Hiệu Quả Từ Những Mô Hình Sản Xuất Mới

Ngoài những mô hình sản xuất truyền thống, thời gian qua ở Bạc Liêu, những mô hình sản xuất mới đã đem lại hiệu quả thiết thực và đang từng bước phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Và cũng từ đó, ngày càng có nhiều nông dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Hiệu quả kinh tế cao
Thời gian qua, nhiều nông dân đã mạnh dạn đầu tư, phát triển mô hình sản xuất mới, đem lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững về môi trường sinh thái. Không ít hộ nông dân ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu từ mô hình nuôi tôm sú thâm canh, bán thâm canh.
Hiện nay, diện tích nuôi tôm sú thâm canh, bán thâm canh toàn tỉnh là 10.200ha. Với mật độ thả 15 - 25 con/m2, năng suất thu hoạch trung bình đạt 2,5 - 6 tấn/ha, mô hình này cho lợi nhuận từ 350 - 400 triệu đồng/ha.
Ông Phạm Văn Chu (xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu) chia sẻ: “Tôi nuôi tôm theo mô hình GAP, 13 ao tôm của tôi được đầu tư máy móc hiện đại. Do đó, không chỉ sản phẩm có chất lượng mà còn cho năng suất cao. Từ khi nuôi tôm đến nay, cuộc sống gia đình tôi ngày càng được nâng lên, đồng thời có vốn tích lũy”.
Còn mô hình nuôi cua biển của 3 hộ dân ở xã Long Điền Đông (huyện Đông Hải) với vốn đầu tư thấp, ít rủi ro, cho lợi nhuận cao. Với diện tích 1,5ha, chi phí sản xuất là 10 triệu đồng, nhưng tổng thu được 70 triệu đồng, như vậy người sản xuất sẽ có lợi nhuận 50 - 60 triệu đồng/ha sau một đợt thu hoạch.
Thời gian qua, nhiều nông dân chủ động tìm hiểu, đầu tư phát triển một số mô hình sản xuất quy mô nhỏ, phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình và thổ nhưỡng của địa phương. Đó là mô hình nuôi sò huyết trong vuông tôm quảng canh cải tiến; nuôi cá lóc trong mùng lưới; nuôi lươn trong bể xi măng; nuôi thâm canh cá bống tượng, nuôi cá chình…
Áp dụng các mô hình này, sau mỗi đợt thu hoạch, nông dân lãi từ 70 - 110 triệu đồng. Nhờ mạnh dạn đầu tư mô hình sản xuất mới mà đời sống của bà con ngày càng được nâng lên, có điều kiện mua sắm máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất.
Cần có kế hoạch lâu dài
Để duy trì và phát triển các mô hình có hiệu quả, góp phần tăng thu nhập cho người sản xuất, theo ngành chức năng, thời gian tới, các hộ nuôi tôm cần phải theo dõi nghiêm ngặt vấn đề dịch bệnh.
Song song đó, áp dụng các giải pháp phục hồi, tái tạo lại môi trường ao nuôi để không bị thoái hóa, cạn kiệt chất dinh dưỡng trong ao. Xây dựng các mô hình nuôi thủy sản đa con theo quy mô nhỏ và vừa phù hợp với nhu cầu tiêu thụ nội địa như: nuôi cá bống tượng, cá thát lát cườm, mô hình tôm - cua - cá kết hợp.
Tuy nhiên, việc tìm đầu ra cho sản phẩm đã trở thành cái vòng luẩn quẩn trong sản xuất nông nghiệp hiện nay. Hầu hết các sản phẩm nông sản tiêu thụ nhỏ lẻ, manh mún qua tư thương, chưa có tổ chức bao tiêu với giá cả ổn định. Vì vậy, cần có giải pháp cụ thể cho việc tiêu thụ sản phẩm như: hình thành các tổ liên kết, tạo sản phẩm có chất lượng và phù hợp với nhu cầu thị trường, kết nối nông dân với doanh nghiệp…
Để đầu ra cho các sản phẩm nông sản bền vững, ngoài sự nỗ lực của người sản xuất, cần có sự vào cuộc của các cấp, các ngành với một chiến lược lâu dài. Có như vậy, việc phát triển kinh tế của nông dân mới ổn định và họ có điều kiện làm giàu trên mảnh đất quê nhà.
Theo ông Lê Hữu Ân, Phó Giám đốc Chi cục Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh: “Để sản xuất có hiệu quả và phát triển bền vững, nhà nông cần lựa chọn những mô hình sản xuất hiệu quả, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng khu vực. Cần ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh sản phẩm trên thị trường”.
Có thể bạn quan tâm

Qua một thời gian tập trung nhiều nguồn lực và giải pháp nhằm đẩy mạnh đánh bắt, khai thác thủy sản xa bờ, đến nay, triển vọng đối với ngành đánh bắt xa bờ tại Ninh Thuận đang có những khởi sắc.

Sản xuất nông sản theo hướng sạch đã và đang được các nhà khoa học và ngành chức năng khẳng định là hướng đi tất yếu nhằm đảm bảo các yếu tố bền vững cho môi trường, an toàn cho người sản xuất và người sử dụng sản phẩm.

Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Vũng Liêm (Vĩnh Long) phối hợp với Khoa Thủy sản- Trường Đại học Cần Thơ tổ chức triển khai dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng khoa học công nghệ sản xuất giống và nuôi cá lóc trong bể lót bạt” cho nông dân trên địa bàn huyện.

Hôm 18/7, Ủy ban tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế thuộc Tổ chức y tế thế giới (WHO) lần đầu công bố qui định mức an toàn về lượng arsenic có trong gạo và được nhiều nước đồng tình.

Việc chuyển đổi từ hình thức chăn nuôi và trồng trọt nhỏ lẻ sang mô hình kinh tế trang trại đã đem lại hiệu quả cho các nông hộ trên địa bàn huyện Thăng Bình.