Hiệu Quả Nuôi Heo Theo Mô Hình Khép Kín

Mô hình chăn nuôi của anh Nguyễn Văn Thơi (ấp 5, xã Tân Lập, huyện Bắc Tân Uyên, Bình Dương) là một trong những mô hình điển hình trong chăn nuôi khép kín hiệu quả tại địa phương. Nhờ mô hình nuôi heo này, không những giúp đời sống kinh tế của gia đình anh khá lên mà còn đưa ra được hướng chăn giảm thiểu ô nhiễm môi trường cũng như hạn chế dịch bệnh.
Chúng tôi đến thăm mô hình chăn nuôi heo của anh Thơi đúng lúc anh đang tất bật với việc chăm sóc đàn heo. Mồ hôi nhễ nhại nhưng anh vẫn niềm nở cho biết: “Năm 2004, sau bao năm vất vả lam lũ làm thuê, cày mướn, gia đình tôi đã dành dụm được một số tiền và quyết định đầu tư mua cao su.
Để lấy ngắn nuôi dài, tôi đã đầu tư nuôi heo để có vốn chăm cây cao su. Cũng giống như bao hộ gia đình khác, do tôi nuôi theo quy mô nhỏ lẻ, manh mún nên lứa heo đầu tiên với 30 con heo nái đã bị thất bại.
Không nản, tôi đã đi thăm những trang trại nuôi heo thành công để tìm hiểu và học cách chăm sóc heo cũng như kỹ thuật chuồng trại. Sau khi thăm một số mô hình tôi đã mạnh dạn đầu tư xây dựng khu chăn nuôi khép kín nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm khả năng mắc bệnh cho vật nuôi”.
Hiện nay, khu chuồng trại của gia đình anh Thơi có diện tích gần 2.000m2 được chia làm nhiều khu chăn nuôi khác nhau, bố trí một cách khoa học phù hợp với từng lứa tuổi của đàn heo. Trại heo được phân thành khu chăn nuôi heo nái sinh sản, khu heo con và sau cùng là khu nuôi heo thịt.
Chuồng trại được xây dựng mát mẻ, thông thoáng và thường xuyên được vệ sinh sạch sẽ, phun hóa chất khử trùng tiêu độc, cách ly với môi trường xung quanh. Đặc biệt, trại nuôi không có mùi hôi đặc trưng của một trại heo, cũng không có ruồi nhặng và côn trùng.
Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, anh đã đầu tư lắp đặt hệ thống biogas phục vụ sản xuất và sinh hoạt trong gia đình. Anh Thơi chia sẻ: “Chăn nuôi quan trọng nhất là phải tiêm phòng đầy đủ cho đàn heo, thường xuyên làm tốt công tác kiểm tra thú y và giữ cho nhiệt độ của chuồng trại hợp lý.
Thông qua sách báo và sự hướng dẫn của nhân viên thú y để bảo đảm môi trường chăn nuôi an toàn, tiêm ngừa dịch bệnh cho heo đúng thời điểm và liều lượng”. Hiện nay, trang trại của anh Thơi đang nuôi khoảng 800 con heo, trong đó có 100 con heo nái và 700 con heo thịt.
Mặc dù với quy mô chăn nuôi khá lớn nhưng mọi công việc từ cho ăn, vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng… đều do gia đình anh tự làm mà không thuê mướn thêm nhân công. Nhờ mạnh dạn áp dụng đúng quy trình kỹ thuật cùng với những kinh nghiệm tích lũy và sự cần cù nên đàn heo của gia đình anh rất hiếm khi bị mắc bệnh.
Anh cho biết, bình quân mỗi tháng xuất được 10 tấn heo thịt, giá bình quân khoảng hơn 5 triệu đồng/tạ. Chia sẻ về việc tiêu thụ sản phẩm, anh Thơi cho biết: “Thức ăn chăn nuôi heo của gia đình chủ yếu là cám, bắp, khoai, rau… không có thuốc tăng trọng, thường xuyên được tiêm phòng cẩn thận nên heo khỏe mạnh, thịt chắc, thương lái đều tự đến tận nhà để thu mua”.
Nhận định về mô hình nuôi heo của anh Thơi, bà Nguyễn Thị An Kim, Chủ tịch UBND xã Tân Lập, cho biết: “Mô hình chăn nuôi heo khép kín của anh Thơi không chỉ cho thu nhập kinh tế gia đình cao mà còn là một trong những mô hình điển hình về những giải pháp giúp người chăn nuôi giảm bớt rủi ro bệnh dịch cho đàn vật nuôi”.
Có thể bạn quan tâm

Nghiên cứu, chọn tạo các giống chè năng suất, chất lượng là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của các nhà khoa học nhằm góp phần phục vụ tốt hơn nhu cầu thưởng thức đồ uống của người dân trong nước và xuất khẩu.

Được biết, trong thời gian trở lại đây, sản xuất rau an toàn (RAT) không chỉ tạo ra sản phẩm sạch, tạo uy tín cho người tiêu dùng mà góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân. Thực tiễn thành công của một số mô hình sản xuất RAT đã cho thấy việc nhân rộng và phát huy hiệu quả của mô hình này là cần thiết.

Khổ qua là một loại rau xanh có thể tác dụng trị bệnh, lại chế biến được khá nhiều món ăn ngon. Theo y học cổ truyền, trái khổ qua có vị đắng-ngọt, tính bình; ăn khổ qua dễ tiêu hóa, có tác dụng tốt đối với người bị bệnh tiểu đường.

Nói đến nông nghiệp của tỉnh Lâm Đồng, người ta thường nghĩ đến cà phê, trà, dâu tằm… Thế nhưng, “Lúa gạo Cát Tiên” là sản phẩm nông nghiệp thứ năm của tỉnh Lâm Đồng được cấp giấy chứng nhận thương hiệu.

Lễ hội Tịch điền vào mỗi mùa xuân dưới chân núi Đọi (xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) có ý nghĩa nhắc chúng ta nhìn nhận đầy đủ hơn đến sự phát triển nông nghiệp bền vững của nông nghiệp trong thời đại ngày nay.