Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Hiệu Quả Từ Cây Bí Đỏ Đồng Tiền

Hiệu Quả Từ Cây Bí Đỏ Đồng Tiền
Ngày đăng: 15/01/2015

Xác định vụ đông là vụ sản xuất chính trong năm, với mục tiêu nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác, một vài năm trở lại đây, thành phố Yên Bái đã đưa nhiều giống cây trồng mới vào sản xuất, trong đó có cây bí hạt đậu lai F1-868 hay còn gọi là bí đỏ đồng tiền vàng.

Qua triển khai trồng thử nghiệm cho thấy, đây là giống cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương và đã đem lại thu nhập cao cho người nông dân.
Gia đình bà Phí Thị Xuyến ở thôn 4 (xã Phúc Lộc) đã tham gia trồng cây bí đỏ đồng tiền vàng ngay từ vụ đông năm 2012. Đây là vụ đầu tiên Trạm Khuyến nông thành phố tiến hành trồng mô hình thí điểm tại xã với diện tích 4ha. Theo bà Xuyến, diện tích đất soi bãi của gia đình vốn chỉ trồng được một vụ ngô trong năm, còn lại vụ đông đất bỏ không, nếu trồng cũng không được thu hoạch.
Chính vì thế, khi có dự án trồng cây bí đỏ đồng tiền vàng trong vụ đông, gia đình lập tức đăng ký tham gia. Cây bí phù hợp với thổ nhưỡng nên phát triển sinh trưởng tốt, ít sâu bệnh, công chăm sóc không nhiều, lại cho năng suất cao. Trung bình 1 sào bí cho thu nhập từ 2 đến 2,2 triệu đồng.
Không chỉ cho thu hoạch về quả, cây bí đỏ còn cho thu nhập từ bán hoa và ngọn. Sau 3 năm trồng bí, bà Xuyến thấy đây là cây trồng cho thu nhập cao gấp 2 đến 3 lần so với cây ngô. Đến vụ đông năm nay, gia đình bà Xuyến tiếp tục trồng bí với diện tích 4 sào. Từ đầu vụ đến nay, đã cho thu hoạch 2 tạ quả. Dự tính vụ bí năm nay, gia đình bà thu hoạch được khoảng 5 tạ quả.
Thấy được hiệu quả kinh tế từ trồng cây bí đỏ hạt đậu lai cũng như góp phần tăng năng suất cây trồng trên một đơn vị diện tích đất canh tác, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái đã tiến hành nhân rộng diện tích bí đỏ hạt đậu lai F1 - 868 tại thôn Ngòi Sen và thôn Lưỡng Sơn (xã Văn Tiến, thành phố Yên Bái) trên diện tích 7ha với 70 hộ tham gia. Gia đình ông Phùng Viết Bảo là một trong những hộ đầu tiên trong thôn đăng ký trồng bí đỏ đồng tiền vàng.
Diện tích trồng của gia đình là 2 sào. Diện tích này vốn được dùng làm đất trồng cây ngô đông nhưng không hiệu quả. Ông Bảo cho biết: “Trong thời gian tới, người dân chúng tôi tiếp tục mong muốn được sự quan tâm của thành phố hỗ trợ để phát triển nhân rộng diện tích bí. Như ở thôn Lưỡng Sơn, chúng tôi sẽ phát triển lên 7ha”.
Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 100% giống bí đỏ hạt đậu lai F1, 30% vật tư phân bón theo định mức mô hình; được cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông tỉnh tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc và tư vấn phòng trừ sâu bệnh hại trong suốt quá trình triển khai. Hiện nay, diện tích bí trên địa bàn xã Văn Tiến trong giai đoạn ra quả. Tuy chưa thu hoạch, song qua đánh giá, cây bí đồng tiền vàng đem lại hiệu quả cao hơn so với các cây trồng khác.
Cây bí dễ trồng, dễ chăm sóc, chi phí vật tư, công lao động thấp, sản phẩm dễ tiêu thụ, ngoài thu hoạch quả còn tận thu được ngọn và hoa để bán. Đây là một tín hiệu khả quan để tiếp tục triển khai và nhân rộng trồng cây bí đỏ hạt đậu lai trên địa bàn toàn xã.
Ông Nguyễn Hữu Thiêm - Phó chủ tịch UBND xã Văn Tiến cho biết: “Được sự quan tâm của Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ trồng giống bí đỏ đồng tiền vàng trên địa bàn xã Văn Tiến, xã đã chỉ đạo 2 thôn làm điểm là thôn Lưỡng Sơn và Ngòi Sen vận động nhân dân tích cực tham gia mô hình. Đến nay, có thể đánh giá, cây bí rất hợp với thổ nhưỡng của địa phương, quả phát triển tốt, người dân đã bắt đầu thu hoạch. Bà con nhân dân cũng rất phấn khởi vì thấy cây bí cho hiệu quả kinh tế rất khả quan”.
Với hiệu quả kinh tế từ việc trồng cây bí đỏ hạt đậu lai F1-868 trong những vụ trước đây, vụ đông năm 2014, thành phố Yên Bái đã triển khai nhân rộng diện tích trồng cây bí đỏ với quy mô trên 16ha với 109 hộ dân tham gia tập trung tại 2 xã Phúc Lộc và Văn Tiến. Thực tế, cây bí đỏ hạt đậu lai phù hợp với điều kiện thời tiết, đất soi bãi của địa phương và cho năng suất, chất lượng cao. Theo đánh giá, trung bình năng suất quả đạt 16,6 - 19,4 tấn/ha. Ngoài ra, còn thu ngọn bí, hoa làm rau. Thu nhập từ trồng cây bí cao hơn 2,5 - 3 lần so với trồng ngô, người dân có thu nhập từ 40 đến 50 triệu đồng/ha.
Đánh giá về hiệu quả của mô hình trồng cây bí trên địa bàn thành phố, ông Trung Hải Sâm - Trạm trưởng Trạm Khuyến nông thành phố khẳng định: “Hiện nay, trên địa bàn thành phố triển khai mô hình trồng cây bí đỏ đồng tiền vàng tại 2 xã Phúc Lộc và Văn Tiến. Cán bộ khuyến nông viên cơ sở đã tiến hành hướng dẫn kỹ thuật và theo dõi quá trình sinh trưởng, và phát triển của cây bí. Chúng tôi thấy cây bí hợp với thổ nhưỡng của địa phương, sinh trưởng phát triển tốt. Hiện nay, bí đã cho thu hoạch. Sản phẩm thu đa dạng từ hoa, ngọn, quả non đến quả già. Chúng tôi đánh giá, nếu trồng bí cho thu nhập từ trên 40 triệu đồng/ha”.
Có thể khẳng định, hiệu quả từ những mô hình trồng bí đỏ hạt đậu F1 - 868 chính là một hướng đi mới trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, làm tăng năng suất trên một đơn vị diện tích đất canh tác trên địa bàn thành phố Yên Bái. Đây cũng là động lực giúp người nông dân đẩy mạnh thâm canh cây trồng, phát triển kinh tế và làm giàu ngay trên chính đồng đất quê mình.


