Hiệu Quả Từ Mô Hình Nuôi Cá Diêu Hồng Trong Lồng

Thái Nguyên là tỉnh miền núi vùng Đông Bắc Bộ, tổng diện tích mặt nước toàn tỉnh có thể nuôi trồng và khai thác thuỷ sản là 6.925 ha, trong đó 2.500 ha hồ chứa vừa (Hồ Núi Cốc), 1.140 ha hồ chứa nhỏ, 2.285 ha ao gia đình và 1.000 ha ruộng trũng có thể phát triển nuôi cá kết hợp cấy lúa…
Những năm gần đây, thông qua các hoạt động khuyến nông, khuyến ngư và chương trình phát triển thủy sản, nghề nuôi trồng thuỷ sản của tỉnh đang từng bước phát triển, các tiến bộ kỹ thuật dần được áp dụng vào sản xuất đem lại hiệu quả cao.
Năm 2014, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Trung tâm Thủy sản tỉnh Thái Nguyên triển khai xây dựng “Mô hình nuôi cá diêu hồng trong lồng” thuộc dự án “Xây dựng mô hình nuôi cá lồng hồ chứa (cá tầm - Acipenser baerii, cá lăng -Mystus wyckioides, cá diêu hồng - Oreochromis sp)” tại 3 hộ dân thuộc xã Tân Thái, huyện Đại Từ và xã Bảo Linh, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên với quy mô 100 m3 lồng, mật độ thả 100 con cá diêu hồng giống/m3.
Cá diêu hồng là đối tượng nuôi mới lần đầu tiên được đưa vào nuôi trong lồng trên các hồ chứa nước ở địa bàn tỉnh Thái Nguyên, Trung tâm Thủy sản đã phân công cán bộ kỹ thuật phối hợp với cán bộ khuyến nông cơ sở thường xuyên xuống tận địa điểm nuôi kiểm tra, hướng dẫn, theo dõi các chỉ tiêu kỹ thuật, sức khỏe cá trong suốt quá trình nuôi…
Trước khi thả giống, các hộ tham gia xây dựng mô hình được tập huấn kỹ thuật, tư vấn hướng dẫn thiết kế, lắp đặt lồng nuôi mới. Ngày 13/5/2014, Trung tâm Thủy sản cung cấp 10.000 con cá diêu hồng giống có kích cỡ 8 – 10 cm/con cho các hộ dân; thức ăn sử dụng chủ yếu là thức ăn công nghiệp viên nổi dành cho thuỷ sản có hàm lượng đạm từ 25%-23%. Cá diêu hồng ăn tạp, dễ nuôi, cá ít bị bệnh và có thể nuôi với mật độ cao, năng suất cao rất phù hợp cho nuôi thâm canh.
Sau hơn 5 tháng nuôi, trung bình trọng lượng của cá đạt 0,6 g/con, tỷ lệ cá sống đạt 70,3%. Thịt cá diêu hồng có chất lượng, thơm ngon, không có xương dăm... được người tiêu dùng ưa chuộng. Với giá bán tại thị trường Thái Nguyên hiện nay khoảng 40.000 đồng/kg, các hộ tham gia mô hình đã thu lãi cao (gần 450.000 đồng/m3, tương đương với hơn 45 triệu đồng/100m3).
Ông Luân Đình Tông tại xóm Lải Tràn, xã Bảo Linh, huyện Định Hóa, đã nhiều năm gắn bó với nghề nuôi cá lồng, với tổng diện tích lồng là 100m3. Các đối tượng cá thường nuôi là cá trắm cỏ, cá trôi, cá mè trắng và cá chép. Vài năm trở lại đây cá trắm cỏ thường hay bị bệnh và năng suất thấp.
Khi tham gia mô hình, gia đình ông Tông được hỗ trợ nuôi 30 m3 cá diêu hồng trong lồng; sau khi trừ các khoản chi phí ông thu lãi 12 triệu đồng, cao hơn nhiều so với nuôi các đối tượng cá khác.
Ông Tông cho biết, nuôi cá diêu hồng nuôi lồng sử dụng thức ăn công nghiệp nên dễ chăm sóc, vệ sinh lồng. Cá diêu hồng khi được nuôi trong lồng lớn nhanh, kích cỡ cá thu hoạch lớn, dễ thu hoạch, sản lượng tăng, thời gian nuôi ngắn nên cá ít bị dịch bệnh. Ông Tông cho biết, dự kiến năm tới ông tiếp tục mở rộng làm thêm 3 lồng nuôi nữa nâng diện tích khu lồng lên hơn 200m3 và sẽ tập trung vào nuôi cá diêu hồng là chủ yếu.
Từ kết quả đạt được của mô hình cho thấy, cá diêu hồng thích hợp với điều kiện tự nhiên, điều kiện nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên; nuôi cá diêu hồng trong lồng mang lại lợi nhuận kinh tế cao cho các hộ nuôi. Hiện nay, Trại Cá giống Cù Vân của tỉnh đã chủ động sản xuất được con giống để cung cấp cho nhu cầu nuôi cá diêu hồng của bà con.
Thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ tiếp tục phối hợp với Trung tâm Thủy sản Thái Nguyên tổ chức các lớp tập huấn thăm quan hội thảo nhân rộng mô hình để giúp người dân quanh vùng lòng hồ khai thác, sử dụng hiệu qủa tiềm năng diện tích mặt nước của các hồ chứa, giúp xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm, hạn chế phá rừng và các hình thức khai thác thủy sản hủy diệt, đem lại thu nhập ổn định cho người nuôi đồng thời bảo vệ hệ sinh thái vùng lòng hồ. Góp phần thúc đẩy phát triển nuôi trồng thủy sản của tỉnh Thái Nguyên và các tỉnh xung quanh.
Đặng Xuân Trường – Trung tâm Khuyến nông Quốc gia; Dương Trung Kiên – Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên
Nguồn bài viết: http://www.khuyennongvn.gov.vn/vi-VN/thai-nguyen-hieu-qua-tu-mo-hinh-nuoi-ca-dieu-hong-trong-long_t114c2n11064
Có thể bạn quan tâm

