Hiệu Quả Từ Mô Hình Trồng Khoai Cao Trên Đất Lúa

Nhằm nâng cao hiệu quả canh tác trên vùng đất pha cát nhẹ ven chân núi Ba Thê, nông dân thị trấn Óc Eo (Thoại Sơn - An Giang) đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Trong đó, phải kể đến mô hình trồng khoai cao xen canh với lúa, vừa mang lại lợi nhuận cao vừa có tác dụng cải tạo đất hiệu quả.
Anh Lâm Sơn Tiền (ngụ ấp Trung Sơn) cho biết, trước đây đất của anh chỉ canh tác được 2 vụ/năm, làm lúa không đạt năng suất cao lại bị dịch hại, chuột cắn phá nhiều nên khi làm xong chỉ hòa vốn, khi được giá lắm cũng chỉ lời vài trăm ngàn đồng/công. Do vậy, anh nghĩ phải chuyển đổi sang loại hoa màu khác để cải thiện thu nhập.
Qua tìm hiểu, anh sang tận huyện Chợ Mới để học hỏi kinh nghiệm trồng khoai cao và mua giống đem về trồng thử. Tuy trồng khoai cao phải tốn nhiều công chăm sóc hơn so trồng lúa nhưng đổi lại lợi nhuận khá cao nên anh Tiền rất phấn khởi. Anh nhẩm tính, vụ này anh trồng 15 công, nếu giá khoai cao ở mức 13.000 đồng/kg, năng suất từ 3 đến 3,5 tấn/công, trừ các loại chi phí 15 triệu đồng/công, anh còn lời đến 15 triệu đồng/công.
Là người đã có kinh nghiệm trồng khoai cao, anh Nguyễn Quốc Khánh, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nông dân TT. Óc Eo chia sẻ: “Để trồng khoai cao đạt năng suất cao, tôi rất chú ý đến chất lượng giống ban đầu. Khi đem giống về, tôi phải sàng lọc thật kỹ, loại bỏ giống bị sâu bệnh, sau đó ngâm, ủ, xử lý mầm bệnh và mang ra vườn ươm. Khoảng 15 ngày sau là có thể mang ra ruộng để cấy, khi cấy phải đảm bảo mỗi cây cách nhau 6 tấc, mỗi hàng cách nhau 1,1m để cây hấp thu được ánh sáng; đặc biệt phải vô nước, bón phân thường xuyên để khoai phát triển tốt.
Bên cạnh đó, nông dân phải theo dõi thường xuyên để phát hiện và điều trị một số bệnh phổ biến trên khoai cao như sương mai, rầy cọp, cháy lá, thối củ… Sau 5 đến 6 tháng trồng, có thể thu hoạch được”. Với cách trồng trên, anh Khánh làm vụ nào cũng đạt năng suất từ 3,5 tấn/công trở lên, lúc trúng mùa nhất có thể đạt đến 4 tấn/công. Trồng khoai cao ngoài việc đạt năng suất cao, giá bán ít bấp bênh hơn so với lúa còn có một ưu điểm nữa là có thể cải tạo đất hiệu quả.
Theo anh Tiền, sau mỗi vụ lúa, lượng phân đạm, lân, kali còn dư trong đất rất nhiều, do vậy khi trồng khoai cao cũng không tốn thêm nhiều phân. Ngoài ra, trồng khoai cao còn góp phần làm giảm bớt số lượng chuột cắn phá. Sau khi kết thúc vụ khoai, nếu trồng lúa thì năng suất cũng cao hơn và chuột quay lại cắn phá cũng không đáng kể.
“Với loại giống khoai dẻo được mang về từ Chợ Mới, khi trồng trên đất pha cát tại vùng Óc Eo thì củ khoai cao càng có độ ngọt hơn. Chính điều này đã giúp sản phẩm dễ tiêu thụ”, ông Mai Đức, Chủ tịch Hội Nông dân TT. Óc Eo nhận xét. Ông còn cho biết thêm, khoai cao là một loại cây trồng giúp nông dân nâng cao thu nhập và giải quyết được việc làm cho lao động nhàn rỗi tại nông thôn.
Bởi, mỗi khi vào vụ khoai cao, các chủ đất thường thuê nhiều nhân công để cấy khoai, tủ đất, bón phân, đào khoai, mỗi lao động có thể kiếm từ 80 ngàn-100 ngàn đồng/ngày. Thời gian tới, địa phương khuyến khích người dân có diện tích đất nông nghiệp ít nên chọn lựa trồng các loại cây phù hợp như khoai cao, đậu phộng, cà, bắp… để tạo ra nhiều sản phẩm phong phú, tránh “dội hàng ế chợ”.
Có thể bạn quan tâm

Hơn nửa tháng nay, hàng trăm hộ nông dân ở xã Nam Dong, huyện Cư Giút, tỉnh Đác Nông mất ăn, mất ngủ vì hàng chục ha đậu lạc (đậu phộng) đã hơn hai tháng tuổi xanh tốt nhưng không có củ. Đây là lần đầu tiên người nông dân trên địa bàn xã Nam Dong trồng lạc không có củ, nhưng chưa rõ nguyên nhân do đâu.

Nhằm hỗ trợ nông dân (ND) tăng thu nhập, Hội ND Hà Tĩnh đã xây dựng mô hình chăn nuôi gà, lợn theo hình thức liên kết bán công nghiệp. Các mô hình đã bước đầu cho hiệu quả tốt.

Có nhiều biện pháp diệt trừ ốc sên, tuỳ vào điều kiện thích hợp của địa phương bà con có thể lựa chọn một số cách sau

Diện tích nuôi thủy sản toàn huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) năm 2011 là 1540 ha, đạt 100% so với kế hoạch, tăng 40 ha so với năm 2010 dẫn đến sản lượng thủy sản cả năm tăng ước đạt 48.950 tấn, đạt 100,51% kế hoạch, tăng gần 2.000 tấn. Để tạo điều kiện cho ngành thủy sản đạt được những kết quả phấn khởi, huyện Cao Lãnh tiến hành kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống và nhiều giống thủy sản để đảm bảo nuôi trồng thuận lợi.

Một lần tình cờ xem ti vi nói về một chủ trang trại, tỷ phú cá sấu ở huyện Chiêm Hóa (Quảng Bình), anh Đinh Văn Bức ở thôn Yên Lạc, xã Đồng Hóa (Kim Bảng, Hà Nam) đã nảy sinh ý định nuôi con đặc sản này.