Hiệu Quả Từ Mô Hình Trồng Khoai Cao Trên Đất Lúa

Nhằm nâng cao hiệu quả canh tác trên vùng đất pha cát nhẹ ven chân núi Ba Thê, nông dân thị trấn Óc Eo (Thoại Sơn - An Giang) đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Trong đó, phải kể đến mô hình trồng khoai cao xen canh với lúa, vừa mang lại lợi nhuận cao vừa có tác dụng cải tạo đất hiệu quả.
Anh Lâm Sơn Tiền (ngụ ấp Trung Sơn) cho biết, trước đây đất của anh chỉ canh tác được 2 vụ/năm, làm lúa không đạt năng suất cao lại bị dịch hại, chuột cắn phá nhiều nên khi làm xong chỉ hòa vốn, khi được giá lắm cũng chỉ lời vài trăm ngàn đồng/công. Do vậy, anh nghĩ phải chuyển đổi sang loại hoa màu khác để cải thiện thu nhập.
Qua tìm hiểu, anh sang tận huyện Chợ Mới để học hỏi kinh nghiệm trồng khoai cao và mua giống đem về trồng thử. Tuy trồng khoai cao phải tốn nhiều công chăm sóc hơn so trồng lúa nhưng đổi lại lợi nhuận khá cao nên anh Tiền rất phấn khởi. Anh nhẩm tính, vụ này anh trồng 15 công, nếu giá khoai cao ở mức 13.000 đồng/kg, năng suất từ 3 đến 3,5 tấn/công, trừ các loại chi phí 15 triệu đồng/công, anh còn lời đến 15 triệu đồng/công.
Là người đã có kinh nghiệm trồng khoai cao, anh Nguyễn Quốc Khánh, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nông dân TT. Óc Eo chia sẻ: “Để trồng khoai cao đạt năng suất cao, tôi rất chú ý đến chất lượng giống ban đầu. Khi đem giống về, tôi phải sàng lọc thật kỹ, loại bỏ giống bị sâu bệnh, sau đó ngâm, ủ, xử lý mầm bệnh và mang ra vườn ươm. Khoảng 15 ngày sau là có thể mang ra ruộng để cấy, khi cấy phải đảm bảo mỗi cây cách nhau 6 tấc, mỗi hàng cách nhau 1,1m để cây hấp thu được ánh sáng; đặc biệt phải vô nước, bón phân thường xuyên để khoai phát triển tốt.
Bên cạnh đó, nông dân phải theo dõi thường xuyên để phát hiện và điều trị một số bệnh phổ biến trên khoai cao như sương mai, rầy cọp, cháy lá, thối củ… Sau 5 đến 6 tháng trồng, có thể thu hoạch được”. Với cách trồng trên, anh Khánh làm vụ nào cũng đạt năng suất từ 3,5 tấn/công trở lên, lúc trúng mùa nhất có thể đạt đến 4 tấn/công. Trồng khoai cao ngoài việc đạt năng suất cao, giá bán ít bấp bênh hơn so với lúa còn có một ưu điểm nữa là có thể cải tạo đất hiệu quả.
Theo anh Tiền, sau mỗi vụ lúa, lượng phân đạm, lân, kali còn dư trong đất rất nhiều, do vậy khi trồng khoai cao cũng không tốn thêm nhiều phân. Ngoài ra, trồng khoai cao còn góp phần làm giảm bớt số lượng chuột cắn phá. Sau khi kết thúc vụ khoai, nếu trồng lúa thì năng suất cũng cao hơn và chuột quay lại cắn phá cũng không đáng kể.
“Với loại giống khoai dẻo được mang về từ Chợ Mới, khi trồng trên đất pha cát tại vùng Óc Eo thì củ khoai cao càng có độ ngọt hơn. Chính điều này đã giúp sản phẩm dễ tiêu thụ”, ông Mai Đức, Chủ tịch Hội Nông dân TT. Óc Eo nhận xét. Ông còn cho biết thêm, khoai cao là một loại cây trồng giúp nông dân nâng cao thu nhập và giải quyết được việc làm cho lao động nhàn rỗi tại nông thôn.
Bởi, mỗi khi vào vụ khoai cao, các chủ đất thường thuê nhiều nhân công để cấy khoai, tủ đất, bón phân, đào khoai, mỗi lao động có thể kiếm từ 80 ngàn-100 ngàn đồng/ngày. Thời gian tới, địa phương khuyến khích người dân có diện tích đất nông nghiệp ít nên chọn lựa trồng các loại cây phù hợp như khoai cao, đậu phộng, cà, bắp… để tạo ra nhiều sản phẩm phong phú, tránh “dội hàng ế chợ”.
Có thể bạn quan tâm

Cục Chế biến Nông Lâm Thủy sản và Nghề muối (Bộ NN&PTNT) phối hợp với Tổng cục Thủy sản, Hội Nghề cá Việt Nam và Hiệp hội Cá tra Việt Nam vừa tổ chức Hội nghị Phổ biến quy định của các thị trường xuất khẩu thủy sản năm 2014.

Vài năm trở lại đây, nông dân trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, xây dựng các mô hình kinh tế mang lại hiệu quả rõ rệt. Mô hình nuôi chim cút của gia đình anh Nguyễn Văn Tình, ở thôn An Bình, xã Gio An, huyện Gio Linh là một minh chứng cho điều đó.

Thống kê của Trạm Thú y huyện, tổng đàn heo hiện có của huyện gần 14.000 con. Nhiều hộ nuôi heo cho biết, thời gian này rất thích hợp cho việc tái đàn để phục vụ thị trường sắp tới. Tuy nhiên, số lượng con giống ở địa phương đang khan hiếm và dự báo sẽ tăng giá, người nuôi sẽ đầu tư chi phí cao, ảnh hưởng đến lợi nhuận khi xuất chuồng.

Thời tiết khô hạn kéo dài ảnh hưởng đến sản xuất và chăn nuôi trên diện rộng. Trước thực trạng đó, nông dân địa phương đã có nhiều phương án nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại trong sản xuất, như: chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng diện tích cây hoa màu, đậu các loại; chủ động di chuyển đàn gia súc từ vùng cao xuống đồng bằng, nhằm tận dụng nguồn nước và các loại phụ phẩm nông nghiệp.

Mô hình liên kết sản xuất cà chua bi được triển khai thực hiện vào vụ Đông năm 2013 tại xã Mộc Bắc, huyện Duy Tiên (Hà Nam). Đây là địa phương đầu tiên được UBND tỉnh chọn xây dựng thí điểm mô hình liên kết sản xuất cà chua bi, do Công ty Trách nhiệm hữu hạn (TNHH) Chế biến nông sản Hội Vũ cung ứng và bao tiêu sản phẩm.