Hiệu Quả Từ Mô Hình Trang Trại Nuôi Gà

Ông Huỳnh Thanh Hải (thôn 4, xã Hòa Thuận, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Dak Lak) bắt tay vào xây dựng trang trại nuôi gà từ năm 2011, trên diện tích 1,25 ha đất trồng cà phê già cỗi. Từ 3 nhà lạnh với quy mô 3.500 con/nhà, đến nay ông đã phát triển thành một hệ thống trang trại khép kín với 7 nhà lạnh nuôi gà đẻ trứng; mỗi nhà lạnh có diện tích hơn 500 m2.
Đây là mô hình mà gia đình ông Huỳnh Thanh Hải liên kết sản xuất với Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP từ năm 2011. Thiết kế chuồng trại, giống và thức ăn chăn nuôi đều do Công ty này đảm nhiệm. Mỗi năm, ông chỉ nuôi một lứa gà, khoảng 30.000 con. Sau 2 tháng kể từ khi nhận giống của Công ty, gà bắt đầu đẻ trứng với tỷ lệ đẻ đạt trên 95%. Trừ các khoản chi phí, mỗi tháng, gia đình ông thu lãi 170 triệu đồng.
Trong sản xuất, ông tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chăm sóc và phòng bệnh do Công ty CP đưa ra. Ngoài ra, với hệ thống chăn nuôi kín, ông đã hạn chế tối đa nguy cơ lây bệnh từ các loại động vật khác, đặc biệt là các loại chim trời. Cách hai ngày, các công nhân lại tiến hành dọn vệ sinh chuồng trại.
Toàn bộ phân gà được một cơ sở trên địa bàn bao tiêu để làm nguyên liệu ủ phân sinh học. Nhờ vậy, môi trường trong trang trại luôn bảo đảm thông thoáng, không có mùi hôi thối.
Để có được thành công và nguồn thu nhập ổn định như hiện nay, gia đình ông Huỳnh Thanh Hải đã trải qua không ít khó khăn. Trong đó, khó khăn lớn nhất là nguồn vốn. Đến nay, chỉ tính riêng số vốn đầu tư cơ bản đã lên tới 9 tỷ đồng.
Ông Lê Xuân Nam – Chủ tịch UBND xã Hòa Thuận cho biết: Hiện nay, trên địa bàn xã Hòa Thuận có 32 trang trại chăn nuôi, gồm: 28 trang trại nuôi heo với trên 20.000 con; 4 trang trại nuôi gà với khoảng 52.000 con.
Các trang trại được tập trung tại một khu vực theo quy hoạch của xã. Sản lượng thịt và trứng do các trang trại này cung cấp ra thị trường chiếm đến 50% sản phẩm chăn nuôi của toàn TP. Buôn Ma Thuột. Ngoài một số trang trại có liên kết với các doanh nghiệp lớn, số còn lại vẫn phụ thuộc vào thị trường tự do.
Qua thực tế sản xuất tại Hòa Thuận, có thể nhận thấy, mô hình sản xuất quy mô và khép kín theo trang trại là một hướng đi phù hợp với yêu cầu của thị trường.
Mô hình không chỉ mang lại thu nhập cao, thuận lợi trong việc xử lý môi trường chăn nuôi mà còn tạo việc làm với thu nhập ổn định cho nhiều lao động khác ở địa phương. Tuy vậy, việc phát triển trang trại chăn nuôi cần có quy hoạch cụ thể của địa phương cũng như mối liên kết chặt chẽ giữa các nhà trong sản xuất để mô hình thật sự bền vững và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Nguồn bài viết: http://www.baodaklak.vn/channel/3483/201412/hieu-qua-tu-mo-hinh-trang-trai-nuoi-ga-2358540/
Có thể bạn quan tâm

UBND thành phố Hải Phòng vừa có công văn gửi các sở, ngành, địa phương liên quan về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh ở tôm nuôi trên địa bàn tình phố.

Để khai thác tối đa hiệu quả kinh tế và bảo tồn, phát triển nguồn gen giống quýt vàng bản địa, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Vân Hồ (Sơn La) đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm rau hoa quả Gia Lâm tiến hành “Xây dựng mô hình thâm canh, trồng mới và bình tuyển quýt” tại xã Chiềng Yên; thực hiện các biện pháp kỹ thuật tăng năng suất những vườn quýt hiện có, góp phần giảm nghèo bền vững, tăng thu nhập cho người trồng quýt.

Sau thành công từ mô hình nuôi gà sao, gà nòi, gà đồi Bắc Giang, gà Hơmông của một số nông dân trong tỉnh, thì nuôi gà giống Bình Định đang là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cho một số hộ dân ở xã Thanh Lương (TX. Bình Long, Bình Phước).

Được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu, thổ nhưỡng và điều kiện địa lý, những năm gần đây, thương hiệu rau an toàn bản Ta Niết, xã Chiềng Hắc (Mộc Châu - Sơn La) đã hình thành và cung cấp ổn định cho thị trường trong tỉnh cùng một số siêu thị lớn tại Hà Nội, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất.

Nhằm từng bước đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, tạo tiền đề xây dựng vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung, huyện Phúc Thọ đã áp dụng mô hình mạ khay, máy cấy vào sản xuất lúa. Bước đầu, mô hình này đã mang lại hiệu quả rõ rệt, giúp nông dân giảm chi phí, tăng thu nhập.