Hiệu Quả Từ Trồng Khoai Tây Atlantic

Những ngày đầu xuân mới, cùng với việc tập trung gieo cấy lúa xuân, nông dân một số địa phương của huyện Đông Triều (Quảng Ninh) đang khẩn trương thu hoạch giống khoai tây Atlantic để đảm bảo thời vụ. Đây là vụ thứ hai, giống khoai tây này được trồng ở đồng đất Đông Triều do các công ty của Hàn Quốc bao tiêu sản phẩm.
Tại xã Bình Dương, không khí thu mua giống khoai tây Atlantic diễn ra nhộn nhịp. Sau khi thu hoạch khoai tây tại ruộng, các bao khoai tây lớn, nhỏ được bà con chất đầy trên các xe máy, xe tải, xe cải tiến kéo đến điểm thu mua tập trung thôn Bình Sơn Tây.
Anh Đoàn Văn Cấp, thôn Bình Sơn Tây, xã Bình Dương vừa cho khoai tây vào bao để cân, vừa cho biết: Đây là năm thứ hai gia đình trồng giống khoai này. Năm trước nhà tôi trồng 3 sào, năm nay đã có kinh nghiệm, nên mạnh dạn mở rộng diện tích trồng 5 sào.
So với các loại cây màu khác trong vụ đông thì khoai tây cho năng suất cao hơn và với giá thu mua 6.300 đồng/kg khoai tây, mỗi sào khoai mang lại thu nhập bình quân cho gia đình trên 2 triệu đồng, cao hơn 700.000 đồng/sào so với trồng su hào, bắp cải...
Thực hiện chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng và tiếp tục đổi mới tổ chức sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, vụ đông năm 2013, huyện Đông Triều đã ký kết với Công ty Orion của Hàn Quốc trồng khoai tây Atlantic.
Toàn huyện có 51ha khoai tây Atlantic được trồng tại các xã Bình Dương, Kim Sơn, Xuân Sơn, Việt Dân, trong đó tập trung nhiều ở xã Bình Dương. Atlantic là giống khoai tây được nhập từ Mỹ, có nhiều đặc tính nông học tốt, cho năng suất cao. Đây cũng là giống khoai chín sớm, tạo củ sớm và nhanh, nên quy trình chăm sóc cũng khác biệt so với các giống khoai trước đây trồng tại Đông Triều.
Tham gia mô hình, các hộ nông dân đã được ứng giống trước, sau thu hoạch thanh toán giống bằng đổi trừ sản phẩm và được bao tiêu sản phẩm đầu ra. Sau gần 4 tháng trồng và chăm sóc, đến nay, giống khoai tây này đã cho thu hoạch với năng suất bình quân 16 tấn/ha. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của thời tiết nên có đến 30% diện tích khoai tây Atlantic củ bị nứt vỡ, không đạt tiêu chuẩn thu mua.
Ông Bùi Văn Hanh, Phó Phòng NN&PTNT huyện Đông Triều cho biết: Chủ trương của huyện là thu mua toàn bộ lượng khoai tây đạt tiêu chuẩn theo ký kết với Công ty Orion Hàn Quốc, đóng thành từng bao lớn, còn đối với lượng khoai nứt vỡ, các xã sẽ hướng dẫn bà con nông dân phân loại đóng bao loại nhỏ, cho vào kho lạnh, bảo quản, dự trữ làm giống cho vụ sau.
Việc Đông Triều triển khai trồng khoai tây liên doanh với Hàn Quốc trong vụ đông 2013 đã tạo sự liên kết chặt chẽ giữa 4 “nhà” trong sản xuất rau màu đảm bảo chất lượng an toàn, làm nguyên liệu xuất khẩu sang Hàn Quốc và đóng góp tích cực vào việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng vụ đông, thâm canh tăng vụ, đổi mới phương thức sản xuất, tăng thu nhập cho người nông dân trên địa bàn huyện trong chương trình xây dựng nông thôn mới.
Có thể bạn quan tâm

Với diện tích đất sản xuất gần 1.000m2, anh Nguyễn Đức Trọng đội 19, xã Thanh Hưng (huyện Điện Biên) trước đây chỉ trồng ngô, khoai, hiệu quả kinh tế không cao, chưa kể những năm mất mùa. Gia đình 4 miệng ăn chỉ trông chờ vào 2 vụ thu hoạch ngô, cuộc sống rất khó khăn. Từ năm 2000, gia đình anh chuyển sang trồng rau, tuy vất vả hơn trồng ngô, khoai nhưng hiệu quả kinh tế bắt đầu khởi sắc dần.

Vài tháng qua, tại một số xã giáp biển của huyện Hòn Đất (Kiên Giang), nhiều ngư dân đã chuyển hẳn từ bắt cá, ghẹ sang đánh bắt con banh lông, một loài thủy sản còn xa lạ với người dân Kiên Giang. Đã xuất hiện dấu hiệu bất thường, trong khi đó chính quyền địa phương và các ngành chức năng còn lúng túng.

Tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản 4 tháng đầu năm đạt 32.666 tấn, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2013 (khai thác 16.405 tấn, tăng 7,8%; nuôi trồng 16.261 tấn, tăng 9,6%).

Theo các chủ tàu cá trên địa bàn tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, hiện nay lượng cá sau khi đánh bắt vẫn còn phải bảo quản theo phương pháp truyền thống nên khả năng giữ lạnh thấp, ảnh hưởng đến chất lượng và giá thành sản phẩm. Muốn khắc phục những hạn chế trên, cần áp dụng công nghệ và quy trình tiên tiến để bảo quản sản phẩm trên tàu cá.

Diện tích trồng cây thanh long đang phát triển với tốc độ nhanh, tự phát, không theo quy hoạch, đã làm phát sinh nhiều bất cập trong tổ chức, quản lý điều hành, chỉ đạo sản xuất, gây nhiều khó khăn trong việc bảo vệ đất trồng lúa và các loại cây trồng đặc sản truyền thống khác. Nếu không có các giải pháp đồng bộ, kiên quyết sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy khó lường...