Hiệu Quả Từ Mô Hình Hợp Tác Xã Chăn Nuôi Gà Đồi

Thôn Phú Thịnh 3, xã Phú Nhuận (Bảo Thắng - Lào Cai) có 67 hộ dân, trong đó, 60% hộ tham gia chăn nuôi, chủ yếu là chăn nuôi lợn, gà.
Nếu như trước đây, các hộ chỉ biết “thân ai nấy lo, mạnh ai nấy làm” thì giờ đây, với mô hình chăn nuôi mới, những người dân nơi đây đã chung sức, đồng lòng cùng nhau phát triển kinh tế.
Sự ra đời của một mô hình
Trước đây, gia đình ông Lê Tất Thành, là hộ dân trong thôn chăn nuôi gà với quy mô nhỏ, trong chuồng thường có 200 - 300 con, đủ chủng loại. Ông thường tự liên hệ, tìm đến các trại giống và đến các khu chợ lân cận để tìm mua con giống. Với cách chăn nuôi như vậy, hiệu quả kinh tế không cao.
Ông Thành cho biết: Con giống tự tìm nên không chuẩn, do nhiều giống gà khác nhau, nên khó khăn cho việc chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, việc tìm nguồn thức ăn chăn nuôi cũng gặp không ít khó khăn, giá thành khi mua lẻ các loại thức ăn gia cầm từ các cửa hàng cao, trừ chi phí, lãi thu về không nhiều.
Gia đình anh Ngô Văn Hiệp cũng cùng chung hoàn cảnh. Anh Hiệp nuôi gà tới nay đã được 4 năm, kinh nghiệm tích lũy chăn nuôi gà cũng nhiều, thế nhưng, sau mỗi lứa xuất chuồng với số tiền thu về anh vẫn thở dài ngao ngán, bởi vốn bỏ ra mua con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc phòng, chống bệnh cho gà lớn mà thu về chẳng được bao nhiêu vì bị tư thương ép giá.
Từ những khó khăn, trăn trở đó, những người dân nơi đây đã bàn nhau cần phải tìm hướng đi mới cho chăn nuôi gà tại địa phương. Sau những lần đi tìm hiểu phương thức, mô hình chăn nuôi hiệu quả từ những khu vực lân cận, xét thấy địa hình và khí hậu địa phương rất thích hợp với nuôi giống gà đồi, những hộ dân đã bàn nhau mạnh dạn chuyển sang nuôi giống gà này.
So với gà nuôi nhốt công nghiệp, gà đồi được đánh giá có nhiều ưu điểm vượt trội, bởi gà khỏe hơn, thịt săn và thơm ngon hơn, trọng lượng thịt cũng đảm bảo, giá thành cao hơn. Bên cạnh đó, để giúp đỡ lẫn nhau và cũng là giảm chi phí đầu vào, thuận tiện cho đầu ra sản phẩm, các hộ dân đã quyết định thành lập Hợp tác xã gà đồi Thịnh Phú.
Hiệu quả vượt trội
Kể từ khi Hợp tác xã gà đồi Thịnh Phú ra đời (7/2014), những hộ dân nhận thấy đây thực sự là hướng đi hiệu quả, không chỉ tạo được mối liên kết trong sản xuất giữa các hộ, mà còn giải quyết được các vấn đề về giống, thức ăn cũng như đầu ra cho sản phẩm. Từ chỗ chỉ có 13 hộ tham gia ban đầu, tới nay, số xã viên của hợp tác xã có 23 hộ và hứa hẹn sẽ không ngừng tăng.
Nói về những lợi ích từ việc tham gia hợp tác xã, anh Trần Văn Tuân, Chủ nhiệm Hợp tác xã gà đồi Thịnh Phú cho biết: Tham gia hợp tác xã, các xã viên có thể chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, giúp đỡ lẫn nhau; không phải tự tìm nguồn mua con giống hay thức ăn chăn nuôi vì đã có các doanh nghiệp tìm đến cung ứng. Điều đó đồng nghĩa với việc các xã viên sẽ được mua con giống, thức ăn chăn nuôi với giá thấp nhất do không phải thông qua trung gian, chất lượng con giống cũng được đảm bảo. Có những doanh nghiệp sẵn sàng cung ứng thức ăn chăn nuôi cho hợp tác xã và chấp nhận thanh toán khi các xã viên bán được sản phẩm. Về đầu ra, một số tư thương, nhà hàng, nhà máy chế biến trực tiếp đến các hộ trong hợp tác xã để ký hợp đồng thu mua với giá hợp lý. Hiện, trừ chi phí đầu vào, mỗi kg gà cho thu lãi khoảng 20.000 đồng.
Với gia đình anh Hiệp, trở thành xã viên Hợp tác xã gà đồi Thịnh Phú đã mang đến những hiệu quả nhất định về kinh tế. Nhờ tiết kiệm được chi phí đầu vào, tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm mà lợi nhuận thu được của gia đình anh tăng lên đáng kể. Anh Hiệp đã mở rộng quy mô chăn nuôi lên 1.500 con (500 con gà thịt, 1.000 con gà con) trên diện tích gần 5 ha đồi. Mỗi năm gia đình anh xuất 4 lứa gà, thu về hàng trăm triệu đồng. Còn gia đình ông Lê Tất Thành, giờ đây, nỗi lo con giống đã không còn nữa. Ông đã có thể yên tâm hơn với trại gà của mình. Với 2 ha đồi, nuôi gối 1.300 con gà, cứ 2 tháng ông xuất một lứa, một năm thu về trên 200 triệu đồng.
Mô hình Hợp tác xã gà đồi Thịnh Phú đang phát huy hiệu quả trong phát triển kinh tế. Sản phẩm của hợp tác xã được người tiêu dùng ưa chuộng và được tiêu thụ với số lượng lớn tại một số địa phương như: Sa Pa, Lai Châu, Than Uyên…Tuy nhiên, để có được vị trí vững chắc trên thị trường và trong lòng người tiêu dùng, hợp tác xã cần tiến tới xây dựng thương hiệu riêng mang tên gà đồi Thịnh Phú để phát huy tối đa hiệu quả chăn nuôi.
Có thể bạn quan tâm

