Hiệu Quả Từ Công Tác Xoá Nghèo Ở Tam Giang Tây

Xã Tam Giang Tây những năm gần đây được đánh giá cao về công tác hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo. Với những cách làm hiệu quả cùng với ý thức, những hộ nghèo không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước mà tự phấn đấu vươn lên nên đời sống của những hộ dân sau khi được giúp đỡ ngày càng phát triển hơn.
Tam Giang Tây là xã ven biển, đời sống Nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, hộ nghèo, cận nghèo chiếm khá cao. Đa phần những hộ nghèo nơi đây không có tư liệu sản xuất, cuộc sống chủ yếu làm mướn. Trước những khó khăn đó, Đảng bộ, chính quyền xã Tam Giang Tây tìm ra nhiều giải pháp để hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo bằng việc Đảng uỷ xã phân công một đảng viên nhận hỗ trợ, giúp đỡ một hộ nghèo.
Nhìn chung, sau một thời gian được "cầm tay chỉ việc", những hộ nghèo đã vượt qua khó khăn. Các thành viên trong từng gia đình biết tiết kiệm để có tích luỹ, sử dụng vốn vay ưu đãi cho hộ nghèo có hiệu quả, đầu tư chăn nuôi, trồng trọt, buôn bán…, góp phần cải thiện kinh tế, từng bước thoát nghèo.
Ông Nguyễn Trường Thắng, Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ xã Tam Giang Tây, cho biết, mỗi hộ nghèo được một đảng viên dìu dắt, hướng dẫn cách thức làm ăn hiệu quả. Xã thường xuyên kết hợp với Phòng NN&PTNT huyện cử cán bộ khuyến nông, khuyến ngư đến hộ dân hướng dẫn kỹ thuật giúp đỡ hộ nghèo trong sản xuất.
Ngoài ra, xã trực tiếp đến những hộ gia đình có nhiều đất sản xuất vận động cho hộ nghèo mượn đất bờ bao, đất trống xung quanh biền để trồng trọt. Đa số bà con ở đây rất đồng lòng, rất nhiệt tình, từ đó hộ nghèo đều có đất để sản xuất, trồng màu đem lại thu nhập cao.
Năm 2013, được sự giúp đỡ của các ngành, các cấp, đặc biệt là sự hỗ trợ của Báo Cà Mau, cùng với sự quan tâm của xã Tam Giang Tây, đã giúp 87 hộ gia đình thoát nghèo. Đây là tín hiệu đáng mừng, tạo đà cho Tam Giang Tây thực hiện thắng lợi nhiệm vụ giảm nghèo, phát triển kinh tế.
Công tác hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo ở xã Tam Giang Tây không chỉ là sự giúp đỡ của Đảng, Nhà nước về tư liệu sản xuất, hỗ trợ vốn, hướng dẫn cách thức làm ăn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật… mà quan trọng đó là công tác tuyên truyền nâng cao ý thức phấn đấu tự vươn lên của những hộ nghèo.
Điển hình như gia đình chị Bào Phượng Tiền, ấp Kại Lá, sau khi chồng qua đời, một mình chị phải gánh vác, quán xuyến mọi công việc trong gia đình và còn phải nuôi đứa con trong tuổi ăn, tuổi học… cuộc sống gia đình chị quanh năm thiếu thốn.
Đầu năm 2010, chị được chính quyền địa phương xét hộ nghèo và giúp đỡ 4 triệu đồng. Vốn bản tính cần cù lao động, biết tính toán làm ăn, từ số tiền đó, chị đầu tư mua bán các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu ở địa phương. Qua 3 năm miệt mài mua bán, lao động, tiết kiệm trong chi tiêu, đến cuối năm 2013, chị Tiền tự giác trả sổ hộ nghèo.
Chị Bào Phượng Tiền chia sẻ: “Trước đây hoàn cảnh gia đình khốn khó lắm, một mình phải làm mướn nhưng không đủ ăn. Nhờ chính quyền địa phương xét cho hộ nghèo và cho mượn vốn, tôi mới có điều kiện mua bán, dần dần kinh tế ổn định. Tôi rất phấn khởi trước sự quan tâm của chính quyền địa phương”.
Còn trường hợp ông Quách Văn Dũng phải bán miếng vuông gần 7 ha chạy chữa căn bệnh tim cho vợ. Gần cả chục năm bệnh không hết, tiền chạy chữa cũng không còn nên gia đình ông lâm vào hoàn cảnh nghèo. Năm 2010, được chính quyền địa phương xét cấp sổ hộ nghèo, hỗ trợ vốn thực hiện mô hình chăn nuôi heo.
Vốn tính cần cù, chịu khó lao động, sau 6 tháng nuôi, gia đình bán heo được 10 triệu đồng. Ông Dũng trả 3 triệu đồng vốn vay Ngân hàng Chính sách - Xã hội, số tiền còn lại gia đình mua thêm 5 con heo giống, vịt xiêm về nuôi. Đầu năm 2013, gia đình ông Dũng được công nhận thoát nghèo.
Ông Nguyễn Trường Thắng chia sẻ, ngoài các giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo, xã Tam Giang Tây còn tranh thủ vận động các nhà hảo tâm ủng hộ bằng tiền, vật chất…
Đặc biệt, Báo Cà Mau là đơn vị nhận hỗ trợ, giúp đỡ xã Tam Giang Tây những năm qua đã giúp đỡ cho xã bằng tiền, vật chất, xây cất nhà cho giáo viên, cất nhà cho hộ nghèo… trị giá hàng tỷ đồng. Việc làm đó tiếp thêm động lực để đưa đời sống hộ nghèo từng bước nâng lên.
Có thể bạn quan tâm

