Hiệu Quả Từ Mô Hình Trang Trại Nuôi Gà

Ông Huỳnh Thanh Hải (thôn 4, xã Hòa Thuận, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Dak Lak) bắt tay vào xây dựng trang trại nuôi gà từ năm 2011, trên diện tích 1,25 ha đất trồng cà phê già cỗi. Từ 3 nhà lạnh với quy mô 3.500 con/nhà, đến nay ông đã phát triển thành một hệ thống trang trại khép kín với 7 nhà lạnh nuôi gà đẻ trứng; mỗi nhà lạnh có diện tích hơn 500 m2.
Đây là mô hình mà gia đình ông Huỳnh Thanh Hải liên kết sản xuất với Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP từ năm 2011. Thiết kế chuồng trại, giống và thức ăn chăn nuôi đều do Công ty này đảm nhiệm. Mỗi năm, ông chỉ nuôi một lứa gà, khoảng 30.000 con. Sau 2 tháng kể từ khi nhận giống của Công ty, gà bắt đầu đẻ trứng với tỷ lệ đẻ đạt trên 95%. Trừ các khoản chi phí, mỗi tháng, gia đình ông thu lãi 170 triệu đồng.
Trong sản xuất, ông tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chăm sóc và phòng bệnh do Công ty CP đưa ra. Ngoài ra, với hệ thống chăn nuôi kín, ông đã hạn chế tối đa nguy cơ lây bệnh từ các loại động vật khác, đặc biệt là các loại chim trời. Cách hai ngày, các công nhân lại tiến hành dọn vệ sinh chuồng trại.
Toàn bộ phân gà được một cơ sở trên địa bàn bao tiêu để làm nguyên liệu ủ phân sinh học. Nhờ vậy, môi trường trong trang trại luôn bảo đảm thông thoáng, không có mùi hôi thối.
Để có được thành công và nguồn thu nhập ổn định như hiện nay, gia đình ông Huỳnh Thanh Hải đã trải qua không ít khó khăn. Trong đó, khó khăn lớn nhất là nguồn vốn. Đến nay, chỉ tính riêng số vốn đầu tư cơ bản đã lên tới 9 tỷ đồng.
Ông Lê Xuân Nam – Chủ tịch UBND xã Hòa Thuận cho biết: Hiện nay, trên địa bàn xã Hòa Thuận có 32 trang trại chăn nuôi, gồm: 28 trang trại nuôi heo với trên 20.000 con; 4 trang trại nuôi gà với khoảng 52.000 con.
Các trang trại được tập trung tại một khu vực theo quy hoạch của xã. Sản lượng thịt và trứng do các trang trại này cung cấp ra thị trường chiếm đến 50% sản phẩm chăn nuôi của toàn TP. Buôn Ma Thuột. Ngoài một số trang trại có liên kết với các doanh nghiệp lớn, số còn lại vẫn phụ thuộc vào thị trường tự do.
Qua thực tế sản xuất tại Hòa Thuận, có thể nhận thấy, mô hình sản xuất quy mô và khép kín theo trang trại là một hướng đi phù hợp với yêu cầu của thị trường.
Mô hình không chỉ mang lại thu nhập cao, thuận lợi trong việc xử lý môi trường chăn nuôi mà còn tạo việc làm với thu nhập ổn định cho nhiều lao động khác ở địa phương. Tuy vậy, việc phát triển trang trại chăn nuôi cần có quy hoạch cụ thể của địa phương cũng như mối liên kết chặt chẽ giữa các nhà trong sản xuất để mô hình thật sự bền vững và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Nguồn bài viết: http://www.baodaklak.vn/channel/3483/201412/hieu-qua-tu-mo-hinh-trang-trai-nuoi-ga-2358540/
Có thể bạn quan tâm

Một trong những hộ nuôi ong mật thành công trên địa bàn huyện là là anh Nguyễn Văn Thanh ở xã Tân Tiến. Hiện anh Thanh đang sở hữu khoảng 1.000 thùng ong với 6 năm kinh nghiệm nuôi ong lấy mật và anh là thành viên của hội nuôi ong tại địa phương.

Với đặc điểm của một xã vùng cao có diện tích đất nông nghiệp hạn chế cộng với khí hậu khắc nghiệt khiến việc trồng trọt ở Sủng Là gặp nhiều khó khăn, chỉ đủ ăn. Việc trồng cỏ và nuôi bò được xem là một hướng đi chính có nhiều triển vọng giúp người dân ở đây xóa đói giảm nghèo theo chủ trương của tỉnh.

Mới chớm mùa Đông, nhiều nơi trên địa bàn huyện Quản Bạ có nhiệt độ lạnh về đêm, thường xuyên có sương muối dày đặc vào buổi sáng, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất; trong đo, việc bảo vệ đàn trâu, bò luôn là mối quan tâm của đồng bào nơi đây. Rút kinh nghiệm từ những năm trước, huyện đã chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng, chống rét cho đàn gia súc và vật nuôi.

Cụ thể, đa phần cá ngừ đại dương tại các cảng cá ở các tỉnh Nam Trung Bộ bán ra với mức giá chỉ bằng 1/3 so với giá cá bán sang Nhật do không đủ tiêu chuẩn xuất tươi nguyên con. Mỗi năm, sản lượng cá ngừ đại dương khai thác của ngư dân Nam Trung Bộ không dưới 15.000 tấn nhưng chỉ có 20% đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.

Nhằm từng bước nâng cao đời sống của các hội viên, chỉ tính riêng trong 5 năm qua, Hội CCB các cấp đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức nhiều lớp tập huấn về công tác xóa đói, giảm nghèo, khuyến nông, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hơn 1.000 lượt hội viên.