Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Hiệu Quả Từ Mô Hình Nuôi Cá Thả Ghép

Hiệu Quả Từ Mô Hình Nuôi Cá Thả Ghép
Ngày đăng: 28/11/2013

“Mô hình nuôi ghép cá rô phi đơn tính và cá chép V1 đã đem laị hiệu quả kinh tế cao cho xã Mường Cang và xã Mường Than. Đó chính là cơ sở để huyện Than Uyên (Lai Châu) phát huy lợi thế mặt nước, đồng thời đưa ngành chăn nuôi thủy sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong phát triển nông nghiệp ở huyện” – Đó là nhận định của ông Mai Tiến Lực -Trạm trưởng Trạm khuyến nông huyện về mô “Nuôi cá thả ghép”.

Những năm gần đây, phong trào chăn nuôi thủy sản đã chiếm một vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế địa phương, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, chăn nuôi thủy sản vẫn còn những hạn chế nhất định, chưa khai thác hết lợi thế trên các diện tích mặt nước; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để đầu tư thâm canh còn ít, dẫn đến năng suất, sản lượng thấp.

Để phát triển chăn nuôi thủy sản mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn, đầu tháng 3/2013, Trạm Khuyến nông huyện đã xây dựng mô hình nuôi cá ao truyền thống nuôi ghép với cá rô phi đơn tính và cá chép V1 với quy mô 0,7ha tại xã Mường Cang và xã Mường Than, 15 hộ tham gia ở bản Phương Quang, Cẩm Chung 4, Sen Đông và bản Cang Cai. Tham gia mô hình, các hộ nông dân được hỗ trợ 100% chi phí mua cá giống, chi phí mua thức ăn và vật tư khác. Trước khi cấp giống, Trạm Khuyến nông huyện đã tổ chức tập huấn về đặc điểm sinh học của các loài cá, hướng dẫn kỹ thuật chuẩn bị ao nuôi, quy trình phòng trị bệnh, chăm sóc và quản lý môi trường ao nuôi… cho các hộ nông dân tham gia và một số hộ nông dân quan tâm đến mô hình.

Mô hình đã thí điểm 21.000 con cá giống, tỷ lệ 3 con/m2, trong đó 14.000 con cá rô phi đơn tính và 7.000 con cá chép V1. Tổng chi phí cho mô hình (con giống, thức ăn, phòng trừ bệnh, cải tạo ao và các chi phí khác) gần 37 triệu đồng.Trong quá trình triển khai thực hiện, cán bộ khuyến nông đã phối hợp chặt chẽ với người nông dân theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và thực hiện đầy đủ những biện pháp kỹ thuật.

Qua đánh giá cho thấy, đàn cá sinh trưởng phát triển tốt, phù hợp và nhanh thích nghi với điều kiện ao nuôi tại địa bàn. Trọng lượng trung bình của cá đạt 0,5 kg/con, con to từ 0,7-0,8kg/con; tỷ lệ sống đạt gần 80%, năng suất cá mô hình đạt 8,19 tấn/ha.

Sơ bộ hạch toán mô hình thu lãi trên 12,5 triệu đồng/1.000m2. Một số hộ gia đình điển hình nuôi cá tốt như gia đình chị Phạm Thị Hường ở bản Cẩm Chung 4, ông Đào Văn Nắm ở bản Phương Quang, xã Mường Than; gia đình ông Mạ Văn Khoa, Nùng Văn Liên ở bản Cang Cai, xã Mường Cang...

Ông Đào Văn Nắm - một trong những hộ nông dân tham gia mô hình tại xã Mường Than cho biết: “Thực hiện nuôi ghép cá rô phi đơn tính và cá chép V1 không khó nhưng đòi hỏi người chăn nuôi phải áp dụng nghiêm ngặt các quy trình chăn nuôi từ vệ sinh ao nuôi, thả cá và cho ăn. Nuôi cá thả ghép sẽ mất nhiều công hơn, tỉ mẩn hơn nhưng hiệu quả kinh tế mang lại rất cao. Gia đình tôi được tham gia 600m2 ao. Ngoài các chi phí được Nhà nước hỗ trợ và gia đình đối ứng hết khoảng hơn 10 triệu đồng. Với năng suất hiện tại, gia đình ước thu được trên 22 triệu đồng. Như vậy gia đình tôi còn được lãi gần 12 triệu đồng. Từ năm sau tôi sẽ tự đầu tư mở rộng diện tích để phát triển nuôi cá thả ghép”.

