Hiệu Quả Từ Công Tác Xoá Nghèo Ở Tam Giang Tây

Xã Tam Giang Tây những năm gần đây được đánh giá cao về công tác hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo. Với những cách làm hiệu quả cùng với ý thức, những hộ nghèo không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước mà tự phấn đấu vươn lên nên đời sống của những hộ dân sau khi được giúp đỡ ngày càng phát triển hơn.
Tam Giang Tây là xã ven biển, đời sống Nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, hộ nghèo, cận nghèo chiếm khá cao. Đa phần những hộ nghèo nơi đây không có tư liệu sản xuất, cuộc sống chủ yếu làm mướn. Trước những khó khăn đó, Đảng bộ, chính quyền xã Tam Giang Tây tìm ra nhiều giải pháp để hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo bằng việc Đảng uỷ xã phân công một đảng viên nhận hỗ trợ, giúp đỡ một hộ nghèo.
Nhìn chung, sau một thời gian được "cầm tay chỉ việc", những hộ nghèo đã vượt qua khó khăn. Các thành viên trong từng gia đình biết tiết kiệm để có tích luỹ, sử dụng vốn vay ưu đãi cho hộ nghèo có hiệu quả, đầu tư chăn nuôi, trồng trọt, buôn bán…, góp phần cải thiện kinh tế, từng bước thoát nghèo.
Ông Nguyễn Trường Thắng, Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ xã Tam Giang Tây, cho biết, mỗi hộ nghèo được một đảng viên dìu dắt, hướng dẫn cách thức làm ăn hiệu quả. Xã thường xuyên kết hợp với Phòng NN&PTNT huyện cử cán bộ khuyến nông, khuyến ngư đến hộ dân hướng dẫn kỹ thuật giúp đỡ hộ nghèo trong sản xuất.
Ngoài ra, xã trực tiếp đến những hộ gia đình có nhiều đất sản xuất vận động cho hộ nghèo mượn đất bờ bao, đất trống xung quanh biền để trồng trọt. Đa số bà con ở đây rất đồng lòng, rất nhiệt tình, từ đó hộ nghèo đều có đất để sản xuất, trồng màu đem lại thu nhập cao.
Năm 2013, được sự giúp đỡ của các ngành, các cấp, đặc biệt là sự hỗ trợ của Báo Cà Mau, cùng với sự quan tâm của xã Tam Giang Tây, đã giúp 87 hộ gia đình thoát nghèo. Đây là tín hiệu đáng mừng, tạo đà cho Tam Giang Tây thực hiện thắng lợi nhiệm vụ giảm nghèo, phát triển kinh tế.
Công tác hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo ở xã Tam Giang Tây không chỉ là sự giúp đỡ của Đảng, Nhà nước về tư liệu sản xuất, hỗ trợ vốn, hướng dẫn cách thức làm ăn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật… mà quan trọng đó là công tác tuyên truyền nâng cao ý thức phấn đấu tự vươn lên của những hộ nghèo.
Điển hình như gia đình chị Bào Phượng Tiền, ấp Kại Lá, sau khi chồng qua đời, một mình chị phải gánh vác, quán xuyến mọi công việc trong gia đình và còn phải nuôi đứa con trong tuổi ăn, tuổi học… cuộc sống gia đình chị quanh năm thiếu thốn.
Đầu năm 2010, chị được chính quyền địa phương xét hộ nghèo và giúp đỡ 4 triệu đồng. Vốn bản tính cần cù lao động, biết tính toán làm ăn, từ số tiền đó, chị đầu tư mua bán các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu ở địa phương. Qua 3 năm miệt mài mua bán, lao động, tiết kiệm trong chi tiêu, đến cuối năm 2013, chị Tiền tự giác trả sổ hộ nghèo.
Chị Bào Phượng Tiền chia sẻ: “Trước đây hoàn cảnh gia đình khốn khó lắm, một mình phải làm mướn nhưng không đủ ăn. Nhờ chính quyền địa phương xét cho hộ nghèo và cho mượn vốn, tôi mới có điều kiện mua bán, dần dần kinh tế ổn định. Tôi rất phấn khởi trước sự quan tâm của chính quyền địa phương”.
Còn trường hợp ông Quách Văn Dũng phải bán miếng vuông gần 7 ha chạy chữa căn bệnh tim cho vợ. Gần cả chục năm bệnh không hết, tiền chạy chữa cũng không còn nên gia đình ông lâm vào hoàn cảnh nghèo. Năm 2010, được chính quyền địa phương xét cấp sổ hộ nghèo, hỗ trợ vốn thực hiện mô hình chăn nuôi heo.
Vốn tính cần cù, chịu khó lao động, sau 6 tháng nuôi, gia đình bán heo được 10 triệu đồng. Ông Dũng trả 3 triệu đồng vốn vay Ngân hàng Chính sách - Xã hội, số tiền còn lại gia đình mua thêm 5 con heo giống, vịt xiêm về nuôi. Đầu năm 2013, gia đình ông Dũng được công nhận thoát nghèo.
Ông Nguyễn Trường Thắng chia sẻ, ngoài các giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo, xã Tam Giang Tây còn tranh thủ vận động các nhà hảo tâm ủng hộ bằng tiền, vật chất…
Đặc biệt, Báo Cà Mau là đơn vị nhận hỗ trợ, giúp đỡ xã Tam Giang Tây những năm qua đã giúp đỡ cho xã bằng tiền, vật chất, xây cất nhà cho giáo viên, cất nhà cho hộ nghèo… trị giá hàng tỷ đồng. Việc làm đó tiếp thêm động lực để đưa đời sống hộ nghèo từng bước nâng lên.
Có thể bạn quan tâm

Xuân Sơn là địa phương có điều kiện phát triển sản xuất nông nghiệp khó khăn nhất trên địa bàn huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa). Nguyên nhân là ở đây địa hình đồi núi nhiều, chất đất và khí hậu không thật sự thuận lợi. Trong những năm qua, bà con nông dân chỉ có thể phát triển được cây mía, cây keo hoặc chuối.

Kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2013 đạt khoảng 1,8 tỷ USD, tăng nhẹ so với năm ngoái, nhưng cả doanh nghiệp (DN) lẫn người hiện nay đều còn nhiều gánh nặng và trăn trở. Nghe cá quẫy, họ càng thêm rầu lòng.

Theo tin từ Tổng Cục Thủy sản - Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, vào quý II năm 2014, Bộ sẽ rót kinh phí đầu tư xây dựng một chợ đấu giá cá ngừ, địa điểm chợ nằm trong khu vực cảng cá Hòn Rớ - TP Nha Trang.

Chi cục Nuôi trồng Thủy sản tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp Công ty Globalcert đã trao giấy chứng nhận VietGAP cho hộ gia đình ông Nguyễn Đăng Nhân, ở ấp Ông Tô, xã Phước Thuận (huyện Xuyên Mộc) với sản phẩm tôm thẻ chân trắng, được nuôi trên diện tích 5,71 ha với sản lượng dự kiến khoảng 16 tấn/năm. Giấy chứng nhận có giá trị đến tháng 11 năm 2015.

Mô hình nuôi cua xanh thương phẩm bằng nguồn cua giống nhân tạo được Trạm Khuyến nông huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) triển khai đã đem lại kết quả khả quan, mở ra hướng nuôi trồng thuỷ sản mới cho bà con nông dân.