Theo Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư (KN-KN) tỉnh, lợn hương có đặc điểm gần giống với lợn Móng Cái, thân ngắn tròn, thịt chắc, lông dài, đuôi nhỏ, mõm thuôn dài, bốn chân nhỏ và chắc, giữa trán có đốm trắng, đầu và gốc lưng đuôi khoang đen đặc trưng. Lợn hương trưởng thành có trọng lượng khoảng 40kg, tối đa đạt 140kg.

Mô hình chăn nuôi heo thịt đảm bảo vệ sinh môi trường có sử dụng đệm lót sinh học đã được Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư (KN-KN) huyện Phú Hòa và Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp thị trấn Phú Hòa chọn 4 hộ trên địa bàn thị trấn làm thí điểm. Qua 4 tháng triển khai, đến nay, mô hình đã mang lại kết quả khả quan.

Để từng bước đưa nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Phong Minh, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), nhiệm kỳ 2010 - 2015 vào cuộc sống, UBND xã đã xây dựng Chương trình phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Sau hơn 4 năm thực hiện, Chương trình đã đạt kết quả cao, nhiều hộ giàu lên.

Theo Chi Cục quản lý thị trường Lâm Đồng, thời gian qua đã phát hiện hàng chục tấn khoai tây có xuất xứ từ Trung Quốc được nhập về Đà Lạt. Vào thời điểm tiến hành kiểm tra, chủ những lô hàng này đều xuất trình được các loại giấy tờ hợp pháp nên không bị xử lý hành chính.

Hiện giá tôm trứng loại 50 - 60 con/kg thương lái thu mua từ 90.000 – 120.000đ/kg, giảm từ 15.000 – 20.000đ/kg so với cùng kỳ năm trước. Với mức giá này người nuôi không có lãi, vì theo bà con ở vùng nuôi chuyên canh tôm càng xanh của huyện thì chi phí đầu vào năm nay tăng khoảng 10% so với những năm trước.