Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Hiệu Quả Mô Hình Trồng Dưa Chuột Trên Đất Ruộng Xuân Lâm (Nghệ An)

Hiệu Quả Mô Hình Trồng Dưa Chuột Trên Đất Ruộng Xuân Lâm (Nghệ An)
Ngày đăng: 24/09/2012

Những năm qua, nhờ tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng hệ số quay vòng đất, tăng năng suất trên đơn vị diện tích,cây trồng vụ đông ở xã Xuân Lâm (Nam Đàn, Nghệ An) đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, trong đó dưa chuột được xem là một trong những cây chủ lực...
 
Ông Phan Đình Nhâm - Chủ nhiệm HTX Xuân Lâm 2, cho biết: Trước đây cây trồng trong vụ đông chủ yếu là ngô, khoai lang nhưng thu nhập thấp. Đến năm 2002, HTX đã mạnh dạn phối hợp cùng trạm Khuyến nông huyện xây dựng mô hình trồng dưa chuột sạch, có hơn 20 hộ tham gia với diện tích 1,5 ha trên đất ruộng 2 lúa. Những cánh đồng bằng phẳng, chủ động nước tưới được lựa chọn để sản xuất; cùng với đó HTX hỗ trợ bà con 100% tiền giống, Trạm tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái sản phẩm... Ngay vụ đầu, các hộ trồng dưa đã thắng lớn, 1 sào dưa cho năng suất trung bình từ 2 - 2,2 tấn, lãi ròng khoảng 1,5 triệu đồng.

Nhận thấy mô hình mang lại hiệu quả kinh tế, UBND xã đã tổ chức hội thảo đầu bờ để nhân dân trong xã học tập, nhân rộng; HTX xã tiếp tục quy hoạch thành vùng sản xuất tập trung (chủ yếu xóm ở 16, 17) đồng thời khuyến khích nông dân chuyển đổi những chân ruộng màu mỡ, thuận lợi tưới tiêu và vận chuyển hàng hoá sang trồng loại cây này. Để bà con yên tâm sản xuất, ban quản trị HTX tiếp tục hỗ trợ giá giống 2 năm tiếp theo. Từ 2006 đến nay, vụ đông năm nào HTX Xuân Lâm 2 cũng ổn định diện tích dưa chuột 6 - 7 ha, tập trung chủ yếu ở xứ đồng Cổ Hồ và đồng Khén; cho thu nhập ổn định gấp 3 lần so với độc canh cây lúa trên cùng diện tích. Ngoài ra, khi trồng dưa trên đất ruộng sẽ giúp đất tơi xốp và giảm được lượng phân bón khi trồng lúa ở vụ kế tiếp.
 
Giống chủ yếu là dưa chuột địa phương phát triển tốt, hiệu quả kinh tế cao. Bà con nông dân ở đây đã ý thức rất tốt trong việc xây dựng thương hiệu “dưa chuột sạch”. Thuốc trừ sâu chỉ duy nhất sử dụng 1 lần, vào thời điểm khi cây bắt đầu mọc 3 - 4 lá (khoảng 20 ngày tuổi) thì bắt đầu bón thúc phân NPK và phân đạm; trong quá trình chăm sóc và thu hoạch bà con chỉ sử dụng nước từ máy bơm và kênh tưới thuỷ lợi...
 
Với niềm phấn khởi được mùa của vụ đông năm trước, anh Phan Hữu Kim (ở xóm 16) vui vẻ cho biết: "Cây dưa chuột tuy là cây vụ Đông nhưng được người dân Xuân Lâm coi như là cây xóa đói, giảm nghèo. Vì đây là loại cây truyền thống, người dân đã có kinh nghiệm nên việc trồng dưa chuột không vất vả và tốn ít công chăm sóc hơn so với các loại cây trồng khác. Năm ngoái, dưa chuột không những được về năng suất mà còn được cả về giá; năng suất trung bình 2,2 tấn/sào, giá bán tại ruộng đầu vụ, cuối vụ được 4.500 - 5.000 đồng/kg. Nếu trồng sớm có thu hoạch trước có thể bán được giá từ 6.000 đồng/kg; với hơn 1 sào dưa chuột, gia đình tôi cũng thu được 7 triệu đồng. Mỗi lứa dưa thu hoạch vừa xong là có thương lái đến mua tại chân ruộng hoặc nông dân chỉ chở từ vườn ra ngã ba xóm là đã có người mua chờ sẵn ".
 