Mục tiêu của việc thử nghiệm để xác định khả năng chịu mặn của từng giống lúa, từ đó đánh giá mức độ chịu mặn và khả năng thích nghi với từng vùng đất chuyển đổi lúa - tôm, nhằm khuyến cáo nông dân thực hiện trong các vụ mùa tới, góp phần đa dạng hóa cơ cấu giống lúa chịu mặn, thích nghi, có năng suất, thời gian sinh trưởng ngắn ngày, khắc phục tình trạng thiếu hụt giống, giá thành cao.

Việc ứng dụng mô hình nhà lưới vào sản xuất rau màu không chỉ cải thiện dân sinh, mà còn mở ra hướng đi mới cho nền nông nghiệp ở huyện đầu nguồn An Phú (An Giang). Thông qua việc tạo nên những sản phẩm nông nghiệp an toàn, chất lượng, năng suất cao sẽ đóng góp quan trọng vào chuỗi cung ứng và quá trình xây dựng nông thôn mới.

Ở thời điểm này, hồ tiêu có giá hơn 190 nghìn đồng/kg. Cây tiêu đang mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn các loại cây trồng khác như cao su, cà phê, điều. Do lợi nhuận cao, nhiều hộ nông dân ở Bình Phước chặt bỏ điều, thậm chí cao su và đua nhau trồng tiêu, vừa tạo ra cơn sốt nọc tiêu, vừa có nguy cơ phá vỡ quy hoạch của ngành nông nghiệp.

Riêng cô Huỳnh Kim Đào quyết tâm tìm hiểu, dự hội thảo về khoa học kỹ thuật, tự tích lũy kinh nghiệm để tiếp tục theo đuổi cây nấm linh chi. Mặt khác, cô tự tìm đến các công ty sản xuất phôi để tìm phôi giống, đồng thời lo luôn đầu ra cho sản phẩm.

Với việc triển khai Đề án cơ giới hóa đã góp phần đáng kể trong việc giảm chi phí, giảm giá thành, tăng lợi nhuận cho người trồng lúa (bình quân giảm 4,3 triệu đồng/ha so với thu hoạch thủ công). Tổng nguồn vốn mà người dân vay để mua máy gặt đập liên hợp là 34,227 tỉ đồng.