Hiệu quả kinh tế từ mô hình trồng bưởi da xanh

Sinh ra và lớn lên trong điều kiện khó khăn chung của đất nước nên cũng như nhiều gia đình khác, cuộc sống trước đây của ông Phan Văn Thành gặp nhiều khó khăn, vất vả. Năm 1996, sau khi nghỉ hưu về làm kinh tế, vợ chồng ông Thành trồng các loại cây ăn trái chỉ đủ để xoay sở chi tiêu trong gia đình. Không nản lòng, với ý chí quyết tâm cùng với sự cần cù siêng năng, ông Thành động viên vợ cố gắng lao động sản xuất để vươn lên làm giàu.
Năm 2000, được Hội Nông dân xã tổ chức đi tham quan một số mô hình vườn cây ăn trái tại Cần Thơ, ông Thành nhận thấy giống bưởi da xanh có hiệu quả kinh tế cao, đầu ra tương đối ổn định. Từ đó, ông về cải tạo gần 3.000m2 đất vườn tạp để trồng bưởi da xanh. Ông Thành chia sẻ: “Thấy bưởi da xanh dễ trồng, thu nhập cũng khá nên tôi mua 2 gốc bưởi giống ở Cần Thơ đem về trồng thử. Thấy đất thích nghi, bưởi phát triển và cho trái tốt, tôi chiết ra mở rộng diện tích trồng”.
Tuy nhiên, những vụ bưởi sau đó, khi trái bưởi gần tới ngày thu hoạch thì sâu đục trái tấn công làm cho năng suất sụt giảm khoảng 1 tấn trái. Để bảo vệ vườn bưởi khỏi bị sâu đục trái phá hoại, ông Thành thử nghiệm việc xịt vôi đá trên toàn bộ diện tích. Tuy chỉ mới áp dụng phương pháp xịt vôi đá nhưng đến nay đã thấy rõ hiệu quả. Nếu như những năm trước, từ khi bưởi ra hoa đến lúc thu hoạch là 7 tháng, trung bình mỗi tháng phải phun từ 1-2 lần thuốc để phòng trừ sâu, nhưng hiện nay, chỉ cần xử lý thuốc một lần để tiêu diệt mầm bệnh cũng như các loại nấm ký sinh trên trái bưởi là được. Với cách làm này không chỉ ngăn sâu đục trái tấn công mà còn giảm được tiền thuốc bảo vệ thực vật và nhẹ công chăm sóc.
Để có một vườn bưởi xanh tốt như hiện tại, ông Thành đã dành nhiều thời gian cho việc chăm sóc ngay từ lúc trồng cho đến thu hoạch trái. Ngoài ra, ông Thành cũng thường xuyên tham khảo kỹ thuật về cây trồng có múi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ông Thành cho biết: “Bưởi da xanh trồng khoảng 3 năm là cho thu hoạch, vì vậy, trước khi trồng phải đắp thành mô cao, đào rãnh tại mỗi gốc, nhằm giúp rễ cây thông thoáng, kết hợp bón vi lượng và trồng với khoảng cách hợp lý để cây phát triển. Ngoài ra, phải thường xuyên chăm sóc, cắt cành, tạo tán, tỉa bỏ những chùm nhiều trái và chỉ để lại những trái có kích cỡ đều nhau, không bị bệnh hay méo, nhờ vậy trái bưởi lớn rất đều và tròn.”
Ông Thành nói thêm: “Do ưu điểm của bưởi da xanh có múi bưởi ngọt, hồng, trái đẹp nên nhiều năm trở lại đây giá bưởi luôn tăng cao, đặc biệt là vào dịp Tết. Mỗi năm, với 75 gốc bưởi da xanh cho gần 3 ngàn - 4 ngàn trái, tính đến khi thu hoạch mỗi trái trung bình được 1,5kg, tính ra cũng được trên 5 tấn trái. Với giá bưởi khoảng 37 ngàn đồng/kg thì sau khi trừ chi phí, gia đình tôi có thể thu về lợi nhuận trên 95 triệu đồng. Các thương lái thu mua bưởi cung cấp cho thị trường TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương và các tỉnh phía Bắc.”
Không chỉ chú tâm phát triển kinh tế gia đình, ông Thành còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội do địa phương phát động; sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn, trao đổi kinh nghiệm làm ăn với các hội viên Hội Nông dân và bà con lối xóm. Nhiều năm liền, ông Thành vinh dự được công nhận là nông dân sản xuất giỏi cấp xã; được bình xét là hộ gia đình sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện.
Có thể bạn quan tâm

Để từng bước nâng cao hiệu quả trong nuôi trồng thủy sản, thạc sĩ Trần Văn Hận, Chủ nhiệm Khoa Thủy sản, Trường đại học Cần Thơ phối hợp với Trung tâm giống thủy sản An Giang triển khai thực nghiệm thành công đề tài “Xây dựng mô hình sản xuất thử nghiệm nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa nâng cao năng suất và lợi nhuận” tại huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang.

Để góp phần phát triển ngành nông nghiệp bền vững, tỉnh Long An đã quy hoạch các vùng chuyên canh nuôi trồng thủy sản theo hướng toàn diện. Các vùng chuyên canh nuôi thủy sản gồm: Tôm nước lợ (vùng hạ của tỉnh) và vùng cá nước ngọt (tập trung vùng Đồng Tháp Mười).

Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn cho rằng, việc ND trả lại ruộng là cực chẳng đã và để giải quyết việc này, chúng ta phải chủ động giảm diện tích đất lúa xuống.

Trên thị trường giá thực phẩm tiếp tục giảm, trong khi giá "đầu vào" vẫn tăng, khiến cho các hộ chăn nuôi lại rơi vào hoàn cảnh khó khăn hơn bao giờ hết.

Thực hiện dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất giống cá lăng chấm bằng phương pháp sinh sản nhân tạo,” Chi cục Thủy sản Tuyên Quang vừa nghiên cứu và cho đẻ thành công cá lăng chấm giống bằng phương pháp này trên quy mô 63 cá lăng chấm bố mẹ.