Lần đầu tiên Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Phú Yên phối hợp với Công ty Syngenta tổ chức trồng lúa theo mô hình GroMore (giải pháp tích hợp cây lúa giúp cải thiện năng suất và thu nhập cho người nông dân). Mô hình này bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế.

Hệ thống quan sát tàu cá, vùng đánh bắt và nguồn lợi thủy sản bằng công nghệ vệ tinh Movimar được xem là thiết bị liên lạc hiện đại nhất hỗ trợ tàu cá hành nghề trên biển. Tuy nhiên, sau một thời gian đi vào sử dụng, ngư dân không mấy mặn mà vì cho rằng nó không phát huy tác dụng như mong đợi.

Sau nhiều vụ thả nuôi sò trên đầm Thủy Triều, nhiều ngư dân ở tổ dân phố Hoà Dò 4, phường Cam Phúc Bắc, TP Cam Ranh (Khánh Hòa) thắng lớn. Dẫn chúng tôi tham quan mô hình nuôi sò, ngư dân Lê Văn Hoàng cho biết: “Mặc dù bà con nơi đây không được chuyển giao kỹ thuật nuôi thả sò, nhưng cứ mày mò, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau nên vụ nào cũng lãi”.

Sử dụng thức ăn trong nuôi trồng thủy sản ít nhiều ảnh hưởng đến môi trường nước vùng đầm phá. Ở Chi hội nghề cá Cồn Hạc Châu (thị trấn Thuận An, Phú Vang, Thừa Thiên Huế) bà con ngư dân nuôi tôm, cá sử dụng thức ăn tự nhiên góp phần làm sạch môi trường nước.

Đại diện cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và người nuôi cá tra đều đồng tinh rằng việc nuôi theo hợp đồng với doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra là cách bảo đảm cho người nuôi có lãi, hạn chế rủi ro khi nguồn nguyên liệu dư thừa hay thiếu hụt đẩy người nuôi cá nhỏ lẻ vào cảnh khó khăn.