Có thể bạn quan tâm

Lai Tạo Giống Dâu Năng Suất Cao Lai Tạo Giống Dâu Năng Suất Cao

Theo tiến sĩ Lê Quý Tùy, cán bộ Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm Lâm Đồng, Trung tâm này đã nhân giống thành công các giống dâu năng suất cao, được lai tạo từ các giống dâu địa phương của Lâm Đồng cùng các giống dâu nhập từ Ấn Độ, Trung Quốc.

29/06/2013
Người Chăn Nuôi Chật Vật Bám Nghề Người Chăn Nuôi Chật Vật Bám Nghề

Giá thu mua lợn hơi đã tăng thêm 2.000 đồng/kg so với cách đây 2 tháng, nhưng người chăn nuôi hiện vẫn phải chịu lỗ từ 500.000 - 600.000 đồng/tạ thịt.

29/06/2013
Thành Phố Cà Mau Sau Hơn 2 Năm Xây Dựng Nông Thôn Mới Thành Phố Cà Mau Sau Hơn 2 Năm Xây Dựng Nông Thôn Mới

Sau hơn 2 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), tổng kinh phí đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn để xây dựng các tiêu chí NTM trên địa bàn 7/7 xã của TP Cà Mau trên 154 tỷ đồng.

29/06/2013
Mô Hình Chăn Nuôi Kết Hợp Gà – Cá Sấu Cách Làm Sáng Tạo Mô Hình Chăn Nuôi Kết Hợp Gà – Cá Sấu Cách Làm Sáng Tạo

“Thấy những sản phẩm thải ra từ trại gà phải vứt đi nghĩ cũng uổng phí”, anh Nguyễn Thanh Hùng (ấp Bà Phái, xã Long Nguyên, Bến Cát, Bình Dương) mang niềm trăn trở đi tìm một mô hình chăn nuôi kết hợp “đặng làm sao tận dụng được nguồn thức ăn phong phú từ trại gà”!

29/06/2013
Giữ Rừng Cho Con Cháu Mai Sau Giữ Rừng Cho Con Cháu Mai Sau

Gặp chúng tôi, Chủ tịch Hội người cao tuổi xã Thanh Nưa, ông Vi Văn Nhọt phấn khởi khoe về mô hình khoanh nuôi, bảo vệ rừng của Chi hội người cao tuổi Hạ Thanh. Tuy là tự phát nhưng được duy trì và phát triển hiệu quả là nhờ tinh thần lao động hăng say, ý thức trách nhiệm, lòng kiên trì không ngại vất vả của tất cả các hội viên trong chi hội. Điều đó mang lại lợi ích to lớn và thiết thực cho người dân Hạ Thanh và là tấm gương trong công tác khoanh nuôi, bảo vệ rừng.

29/06/2013