Hiệu Quả Kinh Tế Từ Cây Bơ Trái Mùa

Đam mê nghiên cứu và nhân cây giống cho hiệu quả kinh tế cao, kỹ sư nông - lâm Huỳnh Ngọc Tư đã mạnh dạn đầu tư lập doanh nghiệp cây giống, tiếp sức cho nông dân Tây Nguyên làm giàu.
Tốt nghiệp Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh năm 1998, anh Huỳnh Ngọc Tư về nhận công tác tại Trung tâm Nghiên cứu cây ăn quả miền Đông Nam bộ (Bà Rịa – Vũng Tàu). Tại đây, cùng nhiều đồng nghiệp, chàng kỹ sư trẻ quê gốc Quảng Ngãi này trở nên đam mê với công việc nghiên cứu, tuyển chọn, thực nghiệm tác động bằng hóa chất để tạo ra những giống cây ăn quả trái vụ có năng suất cao, chất lượng tốt. Những loại cây anh tham gia lai tạo, sản xuất đã được nhiều nhà vườn ở các tỉnh Nam bộ nồng nhiệt đón nhận do thu hoạch trái vụ, có thể bán với giá cao.
Năm 2005, anh chuyển công tác sang Sở Khoa học – Công nghệ Dak Lak, tham gia chương trình nghiên cứu phát triển chuỗi giá trị bơ trái. Nhiều năm liền, tranh thủ những ngày nghỉ cuối tuần anh cưỡi xe máy đi hàng trăm cây số, vào tận từng vườn bơ ở các huyện xa của tỉnh để ghi chép, tìm hiểu.
Tự anh tìm ra 100 cây bơ trái mùa, có phẩm chất tốt; sau khi sàng lọc anh chọn được 46 cây có đặc tính nổi trội. Tiếp tục nghiên cứu, theo dõi 3 năm liền, anh “chốt” được 5 cây bơ ưu việt nhất, gồm: 1 cây bơ sớm (ra trái từ tháng 1 đến tháng 4 hằng năm); 3 cây bơ muộn (ra trái từ tháng 9 đến tháng 12) và 1 cây bơ tứ quý (ra trái quanh năm), mỗi cây có năng suất gần 5 tạ trái/năm.
Theo đề xuất của anh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã lập Hội đồng khoa học thẩm định và công nhận 5 cây bơ trên có đủ phẩm chất là cây đầu dòng theo ký hiệu từ CĐD.BO.41.01 đến CĐD.BO.41.05. Các giống bơ trái mùa này cũng đã được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam công nhận nằm trong “Top 100 sản phẩm vàng thời hội nhập năm 2011 của cả nước.
Để xây dựng các giống cây trái mùa thành thương hiệu, anh quyết định thành lập doanh nghiệp. Cuối năm 2009, anh xin thôi việc ở Sở Khoa học – Công nghệ về xã Ea Ktur (huyện Cư Kuin) lập Công ty TNHH – MTV Dak Farm do anh làm Giám đốc, chuyên sản xuất, cung ứng cây giống cho vùng Tây Nguyên và cả nước.
5 cây bơ giống đầu dòng mà anh dày công tuyển lựa mấy năm trước đã giúp anh khởi nghiệp thành công. Anh cho biết, năm 2010, Dak Farm đã bán ra thị trường 20.000 cây bơ giống trái mùa lai ghép, năm 2013 vừa qua là 26.000 cây bơ giống trái mùa và hơn 25.000 giống cây khác.
Dự kiến năm 2014, sẽ bán ra thị trường 60.000 cây bơ giống trái mùa với giá bình quân 45.000 đồng/cây và khoảng 40.000 giống cây công nghiệp, cây ăn quả khác. Anh Huỳnh Ngọc Tư hồ hởi chia sẻ: “Đến thời điểm này Công ty đã nghiên cứu, nhân giống và cung cấp cho bà con nông dân cả nước 15 giống cây ăn trái và 6 giống cây công nghiệp cho năng suất cao.
Cây giống của Công ty đã ra tận các tỉnh miền núi phía Bắc như: Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái; đến các tỉnh miền Trung như: Quảng Bình, Quảng Trị và vào cả các tỉnh miền Đông Nam bộ. Năm 2014, Công ty mở thêm cơ sở 2 cung cấp giống cây tại xã Thuận An, huyện Dak Mil (tỉnh Dak Nông) và tới đây còn đầu tư xây dựng Cơ sở liên kết hỗ trợ đầu ra cho nông dân tại xã Cuôr Đăng, huyện Cư M’gar”…
Hiện nay, anh Huỳnh Ngọc Tư đang trăn trở để tìm đầu ra ổn định, có giá cao cho nông dân. Ý tưởng của anh về đầu ra cho cây bơ trái mùa không chỉ hướng đến các đại lý thu mua, các siêu thị, chợ đầu mối trong nước mà còn mở rộng ra thị trường nước ngoài.
Không chỉ nghiên cứu, nhân giống và cung cấp cho nông dân những giống cây trái mùa, người kỹ sư này còn sẵn sàng tới tận các nhà vườn để hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc vườn cây. Chủ trang trại Nguyễn Tấn Phước, thôn 1, xã Quảng Tiến (huyện Cư M’gar) cho biết: “Gia đình có 60 ha cà phê, năm nay 10 ha già cỗi, mình đã chuyển sang trồng bơ trái mùa.
Dự kiến 1 ha trồng được 200 cây, chi phí đầu tư trong 3 năm sẽ khoảng 20 triệu đồng/ha. Từ năm thứ 4 là cây bơ cho trái, năng suất bình quân từ 2-4 tạ quả/cây, với giá bán 30.000 đồng/kg thì 1 ha bơ trái mùa sẽ cho doanh thu 120 - 240 triệu đồng/năm tùy theo độ tuổi của vườn cây...”.
Không chỉ đồng hành cùng nông dân làm giàu, mà thông qua việc cung cấp cây giống, nhất là giống bơ trái mùa, anh Huỳnh Ngọc Tư cũng trở thành tỷ phú. Năm 2011, doanh thu của vườn giống Dak Farm đạt hơn 2 tỷ đồng, trong đó một nửa từ các giống bơ; năm 2014 này dự kiến với 100.000 cây giống các loại cung cấp ra thị trường, doanh thu sẽ đạt hơn 3 tỷ đồng.
Có thể bạn quan tâm

