Hiệu Quả Từ Mô Hình Kết Hợp Trồng Dừa-Ca Cao-Bưởi Da Xanh Và Nuôi Ba Ba

Trên cùng một đơn vị diện tích đất canh tác nhưng nhờ biết tận dụng tối đa diện tích đất bằng các biện pháp trồng xen, nuôi xen đã giúp cho nhiều hộ nông dân tăng nguồn thu nhập đáng kể. Nông dân sản xuất giỏi được nhiều người biết đến đó là ông Uông Thành Nam ở ấp Mỹ Đức, xã Hương Mỹ, huyện Mỏ Cày Nam là một trong những hộ nông dân áp dụng thành công mô hình trồng xen cây ca cao trong vườn dừa kết hợp với trồng bưởi da xanh và nuôi ba ba lợi nhuận từ 4 công vườn đem lại hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Ông Uông Thành Nam cho biết, ban đầu trên toàn bộ diện tích đất 4 công vườn chỉ chuyên độc canh cây dừa, những năm trước khi dừa chưa có giá, thu nhập còn bấp bênh. Năm 2007, được sự hướng dẫn và giới thiệu của Hội Nông dân xã và qua tìm hiểu về giống cây trồng mới, ban đầu ông Nam trồng 400 cây ca cao xen trong vườn dừa đang cho trái kết hợp với xen 70 gốc bưởi da xanh. Với tính cần cù ham học hỏi cùng với những kiến thức tích lũy qua các lớp tập huấn và đi tham quan thực tế mô hình trồng cây ca cao ở nhiều nơi. Đồng thời áp dụng đúng các biện pháp kỹ thuật làm tốt khâu chăm sóc, qua hơn 20 tháng vườn ca cao của ông mới bắt đầu cho trái.
Theo ông Nam: “Ca cao là loại cây dễ trồng, ít tốn công, bón phân mỗi năm 2 lần vào đầu và cuối mùa mưa. Cây cho trái quanh năm, đặc biệt vào mùa nắng cây cho sản lượng trái khá cao. Là cây trồng xen trong vườn dừa nhưng hiệu quả và năng suất đem lại không thua kém gì so với cây dừa”. Hiện nay, ca cao đã cho trái đồng đều mỗi tháng ông Nam tiến hành thu hoạch từ 5-6 lần với gần 200 kg/tháng, giá bán từ 4.300-4.500 đồng/kg. Mỗi tháng, gia đình ông Nam lại có thêm thu nhập trên 1,2 triệu đồng.
Với thành công bước đầu đem lại, ông Nam bày tỏ: “Lúc đầu trồng cây ca cao xen trong vườn dừa cũng lo lắng lắm vì đây là loại cây trồng khá mới so với vùng đất này nên chưa biết hiệu quả như thế nào, nhưng qua 3 năm trồng, cây cacao rất thích hợp để nông dân chúng ta xen canh trong vườn dừa. Đặc biệt, điểm nổi bật khi trồng cây ca cao trong vườn dừa năng suất dừa sẽ tăng từ 20-25% vì lá ca cao sau khi khô rụng xuống đất tạo độ che phủ làm ẩm đất, lâu ngày tạo thành mùn làm cho cây ca cao cũng như cây dừa phát triển tốt”. Hiện tại, ngoài thu nhập từ vườn ca cao gia đình ông Nam lại có thu nhập thêm từ hơn 70 gốc bưởi da xanh với giá từ 25.000-30.000 đồng/kg hàng năm thu về gần 8 triệu đồng và vườn dừa với mức giá 10.000-12.000 đồng/trái mỗi tháng thu nhập trên 6 triệu đồng.
Không dừng lại ở mô hình trồng ca cao, bưởi da xanh xen trong vườn dừa, ông Nam còn có thêm nguồn thu nhập nhờ nuôi ba ba bằng cách tận dụng diện tích mặt nước, cải tạo ao hồ trong vườn, xung quanh nhà thả nuôi ba ba và nhân giống ba ba con. Nói về lợi ích của con ba ba ông Nam cho biết: “Ba ba là loài háo ăn, thức ăn chính là các loài cá tạp, tôm tép,… nuôi chỉ trong vòng từ 1,5-2 năm là xuất bán được. Tuy nhiên, nuôi ba ba đòi hỏi phải che chắn xung quanh ao nuôi bằng 1 lớp tôn, để ba ba không đi được. Duy trì chế độ cho ba ba ăn đều đặn mỗi ngày 2 lần ba ba sẽ nhanh lớn, mau bán”. Giá ba ba thịt từ 170.000-270.000 đồng/kg tùy loại, mỗi năm trừ đi chi phí ông Nam còn có nguồn thu gần 20 triệu đồng. Được biết, với mô hình trồng ca cao, bưởi da xanh xen trong vườn dừa và kết hợp nuôi ba ba mỗi năm trừ đi chi phí gia đình ông Nam thu lợi nhuận trên 120 triệu đồng.
Với sáng tạo bằng cách tận dụng tối đa diện tích mặt đất cho trồng trọt và mặt nước ao hồ xung quanh để nuôi trồng loài thủy sản có giá trị kinh tế đã giúp nông dân tăng thu nhập đáng kể.
Có thể bạn quan tâm

Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định cho biết, đến nay, nông dân các huyện Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn và TP Quy Nhơn đã sử dụng trên 1.915 ha mặt nước để nuôi tôm thẻ chân trắng, tôm sú theo hình thức thâm canh, bán thâm canh và quảng canh cải tiến. Điều đáng lo ngại là tình hình dịch bệnh tôm diễn biến khá phức tạp, hiện có 31,5 ha mặt nước nuôi tôm tại huyện Phù Mỹ, Tuy Phước, Phù Cát, Hoài Nhơn đã bị dịch bệnh do virút đốm trắng và bệnh do môi trường gây hại. Đáng lo ngại là có một số vùng nuôi tôm đã xuất hiện hội chứng tôm chết sớm khiến cho người nuôi tôm lo lắng. Trước tình hình trên, ngành Nông nghiệp tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với chính quyền các địa phương khoanh vùng để xử lý dịch bệnh, nhằm khống chế và hạn chế dịch bệnh lây lan, đồng thời hướng dẫn người nuôi tôm áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh, bảo vệ tôm nuôi.

Tỉnh Tiền Giang đang thực hiện thí điểm mô hình nuôi lợn trên nền đệm lót sinh học, không tắm cho lợn suốt quá trình nuôi, vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi.

Từ đầu năm đến nay, Chi cục Thú y Đồng Nai đã hướng dẫn và đề nghị cấp chứng nhận an toàn dịch bệnh cho 18 trang trại chăn nuôi trong tỉnh và tái đăng ký cho 46 trang trại. Hiện toàn tỉnh có 114 cơ sở chăn nuôi đã được cấp chứng nhận an toàn dịch bệnh, gồm 65 trang trại gà và 49 trang trại heo

Đề tài Tuyển chọn các giống lúa chịu mặn thích nghi với vùng canh tác lúa chịu ảnh hưởng mặn ven biển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long được chính thức triển khai từ năm 2011 đến năm 2013.

Sở Khoa học và Công nghệ Bến Tre đã tổ chức Hội đồng Khoa học nghiệm thu Dự án “Xây dựng mô hình khắc phục hiện tượng sượng trái sầu riêng trên địa bàn huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre”, do Thạc sĩ Bùi Thanh Liêm (công tác tại Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách) làm chủ nhiệm.