Hiệu Quả Kinh Tế Từ Mô Hình Trồng Bưởi Da Xanh

Nhiều hội viên nông dân ở xã An Nhơn, huyện Châu Thành (Đồng Tháp) cảm phục mỗi khi nhắc đến ông Phan Văn Thành (SN 1939), nông dân sản xuất giỏi nhiều năm liền của xã bởi sự năng động, nhiệt tình trong công tác Hội Nông dân, nhạy bén trong phát triển kinh tế.
Sinh ra và lớn lên trong điều kiện khó khăn chung của đất nước nên cũng như nhiều gia đình khác, cuộc sống trước đây của ông Phan Văn Thành gặp nhiều khó khăn, vất vả. Năm 1996, sau khi nghỉ hưu về làm kinh tế, vợ chồng ông Thành trồng các loại cây ăn trái chỉ đủ để xoay sở chi tiêu trong gia đình. Không nản lòng, với ý chí quyết tâm cùng với sự cần cù siêng năng, ông Thành động viên vợ cố gắng lao động sản xuất để vươn lên làm giàu.
Năm 2000, được Hội Nông dân xã tổ chức đi tham quan một số mô hình vườn cây ăn trái tại Cần Thơ, ông Thành nhận thấy giống bưởi da xanh có hiệu quả kinh tế cao, đầu ra tương đối ổn định. Từ đó, ông về cải tạo gần 3.000m2 đất vườn tạp để trồng bưởi da xanh. Ông Thành chia sẻ: “Thấy bưởi da xanh dễ trồng, thu nhập cũng khá nên tôi mua 2 gốc bưởi giống ở Cần Thơ đem về trồng thử. Thấy đất thích nghi, bưởi phát triển và cho trái tốt, tôi chiết ra mở rộng diện tích trồng”.
Tuy nhiên, những vụ bưởi sau đó, khi trái bưởi gần tới ngày thu hoạch thì sâu đục trái tấn công làm cho năng suất sụt giảm khoảng 1 tấn trái. Để bảo vệ vườn bưởi khỏi bị sâu đục trái phá hoại, ông Thành thử nghiệm việc xịt vôi đá trên toàn bộ diện tích.
Tuy chỉ mới áp dụng phương pháp xịt vôi đá nhưng đến nay đã thấy rõ hiệu quả. Nếu như những năm trước, từ khi bưởi ra hoa đến lúc thu hoạch là 7 tháng, trung bình mỗi tháng phải phun từ 1-2 lần thuốc để phòng trừ sâu, nhưng hiện nay, chỉ cần xử lý thuốc một lần để tiêu diệt mầm bệnh cũng như các loại nấm ký sinh trên trái bưởi là được. Với cách làm này không chỉ ngăn sâu đục trái tấn công mà còn giảm được tiền thuốc bảo vệ thực vật và nhẹ công chăm sóc.
Để có một vườn bưởi xanh tốt như hiện tại, ông Thành đã dành nhiều thời gian cho việc chăm sóc ngay từ lúc trồng cho đến thu hoạch trái. Ngoài ra, ông Thành cũng thường xuyên tham khảo kỹ thuật về cây trồng có múi trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Ông Thành cho biết: “Bưởi da xanh trồng khoảng 3 năm là cho thu hoạch, vì vậy, trước khi trồng phải đắp thành mô cao, đào rãnh tại mỗi gốc, nhằm giúp rễ cây thông thoáng, kết hợp bón vi lượng và trồng với khoảng cách hợp lý để cây phát triển. Ngoài ra, phải thường xuyên chăm sóc, cắt cành, tạo tán, tỉa bỏ những chùm nhiều trái và chỉ để lại những trái có kích cỡ đều nhau, không bị bệnh hay méo, nhờ vậy trái bưởi lớn rất đều và tròn.”
Ông Thành nói thêm: “Do ưu điểm của bưởi da xanh có múi bưởi ngọt, hồng, trái đẹp nên nhiều năm trở lại đây giá bưởi luôn tăng cao, đặc biệt là vào dịp Tết. Mỗi năm, với 75 gốc bưởi da xanh cho gần 3 ngàn - 4 ngàn trái, tính đến khi thu hoạch mỗi trái trung bình được 1,5kg, tính ra cũng được trên 5 tấn trái.
Với giá bưởi khoảng 37 ngàn đồng/kg thì sau khi trừ chi phí, gia đình tôi có thể thu về lợi nhuận trên 95 triệu đồng. Các thương lái thu mua bưởi cung cấp cho thị trường TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương và các tỉnh phía Bắc.”
Không chỉ chú tâm phát triển kinh tế gia đình, ông Thành còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội do địa phương phát động; sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn, trao đổi kinh nghiệm làm ăn với các hội viên Hội Nông dân và bà con lối xóm.
Nhiều năm liền, ông Thành vinh dự được công nhận là nông dân sản xuất giỏi cấp xã; được bình xét là hộ gia đình sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện.
Có thể bạn quan tâm

Hiện đang bắt đầu vào mùa bẫy tôm hùm con. Trên địa bàn thành phố Phan Thiết, nhiều ngư dân đã tiến hành đặt bẫy tại các vùng biển ven bờ. Mặc dù Chỉ thị 01 năm 2012 của UBND tỉnh Bình Thuận về quản lý bẫy, bắt tôm hùm con đã cấm bẫy, bắt tôm hùm con từ ngày 1/3 đến 30/9 hàng năm, đồng thời cấm đặt bẫy tại các bãi tắm trước các khu du lịch, các bãi tắm cộng đồng, các khu neo đậu tàu thuyền; các vùng cửa sông, cửa biển và các luồng tuyến giao thông đường thủy tàu thuyền thường xuyên qua lại.

Ngày 11/7/2014, tại thị trấn Đông Thành, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh tổ chức thả gần 1.000 kg cá các loại như cá lóc, cá chép, cá rô,… xuống môi trường tự nhiên trên sông Vàm Cỏ Đông.

Theo các chủ dựa cá ở chợ ấp 5, nước lũ đầu nguồn đang rút nhanh, số lượng cá đổ ra sông khu vực xã Vĩnh Xương rất nhiều, hàng ngày có nhiều xuồng, ghe lớn nhỏ của các ngư dân tham gia đánh bắt, chủ yếu là cá linh, mè vinh, cá dãnh, cá ét, cá chốt… có giá từ 5.000 đến 15.000đ/kg.

Theo các nhà khoa học, giống cừu Phan Rang được hình thành hơn 100 năm nay. Trải qua điều kiện khí hậu nắng nóng gần như quanh năm, dưới sự tác động của chọn lọc tự nhiên và nhân tạo, giống cừu Phan Rang đã thích nghi cao với môi trường sinh thái của tỉnh, là giống cừu duy nhất ở Việt Nam hiện nay.

Với 160.000 ha diện tích mặt nước biển và gần 600 hòn đảo, thế mạnh của Vân Đồn là khai thác tiềm năng biển đảo, đặc biệt là ngành thuỷ sản. Do đó, thời gian qua huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) đã có nhiều nghị quyết chuyên đề nhằm tập trung nguồn lực phát triển bền vững lĩnh vực này.