉ trồng tỏi, thời gian đất bỏ không dài, nên mình phải tìm cách để phát triển kinh tế” - anh Dân chia sẻ.

Cũng như anh Dân, năm nay gia đình anh Lê Văn Hiền thí điểm trồng 3 sào hành. Tuy nhiên, sau khi trừ chi phí thì chỉ lấy công làm lãi vì giá hành xuống thấp. “Tôi mong cơ quan chức năng hướng dẫn kỹ thuật trồng hành để bà con có thể tận dụng đất phát triển kinh tế. Thực tế thì ngoài giá thấp, do chưa có kinh nghiệm nên năng suất hành của gia đình tôi không cao. Tôi hy vọng thời gian tới, các cấp, ngành có biện pháp giúp người nông dân có đầu ra ổn định cho cây hành” - ông Hiền nói.

Năm nay, tại 2 thôn Xuân Đông và Xuân Tây có hơn 10 gia đình thí điểm trồng hành trên diện tích 3ha. Tuy hiệu quả kinh tế không được như mong đợi nhưng hầu hết các gia đình đều cho biết vụ tới sẽ tiếp tục đầu tư trồng hành.

Ông Phan Văn Yên - Chủ tịch Hội Nông dân xã Vạn Hưng: Việc trồng tỏi trên đất đồi đã mang lại hiệu quả cao, tăng thu nhập cho người nông dân. Tại khu vực này, tỏi thực sự trở thành cây trồng chủ lực. Thời gian tới, chúng tôi sẽ khuyến khích mở rộng diện tích trên địa bàn xã; đầu tư bài bản để nâng cao chất lượng tỏi. Đối với hành, vì là cây trồng mới đưa vào thí điểm, nên chúng tôi sẽ nghiên cứu, hỗ trợ nông dân để hành Vạn Ninh có chỗ đứng trên thị trường.


Có thể bạn quan tâm

Người Phụ Nữ “Quyết Tâm Với Nấm Linh Chi” Người Phụ Nữ “Quyết Tâm Với Nấm Linh Chi”

Riêng cô Huỳnh Kim Đào quyết tâm tìm hiểu, dự hội thảo về khoa học kỹ thuật, tự tích lũy kinh nghiệm để tiếp tục theo đuổi cây nấm linh chi. Mặt khác, cô tự tìm đến các công ty sản xuất phôi để tìm phôi giống, đồng thời lo luôn đầu ra cho sản phẩm.

28/10/2014
Hậu Giang Hỗ Trợ 99 Máy Gặt Đập Liên Hợp Cho Nông Dân Hậu Giang Hỗ Trợ 99 Máy Gặt Đập Liên Hợp Cho Nông Dân

Với việc triển khai Đề án cơ giới hóa đã góp phần đáng kể trong việc giảm chi phí, giảm giá thành, tăng lợi nhuận cho người trồng lúa (bình quân giảm 4,3 triệu đồng/ha so với thu hoạch thủ công). Tổng nguồn vốn mà người dân vay để mua máy gặt đập liên hợp là 34,227 tỉ đồng.

28/10/2014
Trồng Chanh Lai Bông Tím Mang Lại Thu Nhập Khá Trồng Chanh Lai Bông Tím Mang Lại Thu Nhập Khá

Chanh lai bông tím là loại cây khá dễ trồng, thời gian sinh trưởng ngắn, tỷ lệ đậu trái và năng suất cao, đặc biệt được thị trường ưa chuộng. Chanh lai bông tím được xem là giải pháp tốt giúp bà con nhà vườn huyện Châu Thành (Đồng Tháp) phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch chổi rồng trên nhãn.

28/10/2014
Điện Lực Bình Thuận Đồng Hành Cùng Nông Dân Trồng Thanh Long Điện Lực Bình Thuận Đồng Hành Cùng Nông Dân Trồng Thanh Long

Những năm gần đây, nhu cầu sử dụng điện chong đèn kích thích thanh long ra hoa trái vụ trên tỉnh Bình Thuận liên tục tăng với tốc độ cao. Trước sự tăng trưởng của phụ tải thanh long, ngoài việc nỗ lực đầu tư của ngành điện, Điện lực Bình Thuận (PC Bình Thuận) đã có nhiều chương trình hỗ trợ tích cực cho nông dân.

28/10/2014
Thanh Long Ruột Trắng Mùa Nghịch Tăng Giá Mạnh Thanh Long Ruột Trắng Mùa Nghịch Tăng Giá Mạnh

Hiện nay, thanh long ruột trắng đang ở thời điểm nghịch mùa, trong khi thanh long ruột đỏ vẫn còn cho trái mùa thuận nên giá hai loại thanh long này chênh lệch nhau không nhiều. Tuy nhiên, giá thanh long thời điểm này ở mức rất cao, nhất là thanh long ruột trắng nên nông dân trồng thanh long rất phấn khởi do có lợi nhuận cao.

28/10/2014