Hiệu Quả Từ Mô Hình Trồng Nhãn Trên Vườn Đồi

Nhằm tận dụng nguồn đất vườn đồi bị bỏ hoang, những năm qua, bà con nông dân xã Nam Dong huyện Cư Jút tỉnh Đắk Nông đã tìm ra nhiều giống cây trồng, vật nuôi thích hợp mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần từng bước xóa đói giảm nghèo, trong đó phải kể đến thành công của mô hình trồng cây nhãn trên đất vườn đồi của bà con nông dân nơi đây.
Gia đình ông Hoàng Văn Hiền, thôn 12, xã Nam Dong hiện có gần 2 ha nhãn được trồng từ năm 2000. Ông Hiền cho biết, trước đây, vùng đất này khai thác từ đất đồi chủ yếu là loại đất sỏi, không có nước nên không thể trồng được các loại cây hoa màu hoặc cây công nghiệp dài ngày. Sau khi đi tham khảo các mô hình trồng cây ăn quả của các địa phương khác, ông mạnh dạn trồng thử giống nhãn tiêu.
Sau hơn 5 năm, cây nhãn cho năng suất cao và phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai tại địa phương, ngoài ra cây ít bị bệnh, chất lượng quả ngọt, cùi dày. Sau khi trồng thử nghiệm, ông nhận thấy cây nhãn cho giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần các loại cây khác nên ông đã tiến hành trồng đại trà trên toàn bộ diện tích vườn của gia đình. Do nắm chắc kỹ thuật chăm sóc, cùng với sự chăm chỉ, kiên nhẫn nên nhiều năm qua khi nhãn ở khắp nơi mất mùa, vườn nhãn gia đình ông vẫn mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Vừa làm vừa học hỏi, đúc rút kinh nghiệm, đến nay vườn nhãn của gia đình ông Hiền có khoảng trên 300 cây, trong đó 250 cây cho thu hoạch. Năm 2010, gia đình ông thu về trên 10 tấn quả, với giá bán tại vườn là 30 - 35.000 đồng/kg, trừ chi phí, gia đình ông thu lãi trên 200 triệu đồng.
Không chỉ dừng lại ở việc trồng cây lấy quả, ông còn phát triển sản xuất cây giống. Cây nhãn ghép phát triển mạnh, ít bị biến đổi, dễ chăm sóc, thời gian sinh trưởng khá nhanh, sau 3-4 năm, cho thu hoạch từ 15 - 20 kg quả/cây. Ngoài ra, tận dụng bóng mát từ những tán nhãn và tiết kiệm lượng phân bón cho cây, ông còn kết hợp nuôi thêm gà thả vườn để tăng thu nhập.
Thấy trồng nhãn có hiệu quả, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Nam Dong huyện Cư Jút đã đến tham quan và học hỏi kinh nghiệm từ ông Hiền, mạnh dạn mua giống về trồng tại vườn đồi nhà mình và bước đầu cho kết quả tốt. Theo tính toán, nếu chăm sóc tốt, mỗi ha nhãn tiêu sẽ đem lại cho người dân ít nhất từ 80 - 100 triệu đồng/1 năm, một nguồn thu không nhỏ so với đời sống của người dân nơi đây.
Theo kinh nghiệm, trồng nhãn khó khăn nhất là 2 năm đầu khi nhãn chưa cho trái. Khi nhãn bắt đầu cho thu hoạch thì vừa có thu nhập lại vừa bớt công chăm sóc, mùa mưa thì khỏi tưới nước, mùa khô đóng bờ, đậy gốc giữ độ ẩm, cả tháng mới tưới 1 lần. Nhãn cho thu hoạch quanh năm, nhưng cứ 3 năm là thu hoạch 2 vụ nhãn chính. Nếu cho nhãn ra trái vụ nghịch bán có giá cao hơn gấp 2,3 lần.
Thành công từ mô hình trồng cây ăn quả trên diện tích đất vườn đồi ở xã Nam Dong, huyện Cư Jút không những mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn từng bước làm thay đổi nhận thức, cách làm ăn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng của bà con nơi đây. Hy vọng những mô hình như thế này sẽ được nhân rộng, góp phần tăng nguồn thu nhập, cải thiện đời sống, xoá đói, giảm nghèo.
Có thể bạn quan tâm

Đài đưa tin áp thấp nhiệt đới ngoài khơi biển Đông cũng là lúc cuộc hẹn về làng nuôi cá lồng bè trên sông Chà Và (Bà Rịa - Vũng Tàu) làm phóng sự đến giờ xuất phát. Gió thổi ù cả tai. Cái mùi tanh tanh của rong, của đất bùn và không gian im ắng khu vực cửa sông cho tôi biết mình đã bỏ lại sau lưng thành phố biển đang rất nhộn nhịp vào thời điểm 3 giờ chiều.

Trong khi phần lớn các ao nuôi truyền thống đang bị bỏ hoang, nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp theo hình thức lót bạt ở huyện Vạn Ninh lại cho thu nhập rất cao. Thời điểm này, địa phương đang thu hoạch rộ tôm chân trắng được nuôi theo hình thức này. Nhiều hộ nuôi cũng có thu nhập cao nhờ đầu tư bài bản, chú trọng đến yếu tố môi trường .

Trong lúc người chăn nuôi heo đang loay hoay với bài toán thị trường thì việc liên kết tiêu thụ sản phẩm giữa Hợp tác xã (HTX) chăn nuôi heo Phú Bình với Công ty TNHH MTV Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan) giúp người nuôi an tâm phát triển đàn heo.

Với quyết định táo bạo làm phòng máy lạnh nuôi lợn, thu nhập của chị Ngô Thị Chúc (46 tuổi) ở thôn Nam Sơn, Hoà Tiến, Hoà Vang, Đà Nẵng) đã tăng gấp đôi.

Trận lũ lớn ngày 15.11, nước lũ lên nhanh đã làm ngập Trạm Nghiên cứu thực nghiệm khoa học-công nghệ (KHCN) của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN Bình Định (thuộc xã Phước An, huyện Tuy Phước). Nước lũ cao từ 0,5-1,2m đã làm ngập, cuốn trôi, hư hại hàng chục ngàn cây giống cấy mô và một số thiết bị bị hư hại.