Hiệu Quả Kinh Tế Từ Chăn Nuôi Gia Cầm

Phát huy những điều kiện thuận lợi về điều kiện tự nhiên, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh đã chú trọng phát triển chăn nuôi các loại gia cầm và đã đưa lại hiệu quả kinh tế cao.
Theo thống kê, toàn huyện Đắk Mil hiện có đàn gia cầm khoảng 52.000 con, tập trung chủ yếu ở các xã như Đức Minh, Đức Mạnh, Long Sơn... Để giúp bà con đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, thời gian qua, ngành chức năng cũng như các địa phương đã chú trọng việc tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân tiến hành các biện pháp chăn nuôi an toàn.
Cụ thể như việc mua con giống ở những địa chỉ có uy tín, thực hiện vệ sinh phòng dịch qua việc cấp phát thuốc tiêu độc khử trùng ở những khu vực công cộng, điểm kinh doanh gia cầm. Nhờ đó, đàn gia cầm liên tục phát triển, tổng đàn năm sau luôn cao hơn năm trước.
Gia đình chị Nguyễn Thị Dung ở thôn Đức Vinh, xã Đức Minh (Đắk Mil) nhiều năm nay luôn có đàn gà siêu trứng khoảng 3.000 con. Trung bình mỗi ngày xuất bán khoảng 2.700 quả trứng, thu về gần 5 triệu đồng; cả năm đạt hơn 1,5 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí các khoản như giống, cám cho gà ăn, thuốc bổ và men vi sinh, vắc xin, khấu hao chuồng trại, công chăm sóc, gia đình chị còn lãi khoảng hơn 300 triệu đồng/năm.
Chị Dung cho biết: “So với gia súc thì gia cầm có chi phí đầu tư thấp hơn, chuồng trại quy mô nhỏ hơn, công chăm sóc cũng nhẹ nhàng. Tuy nhiên, người nuôi phải siêng năng, cần cù, bởi lúc nào cũng có việc để làm. Quan trọng nhất là ở khâu phòng dịch, cụ thể như vệ sinh chuồng trại sạch sẽ hàng ngày, gia đình tôi đều thu gom xử lý chất thải, phun thuốc khử trùng và rắc vôi bột xung quanh khu vực chuồng trại theo định kỳ, tiêm phòng và chủng vắc xin đầy đủ, kịp thời. Trong quá trình nuôi, gia đình luôn bổ sung thêm men tiêu hóa và vitamin một tuần 3 lần vào khẩu phần thức ăn của gà để tăng sức đề kháng”.
Còn ở các xã Đức Xuyên, Quảng Phú, Buôn Choáh (Krông Nô), nhiều hộ gia đình lại đầu tư nuôi vịt. Chị Đàm Thị Chi, ở thôn 5, xã Buôn Choáh luôn duy trì đàn vịt thịt trên dưới 500 con. Theo chị Chi thì với điều kiện là nhà có ao cá, phía trước có đồng nên sau mùa thu hoạch lúa là thời điểm đàn vịt của gia đình chị phát triển nhanh nhất bởi lượng thức ăn dồi dào.
Chỉ sau hơn 2,5 tháng nuôi, vịt đã đạt trọng lượng từ 2,5- 3 kg, với giá bán 50.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, mỗi con vịt cũng có lãi khoảng 75.000 đồng. Trung bình mỗi năm, chị nuôi được 3 lứa, xuất bán khoảng 1.400 con, sau khi trừ mọi chi phí cũng thu được 100 triệu đồng.
Chị Chi cho biết: “Giống vịt tôi chọn nuôi nhiều năm nay là vịt bầu cánh trắng với những ưu điểm như kháng bệnh cao, phát triển nhanh, luôn được thị trường ưa chuộng”.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp huyện Krông Nô, hiện nay, việc chăn nuôi gia cầm, thủy cầm trên địa bàn đang có xu hướng phát triển nhanh, với tổng đàn khoảng 227.000 con. Nhiều hộ gia đình đã chú trọng tới việc đầu tư chuồng trại, học tập kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh để sản xuất với quy mô hàng ngàn con mỗi lứa nuôi.
Theo ông Ngô Quốc Hưng, Chi cục Trưởng Chi cục Thú y tỉnh thì việc phát triển chăn nuôi gà, vịt, ngan, ngỗng của nông dân là một hướng đi đúng, góp phần vào việc tăng tỷ trọng chăn nuôi trong tổng thu nhập của ngành nông nghiệp. Tổng đàn gia cầm của toàn tỉnh hiện cũng đạt mức cao nhất từ trước đến nay là 1.300.000 con và đang ngày càng phát triển.
Điều đáng mừng là không những đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh mà còn bắt đầu cung ứng cho các tỉnh lân cận. Bên cạnh việc tăng đàn thì ngành cũng chú trọng việc hướng dẫn, hỗ trợ bà con phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, nhằm đảm bảo không bị thiệt hại do dịch bệnh phát sinh, sản xuất ra sản phẩm từ gia cầm như thịt, trứng đảm bảo an toàn thực phẩm và đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Có thể bạn quan tâm

“Lúc mới về khu vực thôn Xuân Đông, tôi mua hơn 3ha đất đồi. Với ý định trồng tỏi, tôi thuê máy múc san ủi, cải tạo thành những diện tích vuông vắn; phía dưới tận dụng lớp đất bazan, phía trên phủ một lớp đất cát dày từ 2 - 3cm để tạo độ tơi xốp và giữ độ ẩm.

Để phát huy vai trò hệ thống đê bao vùng mía nguyên liệu đang được triển khai tại huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang), hiện Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) đang thực hiện thí điểm mô hình vuông bơm tập trung tại xã Hiệp Hưng. Tuy mới triển khai, nhưng mô hình đã được ngành chức năng và người dân địa phương đánh giá cao về tính hiệu quả và hứa hẹn nhiều triển vọng trong việc giảm áp lực mía chạy lũ, nâng cao thu nhập cho người dân.

Năm 2014, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) xây dựng được 18 cánh đồng mẫu lớn, gồm 13 cánh đồng mẫu sản xuất lúa và 5 cánh đồng mẫu sản xuất cây rau màu, vượt 15 cánh đồng so với kế hoạch tỉnh giao.

Dự án này triển khai 3 mô hình: Phát triển cây bắp lai chịu hạn LVN61 phù hợp với điều kiện đầu tư hạn chế của đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Thành Sơn; thâm canh tổng hợp tại các xã: Ba Cụm Bắc, Ba Cụm Nam, Sơn Bình, Sơn Hiệp và Thành Sơn; xây dựng mô hình thâm canh tổng hợp kết hợp trồng xen đậu tại xã Sơn Bình.

Từ năm 2007 đến nay, cây cam trên đất Yên Thành (Nghệ An) đã có sự phát triển mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao và được xếp là giống cây chủ lực, nhưng đến nay cam Yên Thành vẫn chưa xây dựng được thương hiệu; bà con trồng cam vẫn loay hoay tự tìm đầu ra cho sản phẩm.