Trồng dưa chuột khá đơn giản và thích hợp trên đất ruộng tơi xốp; đầu tư ban đầu là một bộ giàn đỡ bằng nứa cho dưa leo, nếu bảo quản tốt có thể dùng được cho 3 - 4 vụ. Tuy chi phí và công chăm sóc không nhiều, nhưng để đạt năng suất cao cần phải tuân thủ các yêu cầu về kỹ thuật.

Theo kinh nghiệm của người dân, nên chọn những chân ruộng có điều kiện chủ động về tưới tiêu và giữ nước ở mức 1/3 rãnh là tốt nhất; chỉ cần tưới với một lượng nước vừa đủ, tránh làm ngập úng gốc sẽ gây thối rễ, chết cây. Phải tỉa lá đúng kỹ thuật, và làm choái kịp thời khi dưa có tay leo; cây dưa đã leo phải dùng dây mềm buộc thân vào giàn để hạn chế sâu bệnh. Chu kỳ sản xuất mỗi vụ chỉ 70 - 75 ngày, sau khi trồng được 30 ngày trở đi là bắt đầu cho thu hoạch. Việc thu hoạch được thực hiện làm nhiều đợt (trung bình 2 ngày 1 lần), tuỳ theo diện tích trồng và từng lứa quả, trong suốt 40 - 45 ngày mới tàn một vụ...
 
Nhận thấy đây là một mô hình có kinh tế hiệu quả và phù hợp với điều kiện thực tế địa phương, chính quyền xã Xuân Lâm đã tích cực tuyên truyền, tạo điều kiện cho người dân mở rộng diện tích dưa chuột, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
 
Tuy có hiệu quả kinh tế cao, nhưng để cho dưa chuột phát triển bền vững, cần xây dựng kế hoạch sản xuất cụ thể và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cho nông dân. Mặt khác, cũng cần chú ý đến yếu tố quy hoạch vùng sản xuất tập trung, có sự chỉ đạo chặt chẽ, tránh hiện tượng sản xuất tự phát, tràn lan, khiến cho cung vượt cầu, dẫn đến sản phẩm tiêu thụ khó khăn.


Có thể bạn quan tâm

Phân Bón Đầu Trâu Thắng Lớn Ở Campuchia Phân Bón Đầu Trâu Thắng Lớn Ở Campuchia

Đầu tháng 5/2012, chúng tôi có dịp qua Campuchia. Mặc dù mới chỉ bắt đầu vào vụ SX lúa mùa, nhưng thị trường phân bón nước này đã rất sôi động.

10/05/2012
Thành Tỷ Phú Từ 8 Sào Cà Phê Thành Tỷ Phú Từ 8 Sào Cà Phê

Không chỉ làm ăn giỏi, anh Sơn còn được biết đến như một Mạnh Thường Quân. Hàng năm, anh trích ra 150 triệu đồng cho hội viên nghèo vay không lấy lãi để phát triển kinh tế và nhận giúp đỡ một hộ thoát nghèo.

13/04/2012
Nhiều Hộ Dân Ở Gia Lai Ngậm Ngùi Vì Dưa Hấu Rớt Giá Nhiều Hộ Dân Ở Gia Lai Ngậm Ngùi Vì Dưa Hấu Rớt Giá

Đầu vụ năm nay, giá dưa hấu nằm ở mức cao, dao động từ 6.000 - 8.000 đồng/kg thì nay chỉ còn khoảng 1.000 đồng/kg và đang có xu hướng tiếp tục giảm. Dù lỗ nhưng nhiều hộ vẫn phải ngậm ngùi bán sản phẩm để đầu tư cho vụ sau hoặc chuyển sang trồng cây nông nghiệp khác.

13/04/2012
Nuôi Cá Tiến Vua - Chuyện Hoang Đường Có Thật Nuôi Cá Tiến Vua - Chuyện Hoang Đường Có Thật

Theo sử sách cổ ghi lại: Vào thời Hùng Vương thứ ba, niên hiệu là Hùng Quốc Vương, có một ngư dân làm nghề chài lưới ở khu vực ngã ba sông Việt Trì, nơi tụ hội của ba con sông lớn chảy từ vùng núi phía Bắc, đó là sông Thao, sông Lô và sông Đà. Bắt đầu từ đây người ta gọi là sông Cái hay sông Hồng.

14/07/2012
Lỗ 1 Triệu Đồng Mỗi Con Lợn Vì Chất Cấm Lỗ 1 Triệu Đồng Mỗi Con Lợn Vì Chất Cấm

Tại hội nghị “Nói không với chất tạo nạc beta – agonist trong thức ăn chăn nuôi” do Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam tổ chức sáng 14.4 tại TP. HCM, ông Nguyễn Chí Công - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết, giá thành mỗi kg thịt lợn hiện ở mức 48.000 đồng.

14/04/2012