Hiệu quả nuôi bò trên đệm lót sinh học

Trang trại bò giống của ông Nguyễn Lợi Đức tại xã Vĩnh Gia (Tri Tôn) quy mô trên 700 héc-ta và đang tiếp tục được mở rộng. Ông Đức chia sẻ: “Trước đây, công việc chủ yếu của tôi là sản xuất giống lúa. Sau khi được huyện Tri Tôn cho đi tham quan mô hình nuôi bò tại huyện Ba Tri (Bến Tre), tôi thấy đầu tư nuôi bò chất lượng cao là hướng đi bền vững. Sau đó, tôi tự tìm đến các mô hình nuôi bò ở miền Đông Nam Bộ để học hỏi kinh nghiệm và thực hiện”.
Đến nay, với 71 héc-ta đất trên cánh đồng đê bao thuộc ấp Vĩnh Lạc, xã Vĩnh Gia (Tri Tôn), ông Đức đã chuyển từ canh tác lúa giống sang trồng cỏ nuôi bò để phục vụ cho việc nuôi đàn bò chất lượng cao, quy mô lớn. Đây là một trong những mô hình nuôi bò tập trung, gắn với hiệu quả thiết thực, nhằm phát huy các mô hình sản xuất lớn theo hướng liên kết có lợi cho doanh nghiệp và nông dân.
Để đầu tư xây dựng mô hình trang trại nuôi bò thịt và bò sinh sản, ngoài việc lựa chọn những con bò lai sind khỏe mạnh tại địa phương, ông Đức còn tìm đến các trung tâm nghiên cứu, chăn nuôi gia súc lớn tại Bình Dương để mua một số giống bò ngoại to con, như: Drought Master, Brahman, Red Angus… mang về lai tạo cùng giống bò địa phương đã được tuyển lựa kỹ để nhân giống tạo đàn bò thịt chất lượng cao.
Đến thời điểm hiện tại, ông Đức đã xây dựng ba trang trại nuôi bò, mỗi trang trại có diện tích 1.000m2. Ông Đức cũng đã đầu tư trên 10 tỷ đồng để xây chuồng trại thông thoáng, kiên cố, trang thiết bị phục vụ cho chăn nuôi và mua con giống. Để nuôi bò đạt hiệu quả cao, ông Đức còn áp dụng quy trình đệm lót sinh học cho bò sinh sản.
Phương pháp này vừa tiết kiệm được chi phí, vừa có thể tận dụng phân chuồng làm phân bón cho cây. Điều quan trọng là nuôi bò trên đệm lót sinh học bò tăng trưởng nhanh và đạt hiệu quả cao. Ông Đức cho biết: “Đến nay, đã hơn 7 tháng thực hiện đệm lót sinh học, so với nuôi bò bằng chuồng trại láng bê tông thì chuồng có đệm lót sinh học tiết kiệm được nhiều sức lao động, ít công chăm sóc, con bò nuôi trên đệm lót sinh học cũng sạch sẽ hơn bò nuôi thông thường”.
Để mô hình phát triển bền vững, ông Đức cho rằng, không thể làm ăn nhỏ lẻ mà cần phải có sự hợp tác trong việc trao đổi con giống, hỗ trợ kỹ thuật, liên kết với các công ty để tiêu thụ bò thương phẩm. Đồng thời, nông dân cũng cần được hưởng những chính sách hỗ trợ như vay vốn ưu đãi.
Ông Đức dự kiến trong năm 2015, khi được hỗ trợ vay vốn, ông sẽ nhập thêm khoảng 500 con bò giống, để đến cuối năm 2016 trang trại sẽ đạt quy mô 2.000 con. Khi đó, ông Đức sẽ tìm đến những hộ dân có nhu cầu chăn nuôi nhưng thiếu vốn để hỗ trợ con giống, kỹ thuật và thu mua lại sản phẩm, góp phần tạo thêm việc làm và giảm nghèo tại đại phương.
Những năm gần đây, ngành Chăn nuôi đã có nhiều giải pháp về xử lý chất thải trong chăn nuôi, chủ yếu là ủ phân hữu cơ, sử dụng hầm biogas, sử dụng chế phẩm sinh học để diệt vi sinh vật gây hại và đang đẩy mạnh áp dụng đệm lót sinh học. Đệm lót sinh học có thể sử dụng trong chăn nuôi hầu hết các loại gia súc gia cầm, như: Trâu, bò, heo, gà…
Phân chuồng dùng làm đệm lót sinh học sau khi sử dụng được coi là một loại phân bón cho cây trồng không gây ô nhiễm môi trường và phù hợp với việc sử dụng cho các loại cây trồng cho sản phẩm sạch.
Có thể bạn quan tâm

Tương tự, tại huyện Tân Phước (Tiền Giang) - địa bàn có diện tích khóm lớn nhất ĐBSCL với hơn 14.000ha, giá khóm hiện chỉ dao động ở mức 1.000 đồng/kg, giảm mạnh so với mức giá 3.000 - 3.500 đồng/kg cuối tháng trước, do đang vào thu hoạch vụ chính.

Với xuất phát điểm thấp, các ngành nghề công nghiệp nông thôn (CNNT) tỉnh Hậu Giang còn lạc hậu so với các địa phương khác. Cả tỉnh có trên 4.224 cơ sở CNNT, nhưng đa số hoạt động nhỏ lẻ, manh mún, thiếu liên kết trong sản xuất - tiêu thụ. Do vậy, công nghiệp nông thôn vẫn loay hoay chưa tìm ra chỗ đứng.

Trong sản xuất nông nghiệp, ông cha ta vẫn truyền nhau kinh nghiệm: "Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống" đó là những điều kiện không thể thiếu để đạt năng suất cao.

Dự báo, năng suất chỉ đạt khoảng 50-60% so với năm ngoái. Ông Đỗ Văn Thành, ở ấp Nhơn Phú 1, xã Nhơn Nghĩa A, cho hay: “Vào thời điểm để trái, thấy cây ra bông mà mừng trong bụng, vì nghĩ rằng năm nay sẽ trúng mùa. Nhưng không hiểu vì sao, tuy có ra bông nhưng số trái đậu rất thấp và trái bị rụng khá nhiều, mặc dù đã không ít lần xịt thuốc phòng chống sâu bệnh”.

Dồn điền đổi thửa (DĐĐT) là hướng đi đang được thôn Dương Đàn, xã Tam Dân triển khai nhằm thúc đẩy nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa.