Hiệu Quả Từ Trồng Khoai Tây Atlantic

Những ngày đầu xuân mới, cùng với việc tập trung gieo cấy lúa xuân, nông dân một số địa phương của huyện Đông Triều (Quảng Ninh) đang khẩn trương thu hoạch giống khoai tây Atlantic để đảm bảo thời vụ. Đây là vụ thứ hai, giống khoai tây này được trồng ở đồng đất Đông Triều do các công ty của Hàn Quốc bao tiêu sản phẩm.
Tại xã Bình Dương, không khí thu mua giống khoai tây Atlantic diễn ra nhộn nhịp. Sau khi thu hoạch khoai tây tại ruộng, các bao khoai tây lớn, nhỏ được bà con chất đầy trên các xe máy, xe tải, xe cải tiến kéo đến điểm thu mua tập trung thôn Bình Sơn Tây.
Anh Đoàn Văn Cấp, thôn Bình Sơn Tây, xã Bình Dương vừa cho khoai tây vào bao để cân, vừa cho biết: Đây là năm thứ hai gia đình trồng giống khoai này. Năm trước nhà tôi trồng 3 sào, năm nay đã có kinh nghiệm, nên mạnh dạn mở rộng diện tích trồng 5 sào.
So với các loại cây màu khác trong vụ đông thì khoai tây cho năng suất cao hơn và với giá thu mua 6.300 đồng/kg khoai tây, mỗi sào khoai mang lại thu nhập bình quân cho gia đình trên 2 triệu đồng, cao hơn 700.000 đồng/sào so với trồng su hào, bắp cải...
Thực hiện chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng và tiếp tục đổi mới tổ chức sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, vụ đông năm 2013, huyện Đông Triều đã ký kết với Công ty Orion của Hàn Quốc trồng khoai tây Atlantic.
Toàn huyện có 51ha khoai tây Atlantic được trồng tại các xã Bình Dương, Kim Sơn, Xuân Sơn, Việt Dân, trong đó tập trung nhiều ở xã Bình Dương. Atlantic là giống khoai tây được nhập từ Mỹ, có nhiều đặc tính nông học tốt, cho năng suất cao. Đây cũng là giống khoai chín sớm, tạo củ sớm và nhanh, nên quy trình chăm sóc cũng khác biệt so với các giống khoai trước đây trồng tại Đông Triều.
Tham gia mô hình, các hộ nông dân đã được ứng giống trước, sau thu hoạch thanh toán giống bằng đổi trừ sản phẩm và được bao tiêu sản phẩm đầu ra. Sau gần 4 tháng trồng và chăm sóc, đến nay, giống khoai tây này đã cho thu hoạch với năng suất bình quân 16 tấn/ha. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của thời tiết nên có đến 30% diện tích khoai tây Atlantic củ bị nứt vỡ, không đạt tiêu chuẩn thu mua.
Ông Bùi Văn Hanh, Phó Phòng NN&PTNT huyện Đông Triều cho biết: Chủ trương của huyện là thu mua toàn bộ lượng khoai tây đạt tiêu chuẩn theo ký kết với Công ty Orion Hàn Quốc, đóng thành từng bao lớn, còn đối với lượng khoai nứt vỡ, các xã sẽ hướng dẫn bà con nông dân phân loại đóng bao loại nhỏ, cho vào kho lạnh, bảo quản, dự trữ làm giống cho vụ sau.
Việc Đông Triều triển khai trồng khoai tây liên doanh với Hàn Quốc trong vụ đông 2013 đã tạo sự liên kết chặt chẽ giữa 4 “nhà” trong sản xuất rau màu đảm bảo chất lượng an toàn, làm nguyên liệu xuất khẩu sang Hàn Quốc và đóng góp tích cực vào việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng vụ đông, thâm canh tăng vụ, đổi mới phương thức sản xuất, tăng thu nhập cho người nông dân trên địa bàn huyện trong chương trình xây dựng nông thôn mới.
Có thể bạn quan tâm

Cây chôm chôm là loại cây ăn quả được trồng nhiều ở miền Nam nước ta; là loại cây ưa chuộng đất thịt pha cát hay pha sét, tầng canh tác dày, giàu dinh dưỡng và thoát nước tốt; thích hợp với những nơi có điều kiện khí hậu nóng ẩm, lượng mưa phân bố hằng năm khoảng 2.000mm…

Hơn 30 tuổi, có trong tay gần 2.000 gốc cam và quất, vườn cây ăn quả của anh Vũ Văn Dũng, phường Lĩnh Nam, Hoàng Mai, Hà Nội là địa chỉ cho nhiều ND đến tham quan, học hỏi.

Sáng 15/6, Phòng NN-PTNT huyện Sơn Hòa phối hợp với Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh và Nhà máy sản xuất tinh bột sắn Đồng Xuân tổ chức tập huấn phòng trừ bệnh nhện đỏ, chổi rồng và rệp sáp hồng trên cây sắn cho 65 học viên là cán bộ và người dân các xã Sơn Hội, Sơn Long, Sơn Định, Sơn Xuân, Cà Lúi, Phước Tân.

Nếu như ở nhiều nơi để thu hút thiên địch, nông dân thường áp dụng trồng hoa trên bờ mẫu, thì một số nông dân thuộc tổ hợp tác sản xuất ấp 7, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy tận dụng đất bờ bao để trồng dưa hấu vừa có lợi về môi trường, vừa cho hiệu quả về kinh tế.

Trước đây mỗi lần nhắc đến Thanh Tiến, một thôn Công giáo toàn tòng nằm bên phía bắc bờ con sông Gianh, thuộc xã Tiến Hoá, huyện Tuyên Hoá, người ta lại nghĩ ngay đến một vùng quê nghèo vốn sinh sống chủ yếu bằng các nghề khai thác vật liệu xây dựng.