Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Hiệu quả nuôi bò trên đệm lót sinh học

Hiệu quả nuôi bò trên đệm lót sinh học
Ngày đăng: 30/05/2015

Trang trại bò giống của ông Nguyễn Lợi Đức tại xã Vĩnh Gia (Tri Tôn) quy mô trên 700 héc-ta và đang tiếp tục được mở rộng. Ông Đức chia sẻ: “Trước đây, công việc chủ yếu của tôi là sản xuất giống lúa. Sau khi được huyện Tri Tôn cho đi tham quan mô hình nuôi bò tại huyện Ba Tri (Bến Tre), tôi thấy đầu tư nuôi bò chất lượng cao là hướng đi bền vững. Sau đó, tôi tự tìm đến các mô hình nuôi bò ở miền Đông Nam Bộ để học hỏi kinh nghiệm và thực hiện”.

Đến nay, với 71 héc-ta đất trên cánh đồng đê bao thuộc ấp Vĩnh Lạc, xã Vĩnh Gia (Tri Tôn), ông Đức đã chuyển từ canh tác lúa giống sang trồng cỏ nuôi bò để phục vụ cho việc nuôi đàn bò chất lượng cao, quy mô lớn. Đây là một trong những mô hình nuôi bò tập trung, gắn với hiệu quả thiết thực, nhằm phát huy các mô hình sản xuất lớn theo hướng liên kết có lợi cho doanh nghiệp và nông dân.

Để đầu tư xây dựng mô hình trang trại nuôi bò thịt và bò sinh sản, ngoài việc lựa chọn những con bò lai sind khỏe mạnh tại địa phương, ông Đức còn tìm đến các trung tâm nghiên cứu, chăn nuôi gia súc lớn tại Bình Dương để mua một số giống bò ngoại to con, như: Drought Master, Brahman, Red Angus… mang về lai tạo cùng giống bò địa phương đã được tuyển lựa kỹ để nhân giống tạo đàn bò thịt chất lượng cao.

Đến thời điểm hiện tại, ông Đức đã xây dựng ba trang trại nuôi bò, mỗi trang trại có diện tích 1.000m2. Ông Đức cũng đã đầu tư trên 10 tỷ đồng để xây chuồng trại thông thoáng, kiên cố, trang thiết bị phục vụ cho chăn nuôi và mua con giống. Để nuôi bò đạt hiệu quả cao, ông Đức còn áp dụng quy trình đệm lót sinh học cho bò sinh sản.

Phương pháp này vừa tiết kiệm được chi phí, vừa có thể tận dụng phân chuồng làm phân bón cho cây. Điều quan trọng là nuôi bò trên đệm lót sinh học bò tăng trưởng nhanh và đạt hiệu quả cao. Ông Đức cho biết: “Đến nay, đã hơn 7 tháng thực hiện đệm lót sinh học, so với nuôi bò bằng chuồng trại láng bê tông thì chuồng có đệm lót sinh học tiết kiệm được nhiều sức lao động, ít công chăm sóc, con bò nuôi trên đệm lót sinh học cũng sạch sẽ hơn bò nuôi thông thường”.

Để mô hình phát triển bền vững, ông Đức cho rằng, không thể làm ăn nhỏ lẻ mà cần phải có sự hợp tác trong việc trao đổi con giống, hỗ trợ kỹ thuật, liên kết với các công ty để tiêu thụ bò thương phẩm. Đồng thời, nông dân cũng cần được hưởng những chính sách hỗ trợ như vay vốn ưu đãi.

Ông Đức dự kiến trong năm 2015, khi được hỗ trợ vay vốn, ông sẽ nhập thêm khoảng 500 con bò giống, để đến cuối năm 2016 trang trại sẽ đạt quy mô 2.000 con. Khi đó, ông Đức sẽ tìm đến những hộ dân có nhu cầu chăn nuôi nhưng thiếu vốn để hỗ trợ con giống, kỹ thuật và thu mua lại sản phẩm, góp phần tạo thêm việc làm và giảm nghèo tại đại phương.

Những năm gần đây, ngành Chăn nuôi đã có nhiều giải pháp về xử lý chất thải trong chăn nuôi, chủ yếu là ủ phân hữu cơ, sử dụng hầm biogas, sử dụng chế phẩm sinh học để diệt vi sinh vật gây hại và đang đẩy mạnh áp dụng đệm lót sinh học. Đệm lót sinh học có thể sử dụng trong chăn nuôi hầu hết các loại gia súc gia cầm, như: Trâu, bò, heo, gà…

Phân chuồng dùng làm đệm lót sinh học sau khi sử dụng được coi là một loại phân bón cho cây trồng không gây ô nhiễm môi trường và phù hợp với việc sử dụng cho các loại cây trồng cho sản phẩm sạch.


Có thể bạn quan tâm

Tìm Cách Giúp Người Nuôi Cá Tra Thoát Lỗ Tìm Cách Giúp Người Nuôi Cá Tra Thoát Lỗ

Đại diện cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và người nuôi cá tra đều đồng tinh rằng việc nuôi theo hợp đồng với doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra là cách bảo đảm cho người nuôi có lãi, hạn chế rủi ro khi nguồn nguyên liệu dư thừa hay thiếu hụt đẩy người nuôi cá nhỏ lẻ vào cảnh khó khăn.

24/09/2013
Gà Thả Vườn Cho Lợi Nhuận Từ 6 - 9 Triệu Đồng/mô Hình Gà Thả Vườn Cho Lợi Nhuận Từ 6 - 9 Triệu Đồng/mô Hình

Trong 96 mô hình ứng dụng sản xuất được triển khai trong năm 2013 ở huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng) thì có 49 mô hình đầu tư nuôi gà thả vườn, bình quân mỗi hộ được hỗ trợ 227 con giống, trong đó, chủ yếu dành cho hộ nghèo và cận nghèo.

24/09/2013
Giống Thủy Sản Đủ Sức Cạnh Tranh Trên Thị Trường Giống Thủy Sản Đủ Sức Cạnh Tranh Trên Thị Trường

Lào Cai có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển thủy sản, đặc biệt là các loài cá nước lạnh, thủy đặc sản do nguồn nước dồi dào, chưa bị ô nhiễm. Những năm qua, phát triển thủy sản góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói, giảm nghèo tại địa phương.

25/09/2013
Bỏ Phố Về Quê Nuôi Lợn Bỏ Phố Về Quê Nuôi Lợn

Mơ ước trở thành kỹ sư công trình thủy lợi, nhưng khi “giấc mơ” trở thành hiện thực với 5 năm kinh nghiệm và công việc ổn định ở thủ đô, Thái Đình Hải lại “bỗng nhiên” từ bỏ tất cả, trở về quê nuôi lợn. Câu chuyện về chàng trai trẻ “ngược đời” này đang chuẩn bị đi đến hồi... kết thúc có hậu.

25/09/2013
Con Tôm Lên Đời Con Tôm Lên Đời

Sau 2 năm dài tôm bị dịch bệnh bùng phát làm chết tràn lan khiến hàng loạt hộ nuôi tôm ở ĐBSCL trắng tay, gần đây tôm nuôi “được mùa, được giá”, tạo nên không khí sôi động trên các cánh đồng tôm…

26/09/2013