Hiệu quả từ mô hình sản xuất sầu riêng đạt chứng nhận VietGap

Tập trung nhiều ở các xã: Tam Bình, Ngũ Hiệp, Cẩm Sơn, Long Tiên, Long Trung... Riêng xã Tam Bình trồng sầu riêng chuyên canh hơn 1500 ha.
Để phát huy thế mạnh của các giống cây ăn trái chủ lực, ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất trái cây an toàn theo tiêu chuẩn GAP; trong thời gian qua, nhờ sự hỗ trợ của các ngành các cấp, các đoàn thể xã Tam Bình đã triển khai xây dựng các mô hình về "Sản xuất sầu riêng đạt chứng nhận VietGAP".
Từ nguồn vốn hỗ trợ của Đề án xây dựng nông thôn mới, với sự phối hợp cùng Trung tâm Khuyến nông và Trạm Khuyến nông huyện, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cai Lậy triển khai xây dựng mô hình "Sản xuất sầu riêng đạt chứng nhận VietGAP" tại ấp Bình Hòa A vào tháng 10/2014, xã Tam Bình có 17 hộ tham gia với diện tích 12 ha.
Qua 9 tháng hình thành và đi vào sản xuất, mô hình VietGap trên cây sầu riêng đã đem lại hiệu quả và được Công ty TNHH Công nghệ Nho Nho chứng nhận tiêu chuẩn VietGap vào tháng 7/2015. Đến nay, xã Tam Bình đã có 2 tổ hợp tác "Sản xuất sầu riêng đạt chứng nhận VietGap" ở ấp Bình Hòa A và Bình Hòa B.
"Sản xuất sầu riêng đạt chứng nhận VietGAP" là mô hình sản xuất nhằm tái cơ cấu ngành nông nghiệp: tập trung vào các sản phẩm chủ lực, mũi nhọn, từng bước hình thành các vùng sản xuất chuyên canh phát huy tiềm năng sẵn có của từng địa phương.
Tham gia vào mô hình này nông dân sẽ được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn quy trình sản xuất sầu riêng như: sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hợp lý, quản lý và xử lý chất thải, ghi chép sổ sách, lưu giữ hồ sơ và truy nguyên nguồn gốc, sử dụng thuốc đảm bảo an toàn sinh học và sức khỏe của người tiêu dùng...
Điển hình như hộ ông Đặng Văn Nữa ở ấp Bình Hòa A, là thành viên tham gia sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGap với diện tích 1,3ha, trong quá trình sản xuất được cán bộ kỹ thuật huyện hướng dẫn từ khâu chăm sóc đến việc quản lý, phòng trừ các loại sâu bệnh, nhờ đó sầu riêng phát triển tốt và cho năng suất 2 tấn/công, năng suất cao hơn từ 300kg đến 500 kg/công so với trồng sầu riêng tự túc trước kia, giá bán 70.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí ông thu lợi nhuận trên 2 tỷ đồng/năm.
Ông Đặng Văn Nữa phấn khởi cho biết "Từ khi tham gia vào Tổ hợp tác sản xuất sầu riêng theo chứng nhận VietGap thì tôi được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, bón phân hợp lý, nên chi phí sản xuất giảm mà năng suất lại tăng, thị trường tiêu thụ ổn định".
Một thành viên khác tham gia sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGap là hộ ông Nguyễn Văn Thắm, ở cùng ấp với diện tích trồng là 6000m2, áp dụng đúng quy trình sản xuất kỹ thuật, cuối vụ ông thu hoạch gần 2 tấn/công, giá bán trung bình 55.000 đồng/kg tùy từng thời điểm.
Sau khi trừ chi phí, ông thu lợi nhuận trên 1 tỷ đồng/năm. Ông Nguyễn Văn Thắm cho biết: "Trước đây, khi làm sầu riêng tự túc, tôi phun xịt thuốc tràn lan, khi tham gia vào sản xuất sầu riêng theo chứng nhận VietGap thì chăm sóc theo qui trình nhất định, sản phẩm đạt chất lượng tốt, bán giá cao".
Bà Trần Thị Nguyên, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cai Lậy cho biết: "Muốn sản xuất sầu riêng theo hướng bền vững thì phải có sự liên kết giữa 4 nhà: Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp nhằm tạo ra các vùng nguyên liệu đặc thù, ổn định nguồn cung, cầu, đảm bảo nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân".
Có thể bạn quan tâm

Những năm qua, anh Nguyễn Văn Triết (sinh năm 1975), ngụ ấp 5, xã Phú An, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất chăn nuôi, đem lại thu nhập trên 220 triệu đồng/năm.

Trước đây, việc chăn nuôi dê ở thôn Chiến Thắng, xã Hồ Thầu (Hoàng Su Phì, Hà Giang) mang tính tự phát, quy mô nhỏ lẻ, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm. Để hỗ trợ nhau trong sản xuất, phát triển kinh tế, từ cuối năm 2012, 13 gia đình ở đây đã tập hợp thành “Nhóm cùng sở thích chăn nuôi dê” với mục đích thúc đẩy phát triển kinh tế gia đình, vươn lên XĐGN.

Gần đây, ở ĐBSCL xuất hiện khá nhiều mô hình trang trại nuôi heo, đem lại hiệu quả kinh tế cao, an toàn vệ sinh, lao động và bảo vệ môi trường. Mô hình nuôi heo nái của ông Phạm Văn Ân ở ấp Mỹ Phú, xã Thiện Mỹ, huyện Châu Thành, Sóc Trăng là một điển hình.

“Vẫn còn hiện tượng lạm dụng kháng sinh và chất cấm trong chăn nuôi”, là nhận định của ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN & PTNT) tại Hội nghị triển khai công tác quản lý lợn đực giống và kiểm tra thức ăn chăn nuôi do Bộ NN & PTNT tổ chức sáng 06/4 tại Hà Nội.

Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, từ đầu năm đến nay, lực lượng thú y trong tỉnh Bình Định đã tiến hành tiêm phòng vắc-xin cúm gia cầm cho trên 2 triệu con gà, vịt, đạt 80,5% tổng đàn trong diện tiêm.