Vài năm gần đây, rất nhiều gia đình ở xã Long Tân, huyện Dầu Tiếng (Bình Dương) chú trọng vào nghề chăn nuôi bò sữa. Nhờ sự cần cù, chịu khó của bản thân, sự hỗ trợ tích cực về vốn lẫn kỹ thuật từ chính quyền địa phương, người dân đã biết cách nuôi bò sữa hiệu quả và đã có cuộc sống no đủ hơn.

Ngày 19/5, Hội Nông dân tỉnh Bạc Liêu đã chủ trì Hội thảo “Sử dụng vi sinh thay thế hóa chất, kháng sinh trong nuôi tôm sạch” với sự tham gia của hơn 400 hộ nuôi tôm các tỉnh Sóc Trăng, Kiên Giang và Bạc Liêu.

Nhiều trang trại cho biết, hiện gà đã quá thời hạn xuất chuồng nhưng không thể bán được. Nguồn cung gà thịt hiện đang rất dư thừa, trong khi thị trường lại không mặn mà với sản phẩm này, người tiêu dùng e dè với thịt gà, do đó lượng gà tồn kho đang rất lớn.

Nhiều người nghĩ rằng trồng nấm rơm trên núi sẽ là một hướng đi khó khăn bởi xa nguồn nguyên liệu và đối mặt với sự chuyển biến phức tạp của thời tiết. Thế nhưng hướng đi táo bạo ấy của gia đình anh Lê Trọng Khánh - chị Trương Thị Ngọc Lài, ở thôn Tân Hữu, xã Tân Liên (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) đã thành công và mở ra một hướng làm kinh tế mới đầy hứa hẹn cho người dân nơi đây...

Do thời tiết nắng nóng kéo dài, giá các loại trái cây có tính thanh nhiệt, giải khát tăng mạnh, đặc biệt là dừa tươi. Tại Trà Vinh, giá dừa tươi đã tăng gần gấp đôi so với cách đây vài tháng, nhà vườn rất phấn khởi.