Hiệu Quả Kinh Tế Từ Mô Hình Trồng Nấm Hồng Chi

Trạm Khuyến nông huyện Châu Phú vừa trình diễn thành công mô hình trồng nấm hồng chi. Qua đợt trồng nấm đầu tiên cho thấy, hiệu quả kinh tế khá cao nên đã tạo nhiều niềm tin cho người dân trồng nấm tại địa phương.
Anh Lê Hồ Minh Thiện, kỹ thuật viên Trạm Khuyến nông huyện cho biết, ngay khi Trại thực nghiệm (Sở Khoa học và Công nghệ) có được nguồn phôi nấm hồng chi, Trạm Khuyến nông huyện đã mua về và tiến hành trồng thử nghiệm tại nhà 3 hộ dân. Sau thời gian 75 ngày, các hộ đã thu hoạch đợt đầu, đa số nấm đều phát triển tươi tốt và cho năng suất cao.
Tỉ lệ phôi cho nấm đạt từ 97% trở lên. Ông Lê Văn Hoàng, ngụ ấp Vĩnh Lộc, thị trấn Cái Dầu, chia sẻ: “Đợt trước, tôi trồng 500 bịt phôi, cả 500 bịt đều cho nấm tươi tốt, thu hoạch đợt đầu được 20 kg nấm tươi, sau khi phơi nắng thu được 11 kg nấm khô, bán với giá 550 ngàn đồng/kg, kiếm được hơn 6 triệu đồng. Đấy là chưa kể, khoảng 1 tháng sau là nấm bắt đầu trổ thêm đợt 2, năng suất bằng phân nửa đợt đầu, tôi cũng kiếm thêm khoảng 3 triệu đồng nữa”.
Tính cả 2 đợt, ông Hoàng kiếm 9 triệu đồng, trừ chi phí sản xuất meo giống và làm giàn treo, ông đã bỏ túi hơn 5 triệu đồng.
Trồng nấm hồng chi không quá khó nhưng đòi hỏi nông dân phải nắm bắt một số kỹ thuật cơ bản thì phôi mới cho nấm to, đều, đẹp. Do chưa có kinh nghiệm trồng nên hộ ông Nguyễn Thời Nguyên, ấp Bình Hưng, xã Bình Long trồng nấm chỉ đạt tỉ lệ ra nấm khoảng 97% (trong 500 bịt phôi, có 15 bịt phôi bị hỏng, không thể ra nấm).
Từ đó, ông Nguyên đã đúc kết kinh nghiệm: “Nấm hồng chi chỉ ưa ánh sáng, chứ không phải ánh nắng trực tiếp nên phải làm giàn trong nhà. Nếu trồng trong điều kiện không đủ sáng, phôi sẽ không cho nấm. Còn khi tiếp xúc nhiều ánh sáng quá sẽ cho chân nấm dài, tay nấm nhỏ và sinh trưởng chậm.
Ngoài ra, không được trồng nấm gần nơi chuồng trại, khu vực trồng phải sạch sẽ thoáng mát, nên có thêm một lớp cát được tưới nước thường xuyên để giữ độ ẩm cho không khí, với ẩm độ lý tưởng 80o và nhiệt độ trung bình 20 - 30o C, có thể tưới khoảng 1-2 lần/ngày và không cần cung cấp thêm dưỡng chất, bởi trong phôi đã có đủ phân, mùn cho nấm phát triển.
Sau thời gian trồng nấm từ 60 đến 75 ngày là có thể thu hoạch. Tiếp tục chăm sóc thêm khoảng từ 30 đến 45 ngày, nông dân có thể “ăn” thêm một đợt nữa.
Sau thời gian trồng thực nghiệm và thường xuyên theo dõi, đánh giá, Trạm Khuyến nông huyện Châu Phú đã sơ kết mô hình và nhân rộng cho các nông dân khác. Đa số nông dân đều rất thích thú bởi việc trồng nấm đầu tư ít vốn, lời nhiều, dễ chăm sóc, sản phẩm lại dễ tiêu thụ trên thị trường. Hơn nữa, sản phẩm có thể tích trữ lại, tránh tình trạng cung vượt quá cầu.
Theo ông Hoàng, trước đây ông chỉ chuyên trồng nấm bào ngư, có khi dội hàng ế chợ vẫn phải bán với giá rẻ bởi không thể bảo quản lâu. Còn với nấm hồng chi, ông có thể cắt nhỏ, đem phơi 3-4 nắng là có thể cất giữ được từ 1 đến 2 năm.
Mô hình trồng nấm hồng chi ở huyện Châu Phú bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân, giúp họ tăng thu nhập. Đồng thời, việc nhân rộng mô hình sẽ cung cấp được một lượng nấm dược liệu quý hiếm cho thị trường, giúp người bệnh đỡ cất công đi tìm kiếm ở các vùng miền khác.
Có thể bạn quan tâm

Lâm Đồng là địa phương có nhiều ưu thế để phát triển nhanh các giống gia súc ăn cỏ như trâu, bò, dê… Riêng với con bò, những năm gần đây, Sở NN-PTNT tỉnh và chính quyền các địa phương trong tỉnh đã hỗ trợ nông dân triển khai các chương trình chăn nuôi lớn là Chương trình Sind hóa đàn bò vàng và Chương trình Phát triển giống bò sữa.

Hiện nay, trên địa huyện Dầu Tiếng (Bình Dương) có 99 hộ đăng ký chăn nuôi động vật hoang dã (ĐVHD) với 14 loài, gồm: Gấu ngựa, cá sấu, rắn ráo trâu, kỳ đà, rùa đất lớn, rùa núi vàng, cua đinh, cầy vòi hương, heo rừng lai, dúi, nhím… với tổng đàn lên đến 8.628 con.

Từ khi thành lập năm 2012 đến nay, mô hình chăn nuôi bò vỗ béo tại xã Long Trì, huyện Châu Thành (Long An), đã phát huy hiệu quả. Một số hội viên (HV) nông dân (ND) nhờ số vốn mồi đã có điều kiện làm ăn, vươn lên trong cuộc sống.

Đến nay, mùa vụ khai thác mật ong từ vải thiều trên địa bàn huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đã kết thúc. Sản lượng mật ước đạt 900 tấn, giảm 1.500 tấn so với cùng kỳ năm trước.

Mô hình chăn nuôi dê sinh sản và dê thịt đã mang lại hiệu quả kinh tế khá cao và cải thiện cuộc sống của nhiều gia đình nghèo.