Hiệu Quả Kinh Tế Từ Nuôi Bò Sữa

Quyết tâm tìm hướng đi mới trong sản xuất chăn nuôi nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao, ông Phó Văn Bột, ngụ ấp Phú An 1, xã Bình Hòa (Châu Thành, An Giang) đã thành công với mô hình nuôi bò sữa.
Ông Bột kể, hai vợ chồng ông đều làm nghề giáo, khi về nghỉ hưu, nhiều năm loay hoay với cây lúa và các loại hoa màu khác nhưng vẫn không đem lại hiệu quả. Năm 2000, phong trào nuôi bò sữa ở các địa phương phát triển mạnh, thấy lợi nhuận kinh tế khá lý tưởng nên ông nuôi thử.
Giống bò sữa vốn rất đắt nên ban đầu ông chỉ nuôi 3 con bò giống, với giá 20 triệu đồng/con. Để có kinh nghiệm trong chăn nuôi bò sữa, ông thường xuyên học hỏi kinh nghiệm từ những người nuôi khác, tìm tòi trên sách, báo và cả những điểm nuôi thành công ngoài địa phương. Nhờ đó, đàn bò sữa của ông phát triển đều đặn, nên kinh tế gia đình khởi sắc rõ nét.
Theo ông Bột, nuôi bò sữa không khó, nhưng người nuôi bò phải siêng năng, chịu khó, đồng thời phải tuân thủ chế độ dinh dưỡng và thời gian cho bò ăn hàng ngày. Để đảm bảo chi phí đầu vào và chất lượng của sữa, ngoài nguồn cỏ tươi, ông đã linh hoạt phối trộn thức ăn cho bò gồm thức ăn chăn nuôi và cám heo.
Trung bình một ngày, mỗi con bò sữa sẽ “tiêu thụ” hơn 10 kg thực phẩm hỗn hợp và 20 kg cỏ tươi. Lấy công làm lời, tất cả đất quanh vườn nhà đều được ông Bột tận dụng để trồng cỏ voi, đảm bảo cung cấp nguồn thức ăn quanh năm cho bò.
Ông Bột còn cho biết thêm, cùng giống bò nhưng bò sữa khác với bò thịt, chúng chỉ thích nghi tốt với nhiệt độ thoáng mát nên chuồng bò phải được làm ở nơi rộng rãi, khô ráo, sạch sẽ nhằm thuận tiện cho việc vắt sữa và đảm bảo vệ sinh trong chăn nuôi.
Ngoài ra, người nuôi còn phải chú ý tiêm phòng vắc-xin định kỳ để chống dịch bệnh. Bò sữa nuôi khoảng 15 tháng thì cho lên giống và hơn 2 năm bắt đầu khai thác sữa. Nếu được chăm sóc chu đáo và phát triển tốt, mỗi ngày, bò cho sữa được 2 lần vào lúc sáng và chiều.
Nói về hiệu quả kinh tế từ mô hình này, ông Bột phấn khởi: “Nuôi bò sữa có thể cho thu nhập hàng ngày, đặc biệt là giá sữa tăng và ngày càng ổn định. Hiện tại, tôi đã phát triển đàn bò sữa được 5 con, trong đó có 4 con đang cho sữa, một con mới sinh.
Bình quân mỗi ngày, một con bò sữa cho khoảng 10 kg sữa tươi, với giá hiện tại 17 ngàn đồng/kg, trừ chi phí thức ăn và thuê người cắt cỏ, tôi thu lãi trên 400 ngàn đồng. Ngày nay, đời sống phát triển, người dân dùng sữa tươi nhiều hơn để đảm bảo dinh dưỡng nên nhu cầu theo đó tăng lên, ngày nào cũng bán hết cho các cửa tiệm ở TP. Long Xuyên và người dân địa phương”.
Có thể bạn quan tâm

Từ khu đất bỏ hoang hơn 10 năm nay, anh Võ Thanh Sơn (Vạn Khánh, Vạn Ninh, Khánh Hòa) đã mạnh dạn cải tạo để trồng thanh long. Sau hơn 1 năm chăm sóc, cây thanh long bước đầu đã cho thu nhập, hứa hẹn hiệu quả kinh tế.

Thanh Lương là xã trọng điểm về diện tích cây ăn trái của thị xã Bình Long (Bình Phước), bao gồm các loại cây như: nhãn, quýt đường, cam, bưởi, chanh. Trong đó nhãn chiếm khoảng 400ha tập trung chủ yếu ở ấp Thanh An.

Sáng 25/9, Ban Quản lý Dự án AGB phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lào Cai đã tổ chức Diễn đàn phát triển cây ăn quả ôn đới tại Lào Cai.

Nhiều gia đình trồng hồng tại xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng cho biết, hiện thương lái đang thu mua hồng tại vườn với giá 6.500 đến 7.000 đồng/kg.
Đây là nội dung chính trong buổi gặp gỡ và tọa đàm giữa doanh nghiệp (DN), nhà vườn trồng xoài ở huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp).