Hiệu Quả Từ Mô Hình Trồng Nhãn Trên Vườn Đồi

Nhằm tận dụng nguồn đất vườn đồi bị bỏ hoang, những năm qua, bà con nông dân xã Nam Dong huyện Cư Jút tỉnh Đắk Nông đã tìm ra nhiều giống cây trồng, vật nuôi thích hợp mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần từng bước xóa đói giảm nghèo, trong đó phải kể đến thành công của mô hình trồng cây nhãn trên đất vườn đồi của bà con nông dân nơi đây.
Gia đình ông Hoàng Văn Hiền, thôn 12, xã Nam Dong hiện có gần 2 ha nhãn được trồng từ năm 2000. Ông Hiền cho biết, trước đây, vùng đất này khai thác từ đất đồi chủ yếu là loại đất sỏi, không có nước nên không thể trồng được các loại cây hoa màu hoặc cây công nghiệp dài ngày. Sau khi đi tham khảo các mô hình trồng cây ăn quả của các địa phương khác, ông mạnh dạn trồng thử giống nhãn tiêu.
Sau hơn 5 năm, cây nhãn cho năng suất cao và phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai tại địa phương, ngoài ra cây ít bị bệnh, chất lượng quả ngọt, cùi dày. Sau khi trồng thử nghiệm, ông nhận thấy cây nhãn cho giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần các loại cây khác nên ông đã tiến hành trồng đại trà trên toàn bộ diện tích vườn của gia đình. Do nắm chắc kỹ thuật chăm sóc, cùng với sự chăm chỉ, kiên nhẫn nên nhiều năm qua khi nhãn ở khắp nơi mất mùa, vườn nhãn gia đình ông vẫn mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Vừa làm vừa học hỏi, đúc rút kinh nghiệm, đến nay vườn nhãn của gia đình ông Hiền có khoảng trên 300 cây, trong đó 250 cây cho thu hoạch. Năm 2010, gia đình ông thu về trên 10 tấn quả, với giá bán tại vườn là 30 - 35.000 đồng/kg, trừ chi phí, gia đình ông thu lãi trên 200 triệu đồng.
Không chỉ dừng lại ở việc trồng cây lấy quả, ông còn phát triển sản xuất cây giống. Cây nhãn ghép phát triển mạnh, ít bị biến đổi, dễ chăm sóc, thời gian sinh trưởng khá nhanh, sau 3-4 năm, cho thu hoạch từ 15 - 20 kg quả/cây. Ngoài ra, tận dụng bóng mát từ những tán nhãn và tiết kiệm lượng phân bón cho cây, ông còn kết hợp nuôi thêm gà thả vườn để tăng thu nhập.
Thấy trồng nhãn có hiệu quả, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Nam Dong huyện Cư Jút đã đến tham quan và học hỏi kinh nghiệm từ ông Hiền, mạnh dạn mua giống về trồng tại vườn đồi nhà mình và bước đầu cho kết quả tốt. Theo tính toán, nếu chăm sóc tốt, mỗi ha nhãn tiêu sẽ đem lại cho người dân ít nhất từ 80 - 100 triệu đồng/1 năm, một nguồn thu không nhỏ so với đời sống của người dân nơi đây.
Theo kinh nghiệm, trồng nhãn khó khăn nhất là 2 năm đầu khi nhãn chưa cho trái. Khi nhãn bắt đầu cho thu hoạch thì vừa có thu nhập lại vừa bớt công chăm sóc, mùa mưa thì khỏi tưới nước, mùa khô đóng bờ, đậy gốc giữ độ ẩm, cả tháng mới tưới 1 lần. Nhãn cho thu hoạch quanh năm, nhưng cứ 3 năm là thu hoạch 2 vụ nhãn chính. Nếu cho nhãn ra trái vụ nghịch bán có giá cao hơn gấp 2,3 lần.
Thành công từ mô hình trồng cây ăn quả trên diện tích đất vườn đồi ở xã Nam Dong, huyện Cư Jút không những mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn từng bước làm thay đổi nhận thức, cách làm ăn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng của bà con nơi đây. Hy vọng những mô hình như thế này sẽ được nhân rộng, góp phần tăng nguồn thu nhập, cải thiện đời sống, xoá đói, giảm nghèo.
Có thể bạn quan tâm

Anh Trần Ngọc Yên nhà ở số 11/3 ấp 1 xã Xuân Thới Thượng có truyền thống trồng rau lâu đời với 3 cây chính là dưa leo, khổ qua và bông cải. Với diện tích 1 ha trồng rau, sau khi trừ các chi phí thì mỗi năm anh thu lãi khoảng 80 triệu.

Như vậy, Tổng lượng cá tra đã xuất từ đầu năm đến nay sang 133 quốc gia và vùng lãnh thổ được nâng lên 377.000 tấn, trị giá 1,132 tỷ USD, thấp hơn cùng kỳ năm 2011 là 3,2%. Trong đó, Mỹ, các nước EU, ASEAN tiêu thụ 59% lượng cá tra.

Rời Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên với tấm bằng kỹ sư ngành thú y nhưng chị Phạm Thị Hậu, 31 tuổi ở xã Mỹ Yên (Đại Từ - Thái Nguyên) không xin vào làm ở các doanh nghiệp lớn hay cơ quan Nhà nước mà lại đam mê công việc của một khuyến nông viên. Bởi chị tâm niệm, giúp nông dân sản xuất hiệu quả, ổn định đã là một niềm hạnh phúc...

Năm 2012, được sự hỗ trợ kinh phí của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Bắc Ninh xây dựng mô hình nuôi cá lúa trên diện tích 4 ha với 12 hộ tham gia. Đầu tháng 7/2012, Trung tâm chuyển 112.000 con cá rô đồng, 24.000 con rô phi, 8500 con cá mè, 25.500 con cá chép VI giống cho các hộ nuôi. Cá giống khỏe mạnh đồng đều.

Ông Nguyễn Văn Kiệt, Chủ tịch UBND xã Giục Tượng, huyện Châu Thành (Kiên Giang), cho biết: Hiện nay toàn xã có hơn 500 hộ thực hiện mô hình nuôi cá lóc theo nhiều dạng như: 2 lúa 1 cá, hoặc nuôi trong mùng lưới và trong ao đem lại hiệu quả bình quân từ 50-100 triệu đồng/năm.