Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Hiệu Quả Từ Mô Hình Trồng Bắp Lai

Hiệu Quả Từ Mô Hình Trồng Bắp Lai
Ngày đăng: 18/07/2013

Thực hiện phát triển luân canh cây hoa màu trên đất lúa không chỉ làm tăng độ phì nhiêu cho đất mà còn góp phần tăng cao thu nhập cho người nông dân.

Vì vậy, cùng với nhiều loại cây trồng khác, cây bắp lai được trồng rộng rãi tại huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) với ưu điểm là dễ trồng và có nguồn thu nhập khá ổn định.

Vụ bắp năm nay, người nông dân trên địa bàn huyện Thanh Bình xuống giống được trên 1.164ha. Giống bắp bà con đang trồng là bắp lai (bắp vàng). Hiện các xã có diện tích trồng bắp nhiều là: Tân Hòa có 294ha, Tân Quới 285ha, Tân Long 280ha... Ở những vùng chuyên canh lúa như Thanh Bình thì việc trồng xen canh giữa bắp và lúa được xem là mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao.

Mùa vụ năm nay, năng suất đạt gần 9 tấn/ha do người dân đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, với vốn đầu tư thấp nhưng cây bắp dễ trồng và ít sâu bệnh hơn những cây trồng khác. Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng bắp và đặc biệt là bắp lai để chế biến thức ăn cho gia súc ngày càng tăng, nên giá bắp trên thị trường luôn ổn định ở mức cao, khuyến khích bà con mạnh dạn mở rộng diện tích.

Anh Nguyễn Văn Đỡ ngụ khóm Phú Mỹ, Thị Trấn Thanh Bình, huyện Thanh Bình cho biết: “Giống bắp tôi đang trồng là bắp lai 6236 do Công ty Bảo vệ thực vật Syngenta phân phối, đạt tỉ lệ lên mầm khoảng 90%. Ngoài ra, sức kháng bệnh của giống bắp này rất cao, thu hoạch trái to và quan trọng là nhẹ công chăm sóc”.

Bắp lai là loại cây có hệ rễ phát triển mạnh, khỏe và lấy dinh dưỡng trong đất tốt, tạo sinh khối cao. Tuy nhiên, nếu trồng nhiều vụ trong nhiều năm trên một diện tích thì cần phải chăm bồi lại cho đất, góp phần hạn chế rất lớn các đối tượng dịch hại trong đất.

Khó khăn mà người trồng bắp thường gặp phải là các loại sâu đục thân, đục trái gây hại vào những ngày đầu sau khi gieo giống. Muốn cây đạt năng suất cao, phải bón đủ lượng phân và khi bón phân phải dựa vào mùa vụ, khả năng phát triển của rễ, thân, đồng thời phải dựa vào hàm lượng dinh dưỡng trong đất.

Vì vậy cần phải có quy trình bón phân hợp lý cho cây bắp, thường sử dụng các loại: đạm ure, phân chuồng, supe lân, kali, regent hai lúa đỏ... Khi được hỏi về lợi nhuận sau khi thu hoạch, anh Đỡ cho biết: “Giá bắp khô bán được khoảng 5.000 - 5.500 đồng/kg, giá bắp tươi khoảng 4.900 - 5.000 đồng/kg. Sau khi trừ tất cả chi phí, tôi thu lãi khoảng hơn 3 triệu đồng/công”.

Ông Nguyễn Văn Kẹm - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Bình cho biết: “Nhìn chung, diện tích trồng bắp lai trên địa bàn huyện đều tăng theo mỗi năm, hiệu quả kinh tế mang lại cho người nông dân khá cao so với trồng lúa.

Để đạt được kết quả đó, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng Trung tâm Khuyến nông thường xuyên mở những điểm trình diễn, tập huấn kỹ thuật cho nông dân giúp phòng trừ được các loại bệnh trên hoa màu và giảm được giá thành trước khi xuống giống. Bên cạnh đó, luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền hiệu quả mô hình tới người dân, định hướng nông dân chuyển đổi đất canh tác sản xuất sao cho phù hợp với yêu cầu thị trường từng năm.

Ngoài ra, huyện tiếp tục xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng thủy lợi, nhằm hình thành các vùng chuyên canh rau màu, giúp người dân có được những mùa vụ thu hoạch đạt năng suất cao, góp phần đưa những xã thuộc cù lao ổn định hơn về kinh tế nông nghiệp, đảm bảo an sinh xã hội”.


Có thể bạn quan tâm

Thôn Riễu Giàu Lên Nhờ Trồng Hoa Lay Ơn Thôn Riễu Giàu Lên Nhờ Trồng Hoa Lay Ơn

Gần 10 năm qua, đời sống của người dân thôn Riễu, xã Dĩnh Trì (TP Bắc Giang) đang ngày một khấm khá hơn từ nghề trồng hoa lay ơn. Thôn Riễu từ lâu đã có nghề trồng hoa cung cấp cho TP Bắc Giang, các huyện lân cận và một số tỉnh ngoài. Những năm trước khi chưa có cây hoa lay ơn, người dân chỉ trồng lúa, rau màu và một số loài hoa như cúc, violet nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Từ khi có một số hộ trong thôn đem giống hoa lay ơn về trồng thì diện tích trồng hoa ngày càng được mở rộng.

22/11/2013
Hiệu Quả Từ Mô Hình Nuôi Thâm Canh Cá Rô Phi NOGIP IV Tại Vùng Chuyển Đổi Thủy Sản Hiệu Quả Từ Mô Hình Nuôi Thâm Canh Cá Rô Phi NOGIP IV Tại Vùng Chuyển Đổi Thủy Sản

Năm 2013, Trung tâm Khảo nghiệm Khuyến nông Khuyến ngư Thái Bình đã xây dựng đề án mô hình thâm canh cá rô phi NOGIP IV tại các vùng chuyển đổi của xã Thụy Thanh (huyện Thái Thụy), xã Phú Xuân (thành Phố Thái Bình), xã Quỳnh Trang (huyện Quỳnh Phụ) và xã Tây Tiến (huyện Tiền Hải).

22/11/2013
"Lỗ Hổng" Quản Lý Thuốc, Thức Ăn Thủy Sản

Ngày 19.11, tại hội trường Quốc hội, nhiều đại biểu đã chất vấn Bộ trưởng Bộ NN&PTNT xung quanh tình trạng thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi kém chất lượng tràn lan trên thị trường. Tại Quảng Nam, tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng trên lĩnh vực này cũng khá phổ biến, khi công tác quản lý nhà nước còn nhiều lỗ hổng.

22/11/2013
Chăn Nuôi Động Vật Rừng Hiệu Quả Nhưng Mạo Hiểm Chăn Nuôi Động Vật Rừng Hiệu Quả Nhưng Mạo Hiểm

Phong trào nuôi động vật rừng được nhiều nông dân quan tâm. Nó không chỉ tạo ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế mà còn là giải pháp bảo tồn các loài động vật quý hiếm.

22/11/2013
Công Nghệ Sấy Lúa Ngày Càng Phát Triển Công Nghệ Sấy Lúa Ngày Càng Phát Triển

Tại hội thảo “Tổng kết dự án sau thu hoạch lúa gạo ADB-IRRI-Việt Nam”, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Văn Hùng, Trường đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh - Điều phối viên dự án đánh giá: Công nghệ sấy lúa vùng ĐBSCL ngày càng phát triển về quy mô và tiến bộ, từ lò sấy lúa vĩ ngang, nay nông dân thay thế dần lò sấy tầng.

22/11/2013