Theo bà con, cách truyền thống năng suất tối đa đạt 1,5 -2 tạ/ha, lợi nhuận thu được sau 1 năm chỉ là 35 đến 40 triệu đồng. Nhưng nuôi cá thâm canh, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và có sự đầu tư, năng suất tăng gấp 4 - 5 lần, thời gian nuôi cũng được rút ngắn lại và hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn.

Ông Mai Tiến Lực -Trạm trưởng Trạm khuyến nông huyện cho biết thêm: “Thông qua mô hình đã giúp người dân được tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nuôi trồng thuỷ sản, bỏ thói quen sử dụng chất thải chăn nuôi làm thức ăn cho cá, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, đồng thời giúp người sản xuất nâng cao ý thức sử dụng sản phẩm sạch, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng, mở ra hướng đi mới cho người nông dân trong sản xuất thực phẩm có chất lượng cung cấp cho địa bàn, góp phần nâng cao thu nhập”.


Có thể bạn quan tâm

Cá Tầm Ở Việt Nam Chủ Yếu “Nuôi Chui” Cá Tầm Ở Việt Nam Chủ Yếu “Nuôi Chui”

Phần lớn các giống cá tầm trong nước hiện vẫn “nuôi chui” do giống cá tầm nhập từ nước ngoài về vẫn chưa được khảo, kiểm nghiệm để đánh giá chất lượng.

12/06/2013
Hỗ Trợ 2 Trang Trại Sản Xuất Trái Cây Theo Tiêu Chuẩn VietGAP Hỗ Trợ 2 Trang Trại Sản Xuất Trái Cây Theo Tiêu Chuẩn VietGAP

Theo Sở Nông nghiệp- PTNT Đắk Nông thì đơn vị đang phối hợp với Trung tâm chất lượng nông, lâm, thủy sản vùng 3 (Khánh Hòa) hỗ trợ xây dựng và chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP cho 2 trang trại là trang trại Gia Trung, chuyên canh sầu riêng ở xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) và trang trại của bà Nguyễn Thị Hồng, chuyên canh quýt ở xã Quảng Khê (Đắk Glong).

09/08/2013
Diện Tích Cây Trồng Bị Ngập Sâu Tăng Diện Tích Cây Trồng Bị Ngập Sâu Tăng

Để kịp thời tiêu úng cho cây trồng, các doanh nghiệp thủy lợi đang vận hành 193 trạm bơm với 1.004 máy bơm, tổng lưu lượng 2.500.250 m3/h. Chi cục Thủy lợi Hà Nội đề nghị các quận, huyện, thị xã, các doanh nghiệp thuỷ lợi tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình khí tượng thủy văn, chủ động vận hành công trình, bơm tiêu cho những diện tích bị úng ngập khi xảy ra.

10/08/2013
Triển Vọng Phát Triển Cây Sả Ở Tân Phú Đông (Tiền Giang) Triển Vọng Phát Triển Cây Sả Ở Tân Phú Đông (Tiền Giang)

Tân Phú Đông, huyện cù lao của tỉnh Tiền Giang thành lập cách nay hơn 5 năm. Nếu trước đây mãng cầu xiêm được xem là cây xóa đói giảm nghèo của huyện cù lao này thì khoảng 1 năm trở lại đây, cây sả đã "lên ngôi". Nhiều hộ gia đình mạnh dạn chuyển từ ruộng lúa lên liếp trồng sả theo mô hình xen canh 1 vụ sả, 1 vụ lúa hoặc bỏ hẳn cây lúa, chuyển sang trồng sả quanh năm…

09/08/2013
Cần Sự Liên Kết Của Doanh Nghiệp Cần Sự Liên Kết Của Doanh Nghiệp

Suốt 10 năm qua, kể từ khi Nghị quyết T.Ư 5 (khóa IX) ra đời năm 2003, tình hình phát triển của kinh tế hợp tác nói chung và hợp tác xã (HTX) nông nghiệp nói riêng vẫn rất khó khăn.

09/08/2013