Hiệu quả tổ sản xuất giống ở xã Mỹ Hòa

Tổ giống ở ấp 2 xã Mỹ Hoà được thành lập cách đây 3 năm với diện tích ban đầu chỉ có 25ha. Ông Lê Minh Đời, Tổ trưởng Tổ giống kể: “Khi chuẩn bị thành lập tổ, tôi phải đi đến từng hộ vận động tham gia, tuy nhiên rất ít người muốn tham gia vì phải thực hiện theo đúng quy trình do Công ty yêu cầu, nghĩa là phải sạ hàng, sạ thưa và áp dụng quy trình kỹ thuật, nhất là quy trình khử lẫn nghiêm ngặt.
Lúc đó, nhiều nông dân nơi dây còn quen với tập quán sản xuất cũ là sạ dày, sử dụng rất nhiều phân, thuốc trong một mùa vụ và chưa quen với hình thức bao tiêu đầu ra. Bây giờ thì đã khác, sau 3 năm sản xuất giống, tư duy của các hộ dân nơi đây thay đổi tích cực từ những hiệu quả thực tế mang lại cho gia đình mình”.
Vụ đông xuân sớm 2013 - 2014 này, 40 hộ dân trong tổ đã có 1 vụ mùa bội thu, khi thu hoạch đạt năng suất bình quân 9,8 tấn/ha và được Công ty bao tiêu cao hơn giá thị trường tại thời điểm thu hoạch 600 - 800 đồng/kg, mỗi ha nông dân lợi nhuận 30 - 40 triệu đồng, cao hơn các hộ dân sản xuất lúa thường trên 10 triệu đồng/ha.
Chị Nguyễn Thị Thanh Lan, người đã tham gia tổ giống ngay từ đầu chia sẻ: “Tham gia vào tổ liên kết này tôi tâm đắc nhất là được công ty cung cấp giống và thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) ngay từ đầu vụ, đến cuối vụ mới thanh toán. Nhờ vậy giúp cho gia đình tôi giảm được rất nhiều chi phí, nhất là khỏi phải trả lãi suất khi mua thuốc BVTV thiếu ở các cửa hàng”.
Ngoài ra, chị Lan và các hộ trong tổ giống không cần phải lo tìm đầu ra hay sợ thương lái ép giá mỗi khi vào vụ thu hoạch, vì công ty đã bao tiêu với giá cao hơn thị trường. Anh Bùi Thanh Tùng cho biết, anh mới tham gia vào tổ sản xuất giống được 2 vụ nhưng thấy rõ hiệu quả của nó.
Anh được cán bộ hướng dẫn kỹ thuật, giúp giảm chi phí từ giống, thuốc BVTV, phân bón, công chăm sóc... nhưng năng suất lại tăng hơn sản xuất bình thường. Chỉ tính riêng giống, do sạ theo phương pháp cấy mạ, chỉ sử dụng 6kg lúa giống/công, nên giảm hơn sạ hàng khoảng 6kg và giảm hơn sạ tay trên 10 kg/công.
Anh Tùng cũng được Công ty cung cấp thuốc BVTV nên anh yên tâm không sợ mua trúng thuốc trừ sâu giả, kém chất lượng. Vụ đông xuân sớm 2013 - 2014 năm nay, với 1,2ha sản xuất lúa giống, năng suất 10 tấn/ha, anh Tùng đạt lợi nhuận trên 50 triệu đồng, cao hơn các vụ anh sản xuất lúa thường gần 20 triệu đồng.
Tham gia tổ liên kết sản xuất giống, người dân được cung cấp giống, thuốc BVTV đến cuối vụ mới thanh toán, được hỗ trợ 30% chi phí giống, tiền công cấy, dặm, được bao tiêu đầu ra với giá cao hơn thị trường, được cán bộ chuyên môn hướng dẫn kỹ thuật trong suốt quá trình canh tác. Từ hiệu quả thực tế đã làm thay đổi tư duy sản xuất theo tập quán cũ của nhiều nông dân, giúp nông dân quen dần với sản xuất theo phương thức liên kết tập thể.
Có thể bạn quan tâm

Trung tâm Nông nghiệp Đà Lạt vừa cấp 64 ngàn cây giống ớt ngọt Hà Lan cho 20 hộ nông dân thuộc các xã Xuân Trường, Xuân Thọ, Trạm Hành và Tà Nung.

Ngày 25.8, ông Trần Văn Tân - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Trị cho biết, hiện đã có 10ha sắn thuộc 4 xã tại huyện Hướng Hóa bị rệp sáp bột hồng (rệp châu Phi) tấn công, trong đó nhiều nhất là xã A Dơi với 5ha.

Thanh long là sản phẩm lợi thế của Bình Thuận - điều đó không cần phải bàn cãi. Song, để giải “bài toán” tiêu thụ cho loại trái cây đặc sản lại là vấn đề mà bấy lâu nay địa phương cùng các ngành chức năng vẫn chưa có “đáp án” cụ thể…

Tin từ Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa, cho biết: Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ký quyết định phương án hỗ trợ gạo tẻ thường cho người trồng rừng ở huyện vùng cao, biên giới Mường Lát (giai đoạn 2013- 2018).

TS. Đặng Thị Hoàng Oanh cho biết, bệnh hoại tử gan tụy xuất hiện ở cả tôm sú và tôm thẻ chân trắng sau 10-45 ngày thả giống, tỷ lệ chết lên đến 100% ở những ao bệnh nặng. Triệu chứng, tôm có dấu hiệu lờ đờ, bỏ ăn, gan tụy teo lại và có màu sắc nhợt nhạt, kèm theo các dấu hiệu mềm vỏ, sẫm màu, có đốm trên vỏ đầu ngực.